Chúng ta

ĐH FPT áp dụng CDIO để đào tạo kỹ sư tài năng

Thứ sáu, 23/1/2015 | 10:24 GMT+7

"ĐH FPT đang đứng trước bước chuyển mình mạnh mẽ với mong muốn tạo ra thế hệ kỹ sư tài năng, vì vậy, nhu cầu có một phương pháp luận giáo dục khoa học là tối cần thiết", Giám đốc Công nghệ Giáo dục ĐH FPT Dương Trọng Tấn chia sẻ.

IMG-0012-620.jpg

Gần 100 người FE tham gia hội thảo về CDIO - đổi mới phương pháp giáo dục.

Theo Giám đốc Công nghệ Giáo dục ĐH FPT, là trường ra đời sau, ĐH FPT đã áp dụng phương pháp luận truyền thống trong giáo dục đại học, đồng thời, tự mò mẫm, đào tạo theo chuẩn quốc tế để cải thiện chất lượng đầu ra. Tuy nhiên, trước bước chuyển mình mạnh mẽ của công nghệ, yêu cầu phải xây dựng một phương pháp luận khoa học đặt ra rất bức thiết, ĐH FPT dự kiến theo chuẩn giáo dục CDIO trong thời gian tới.

CDIO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive - Design - Implement - Operate, có nghĩa là Hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành. CDIO là một đề xướng xuất phát từ ý tưởng của các khối ngành kỹ thuật thuộc ĐH Kỹ thuật Massachusetts, Mỹ, phối hợp với các trường đại học Thụy Điển. Đây là một phương pháp luận giúp giải quyết được hai vấn đề then chốt là dạy sinh viên điều gì (Dạy cái gì?) và làm thế nào để sinh viên lĩnh hội được tri thức (Dạy như thế nào?).

Ý tưởng ban đầu đề xuất áp dụng phương pháp này tại ĐH FPT là anh Lê Trường Tùng, Chủ tịch ĐH FPT. Hiện tại, ở bậc giáo dục đại học, CDIO là phương pháp luận hiệu quả nhất, có một cộng đồng lớn và sẵn sàng giúp đỡ. Hiện có 115 trường đại học trên thế giới, trong đó, có 2 trường ở Việt Nam tham gia vào Hiệp hội CCIO là ĐH Quốc gia TP HCM và ĐH Duy Tân. Vừa qua, ĐH FPT cũng đã gửi đơn xin gia nhập hiệp hội này. Trong hội thảo CDIO của khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tháng 3 tới tại ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH FPT cũng sẽ có bài thuyết trình.

"Áp dụng phương pháp CDIO sẽ giúp ĐH FPT quản lý chương trình đào tạo một cách hệ thống để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa", anh Tấn cho hay.

Để đông đảo thành viên Khối Giáo dục FPT có thể hiểu rõ được phương pháp đào tạo mới này, chiều ngày 22/1, tại sảnh tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy, hơn 100 CBNV đơn vị đã tham gia buổi Edutalk với chủ đề "CDIO và sự hòa nhập quốc tế của giáo dục". Chương trình nằm trong chuỗi sự kiện hội thảo mở (FPT EduCamp) được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 11/2014. Đây là diễn đàn mở để những người quan tâm về giáo dục có thể chia sẻ, bàn luận nhằm góp phần xúc tiến đổi mới ngành, được tổ chức mỗi tháng một lần.

Diễn giả của chương trình là các chuyên gia nổi tiếng về CDIO của Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á gồm: PGS-TS. Lê Hoài Bắc, Trưởng Bộ môn Khoa học máy tính, Phó Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP HCM; PGS. Công nghệ chế tạo máy - Tự động hóa sản xuất Đoàn Thị Minh Trinh, Phó thường trực Ban chủ nhiệm Đề án CDIO tại ĐHQG HCM; Nguyễn Quốc Chính, Tiến sĩ Hóa học Đại học Manchester (Vương quốc Anh), Thạc sĩ Khoa học giáo dục Đại học Simon Fraser (Canada), hiện là Trưởng Ban Đại học và sau Đại học, ĐH Quốc gia TP HCM.

IMG-0027-620.jpg

PGS. Đoàn Thị Minh Trinh chia sẻ: "CDIO cung cấp phương pháp luận khoa học cho đào tạo nhằm giúp tạo ra kỹ sư là nhân lực kỹ thuật cao cho thế kỷ 21, sẵn sàng làm việc trong môi trường toàn cầu hóa".

