Chúng ta

F-Story số 1: 13 thành viên sáng lập xây ‘tổ chức kiểu mới’ FPT

Thứ sáu, 28/7/2023 | 16:05 GMT+7

F-Story số đầu tiên lên sóng hé lộ hình ảnh 8/13 thành viên Sáng lập FPT, cùng tầm nhìn trở thành một tổ chức kiểu mới.

Năm 1988, 13 nhà khoa học - với trái tim đầy khát khao lãng mạn và quyết tâm cháy bỏng về một cuộc sống đầy đủ vật chất, phong phú tinh thần, góp phần hưng thịnh quốc gia - đã chung tay thành lập FPT.

Nhìn lại những năm 1986, Việt Nam đứng trước nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế. Để đối phó với tình hình này, Đại hội Đảng VI đã khởi xướng chương trình cải cách kinh tế xã hội - chính sách Đổi Mới.

Hé mở một tương lai tươi sáng cho đất nước, Chính sách Đổi Mới không chỉ cho phép những mô hình kinh tế mới hoạt động hiệu quả mà còn khuyến khích sự năng động sáng tạo của một thế hệ mới. Từ đó, xuất hiện nhiều cá nhân và doanh nghiệp trẻ, những nhân tố đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam so với nhiều thập kỷ trước. Trong số này có FPT. Công ty được xem là "con đẻ" của chính sách Đổi Mới.

Ngày 13/9/1988, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Đình Cự - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia đương nhiệm, đã ký quyết định thành lập Công ty Công nghệ Thực phẩm. Anh Trương Gia Bình đảm nhận vị trí Giám đốc công ty.

Tên công ty phải có chữ “công nghệ” do trực thuộc Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia (nay là Viện Ứng dụng Công nghệ). Khi được GS. TS Vũ Đình Cự hỏi về định hướng hoạt động, anh Bình lựa chọn lĩnh vực công nghệ sấy, công nghệ tin học và công nghệ tự động hóa. Giáo sư gợi ý, chỉ có ngành chế biến thực phẩm bao gồm tất cả công nghệ đó. Khởi nguồn của FPT, cái tên “Công ty Công nghệ Thực phẩm” (tiếng Anh: The Food Processing Technology Company) ra đời.

Giai đoạn khởi đầu, công ty không có vốn liếng, không có tài sản cố định, cũng không có trụ sở văn phòng. FPT phải "vật lộn" tìm đường, kinh doanh đủ ngành nghề để tồn tại, để sống: lập dây chuyền sấy thuốc lá, sản xuất bột dinh dưỡng cùng Vinamilk, buôn xe tải bãi rác, sắt thép xây dựng, thậm chí bán vàng tiết kiệm để trả lương cho nhau...

Sau 35 năm, với bàn tay và khối óc, từng bước, người FPT đã phát triển thành công các giải pháp phần mềm cho những lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế như hải quan, ngân hàng, thuế..., đưa Internet về Việt Nam, tiên phong chuyển đổi số và dẫn đầu về tư vấn, cung cấp, triển khai các dịch vụ, giải pháp công nghệ - viễn thông… Qua đó trở thành một trong những Tập đoàn Công nghệ hàng đầu tại Việt Nam và vươn ra toàn cầu một cách mạnh mẽ như ngày nay.

-3485-1690517297.jpg

Bức ảnh được cho là chụp đầy đủ nhất nhà Sáng lập FPT, cùng Trung tướng, cựu Phó Thủ tướng Đồng Sỹ Nguyên (đội mũ, đứng giữa).

Nhớ lại thuở ban đầu, tuy còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng FPT dưới sự dẫn dắt của anh Trương Gia Bình vẫn đặt ra chiến lược phát triển tổ chức mang tính cách mạng và đột phá.

“FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh, bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển đầy đủ nhất về tài năng, một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần.”

Đây là nội dung trích trong dự thảo Điều lệ Công ty, được soạn thảo từ ý tưởng của anh Trương Gia Bình và được anh Phạm Hùng chắp bút trong những ngày hè năm 1988. Từ năm 1995, đây được coi là tôn chỉ hoạt động và trở thành Tầm nhìn (Vision) chính thức của FPT. Thông điệp này đã và đang được lan toả khắp các trụ sở của nhà F trong nước và trên toàn thế giới.

Rất nhiều người đã có đóng góp lớn cho FPT từ trước thời điểm 13/9/1988 - ngày thành lập Tập đoàn. Trong đó không thể không nhắc tới 13 nhân vật “đời đầu”, quan trọng nhất từng gắn bó với “chiến khu” 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) - trụ sở đầu tiên của FPT.

Tại buổi liên hoan ra mắt (15/9/1988), các thành viên ban đầu tham gia gồm 15 người, nhưng sau đó các anh Nguyễn Hồng Phan và Nguyễn Văn Thăng đã tách khỏi FPT. Sự kiện còn có sự chứng kiến của GS.TS Vũ Đình Cự, khi đó là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia và GS.TS Nguyễn Văn Đạo, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam - “Cha đỡ đầu” của FPT ngày ấy.

13 “công thần” sáng lập FPT thuở ấy gồm các anh: Trương Gia Bình; Lê Vũ Kỳ; Lê Quang Tiến; Nguyễn Trung Hà; Nguyễn Chí Công; Trần Đức Nhuận; Lê Thế Hùng; Phạm Hùng; Bùi Quang Ngọc; Nguyễn Thành Nam; Võ Mai; Đào Vinh; Đỗ Cao Bảo.

F-Story ra mắt với chủ đề “F ta 35 năm” mong muốn tạo không khí sôi nổi, lan tỏa, truyền cảm hứng tự hào về hành trình FPT 35 năm nói chung và quy mô phát triển của Tập đoàn. Từ đây, người FPT sẽ được hòa mình vào những tháng ngày tươi đẹp của FPT trong 35 năm qua.

Chương trình sẽ bao gồm 2 nội dung chính: chuỗi minigame diễn ra thứ Tư hàng tuần trên Workplace FPT Chungta News với giải thưởng lên tới 10.000 Gold và loạt câu chuyện truyền cảm hứng trong hành trình 35 năm lên sóng vào thứ Sáu. Hoạt động sẽ kéo dài từ nay tới hết 13/9, trong 8 tuần với các chủ đề hấp dẫn, “thâm cung bí sử” FPT.

Hà Huy

Ý kiến

()