Chúng ta

Dự án triệu đô FPT Software Đà Nẵng ‘quả cảm’ vượt Covid

Thứ tư, 13/1/2021 | 17:43 GMT+7

Trong tâm dịch, toàn bộ nhân sự của dự án trị giá 2,7 triệu USD quyết ‘chơi một trận sống còn’, biến FLM900 trở thành biểu tượng quả cảm vượt Covid của Đơn vị phần mềm chiến lược Đà Nẵng .

Ngày FLM900 cán đích, toàn đội dự án vỡ oà trong niềm vui. Là người đảm nhận việc trao đổi, kết nối với khách hàng, anh Võ Thành Trung nhớ nhất khoảnh khắc nhận được một email từ đối tác. Anh nhấn vào đọc mà vui sướng tột độ. “Xong rồi, thành công rồi”, anh Trung thốt lên trong sự ngỡ ngàng của những đồng nghiệp. Trong phòng, không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra. Đó là một email phản hồi của khách, đánh giá sự hài lòng và cảm ơn toàn đội dự án đã nỗ lực đúng cam kết.

Anh Trung ấn tượng mãi với dòng tâm sự của đối tác. “Đây là email cuối cùng của tôi và anh, sau rất nhiều email để dự án thành công tốt đẹp. Chúc mừng dự án đã hoàn thành” - dòng mở đầu ấy khiến anh không thể quên. Bức thư này được anh gửi chia vui với anh em dự án. “Một email đặc biệt trong một ngày đặc biệt. Chúng tôi thở phào, vì biết rằng FLM900 đã hoàn tất sứ mệnh”. Dự án đã mang về 2,7 triệu USD cho nhà Phần mềm. Hơn thế, hành trình thực hiện còn khiến những người tham gia được quăng mình qua những tình huống "nghẹt thở".

'Lách qua khe cửa hẹp"

“Chúng tôi không còn đường lùi, không còn lựa chọn. Chỉ có tiến”, anh Ngô Duy Trinh, Quản trị dự án (PM) FLM900, khẳng định. Mùa hè 2020, dự án đang vào giai đoạn cam go nhất nhưng TP Đà Nẵng bỗng trở thành tâm dịch. Toàn bộ nhân sự thực hiện WFH (làm việc tại nhà) theo chỉ thị của Tập đoàn và địa phương. Ngay trong đêm, “mệnh lệnh” của Giám đốc Phần mềm chiến lược Đà Nẵng (FDN, FPT Software) được truyền đi cấp tốc. Nội dung gói gọn “an toàn và đảm bảo tiến độ bằng mọi giá”.

FLM900 là một dự án fixed-price (hợp đồng cố định) với quy mô lớn nhất nhà Phần mềm trong năm 2020. Dự án có trị giá 2,7 triệu USD, chính thức thực hiện từ  đầu tháng 4/2020 với khoảng 150 nhân sự làm về mảng chuyển đổi số. Khách hàng là một công ty năng lượng có trụ sở chính tại thành phố Nagoya, Nhật Bản.

Làm việc với khách hàng Nhật, toàn bộ nhân sự FLM900 đều hiểu, deadline (hạn cam kết) là yếu tố sống còn. Nhất định phải đảm bảo hoàn thành trong tháng 11/2020. Bài toán ấy khiến Ban lãnh đạo FDN, đội dự án và cả phía khách hàng đều không khỏi lo lắng. Chỉ còn một khe cửa hẹp để đến đích.

FLM-900.jpg

Tập thể nhóm dự án FLM900, Đơn vị phần mềm chiến lược Đà Nẵng. Ảnh: ĐVCC

Cuối tháng 7/2020, thời điểm FLM900 căng thẳng và nhiều việc nhất, đại dịch Covid-19 lần 2 bùng phát ở Đà Nẵng. Không chỉ Đà Nẵng là tâm dịch, thử thách càng lớn hơn khi trụ sở F-Complex ghi nhận ca F0 đầu tiên. Kéo theo đó là hàng loạt nhân sự dự án thuộc diện F, cần phải thực hiện tự cách ly, theo dõi. Toàn bộ 150 kỹ sư phải làm việc tại nhà theo chỉ thị. 

Giữa muôn vàn thách thức, FLM900 thay đổi bằng cách áp dụng nhiều phương thức giao tiếp. Yêu cầu kết nối 150 con người qua kênh online được đặt ra. Quản trị dự án Ngô Duy Trinh đảm nhận giải “bài toán” này, bắt đầu phối hợp để lên kế hoạch chi tiết. Nhóm công việc nhanh chóng được tạo, ấn định thời gian họp qua Webex… FLM900 áp dụng một công cụ (tool) để các thành viên có thể tạo báo cáo năng suất hằng ngày, trưởng bộ phận cũng có thể theo dõi tiến độ công việc của từng cá nhân.