Là người đầu tiên gắn bó và đưa phương pháp giáo dục CDIO vào nghiên cứu, giảng dạy tại bậc đại học ở ĐH Quốc gia TP HCM từ năm 2010, PGS. Công nghệ chế tạo máy - Tự động hóa sản xuất Đoàn Thị Minh Trinh đúc kết: "CDIO cung cấp phương pháp luận khoa học cho đào tạo nhằm giúp tạo ra kỹ sư là nhân lực kỹ thuật cao cho thế kỷ 21, sẵn sàng làm việc trong môi trường toàn cầu hóa". 

CDIO có mục tiêu là tích hợp kỹ năng và kiến thức trong quá trình giảng dạy, tạo ra không gian thực hành hiện đại cho sinh viên, đề cao phương pháp học qua trải nghiệm thực tế và cải tiến liên tục. "Đây là phương pháp không mới hoàn toàn nhưng có ưu điểm là có bộ công cụ toàn diện nhằm chuẩn hóa đầu ra của sinh viên theo các thang đánh giá", PGS. Minh Trinh nhìn nhận

Khi đưa phương pháp này vào giảng dạy, ĐH Quốc gia TP HCM cũng đã gặp nhiều khó khăn. PGS-TS. Lê Hoài Bắc cho rằng: "Để thực hiện được phương pháp này cần có chi phí, thay đổi nhận thức, thúc đẩy mong muốn thay đổi cách giảng dạy cũ của thầy cô và làm sao để lan tỏa văn hóa CDIO trong môi trường đào tạo". Nếu thực hiện thành công, CDIO sẽ giúp nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên, giúp sinh viên hào hứng học tập, tiếp thu thêm nhiều kỹ năng và kiến thức bổ ích, từ đó nâng cao uy tín của trường.

IMG-0022-620.jpg

Buổi hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin về phương pháp giáo dục mới CDIO cho người FE.

Ngoài kiến thức chung về CDIO và mô hình đã áp dụng tại ĐH Quốc gia TP HCM, phần hỏi đáp diễn ra rất sôi nổi. CBNV khối Giáo dục đặc biệt quan tâm đến cách thức xây dựng và đánh giá chuẩn đầu ra trong CDIO, bởi đây cũng là một lợi thế cạnh tranh của ĐH FPT trong những năm qua khi 98% sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

PGS. Minh Trinh cho biết: "Trong phương pháp đào tạo CDIO, chuẩn đầu ra của sinh viên được tham khảo từ giảng viên, nhà tuyển dụng sử dụng sinh viên của trường nhiều nhất, cựu sinh viên và sinh viên". Đây cũng là một điều trăn trở của ĐH Quốc gia TP HCM khi chuẩn đầu ra thay đổi liên tục và không nhất quán bởi khoa học công nghệ thay đổi từng ngày, từng giờ. Để khắc phục, quá trình tham khảo thông tin để đưa ra chuẩn đầu ra phải tiến hành hằng năm và luôn tham khảo thông tin từ doanh nghiệp, đánh giá xu hướng mới về công nghệ để có chương trình cập nhật đón đầu.

Cũng nhìn nhận về vấn đề đầu ra, Nguyễn Quốc Chính, Tiến sĩ Hóa học, khẳng định: "Cuộc tranh luận về chất lượng sinh viên đào tạo không đáp ứng ngay được nhu cầu của các doanh nghiệp luôn "nóng". Tuy nhiên, đào tạo đại học không phải đào tạo ra những người thợ mà cần trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng vững chắc về chuyên môn và xã hội để có thể đón đầu xu hướng và dẫn dắt xã hội. Với phương pháp đào tạo CDIO, khi sinh viên tốt nghiệp, doanh nghiệp tiếp tục đào tạo chứ không phải là đào tạo lại". Cả khán phòng vỗ tay tán thưởng trước nhận định này của Tiến sĩ Chính.

"Tham gia chương trình, tôi có kiến thức cơ bản nhất về phương pháp CDIO và đặc biệt ấn tượng với chia sẻ thẳng thắn về khó khăn của diễn giả khi lần đầu tiên áp dụng phương pháp này tại ĐH Quốc gia TP HCM. Đây sẽ là bài học quý cho ĐH FPT để chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian tới", Giám đốc Công nghệ Giáo dục ĐH FPT Dương Trọng Tấn đánh giá.

Lưu Vân

Ý kiến

()