Ngay từ khi tham gia, tất cả đã xác định sẽ có những ngày không ngủ. Nhưng ảnh hưởng bất ngờ từ Covid làm mọi người nhận ra, họ sẽ có nhiều ngày không ngủ hơn nữa. Và thực tế khi tham gia dự án trong hoàn cảnh đặc biệt, khái niệm ngày nghỉ, thứ Bảy hay Chủ nhật hầu như không còn tồn tại. 2h sáng vẫn thấy anh em cập nhật trên nhóm làm việc.

“Không phải chúng tôi không ngủ, mà thực sự là không thể ngủ. Đặt lưng xuống là lại nghĩ ngay đến dự án, lại lò mò bật máy tính lên để làm”. Thậm chí, anh Lê Trung Quang, thành viên dự án, còn thừa nhận mình nhiều lần bị vợ con cằn nhằn vì làm việc ở nhà mà bận rộn hơn cả khi làm tại công ty.

Trước áp lực rất lớn về tiến độ, anh Phạm Tấn Dăng bật mí đã có những lúc anh em cãi nhau to, tranh luận quyết liệt. Anh lí giải, gọi là cãi nhau vì lúc đó ai cũng mang quần đùi ngồi ở nhà, đeo tai nghe, rồi um sùm trước máy tính. “Chỉ cần một sai số nhỏ là tiến độ bị kéo lại ngay. Nên anh em chúng tôi kiên quyết không để phát sinh lỗi. Làm đến đâu là chắc đến đó. Cũng vì máu chiến quá mới cãi đấy”, anh nói. Tuy nhiên, chưa một lần anh nghĩ về việc dự án sẽ bị chậm tiến độ. Toàn đội vẫn rất tự tin. Anh xem may mắn lớn nhất là FLM900 quy tụ những cá nhân “máu chiến” của FDN. Sức trẻ, nhiệt huyết và trách nhiệm là chìa khoá để dự án triển khai trôi chảy.

>> Dự án FLM900 cán đích thành công sau 8 tháng vượt Covid

"FLM900 hoàn tất sứ mệnh và tự tin đón nhận thách thức mới"

Không thể kể hết sự vui mừng khi cùng dự án về đích, PM dày dạn kinh nghiệm Ngô Duy Trinh phấn khởi dành “thắng lợi” này cho những đồng đội. Anh cho rằng với mỗi dự án sẽ có những khó khăn phát sinh khác nhau, một người sẽ không thể tạo nên kết quả của của dự án. Nên với đội hình đã đánh trận FLM900 thì chắc chắn anh em sẽ tiếp tục cùng nhau vượt qua các khó khăn khác, những trận đánh khác. “Nếu có cơ hội được quản trị một dự án triệu đô nữa, thì mình và tất cả anh em sẽ cùng nhau… chiến!”, anh nói. Tôi luyện từ gian khó, những quản lý và kỹ sư FDN tự tin đón nhận thử thách lớn và khó hơn.

Theo anh Vũ Tiến Đạt, Giám đốc FDN, năm 2020 đơn vị có 9 dự án fix-price quy mô hàng triệu USD. Tất cả đều diễn ra đúng kế hoạch. Trong đó, FLM900 là minh chứng cụ thể, khẳng định năng lực của FDN. Hiện nay, FPT Software Đà Nẵng đang có nguồn nhân lực hùng hậu, những PM dày dạn kinh nghiệm quản trị, những người trẻ kế thừa và phát huy rất tốt về năng lực lẫn tinh thần máu lửa đặc trưng của Phần mềm Đà Nẵng. “Tôi tin rằng, Đà Nẵng tự tin làm bất kỳ dự án nào, với quy mô nào, độ khó nào, cũng sẽ thành công”, anh khẳng định.

Khép lại năm 2020, Đơn vị sản xuất phần mềm chiến lược Đà Nẵng (FDN, FPT Software) ghi nhận loạt chỉ tiêu ấn tượng, trở thành đơn vị có mức tăng trưởng cao nhất nhà Phần mềm. Cụ thể, doanh thu FDN ước tính chạm mốc 47 triệu USD, tăng trưởng 42% so cùng kỳ năm trước. Đơn vị cũng đưa quân số đạt 1.615 người, tăng 32%. Trong đó có chỉ tiêu quan trọng là có 450 nhân sự được tuyển mới. Đặc biệt, trong chiến lược mở rộng nhân sự, FDN đã chào đón thêm những đồng nghiệp đến từ các quốc gia khác như: Mỹ, Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, Na Uy...

Về năng suất lao động, FDN được đánh giá là đơn vị có năng suất cao hàng đầu nhà Phần mềm. Trong đó phải kể đến giải thưởng từ Ban cải tiến năng suất FPT Software trao tặng cho đơn vị sử dụng SKU- chương trình chia sẻ, chuẩn hóa và sử dụng lại tài nguyên, hiệu quả nhất.

>>Phần mềm chiến lược Đà Nẵng dẫn đầu tăng trưởng toàn FPT Software

Nguyễn Huy 

Ý kiến

()