“Từ ngày dịch căng thẳng với nhiều ca lây nhiễm trong khu vực phía Nam là lúc tiến độ công việc càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Vì càng giãn cách xã hội, bà con càng cần chăm sóc sức khoẻ tốt hơn. Lúc khó khăn nhất chính là lúc mình phải đến gần bà con nhất”, đó là tâm sự của anh Nguyễn Vĩnh Lộc - cán bộ phụ trách địa điểm khu vực phía Nam của hệ thống Nhà thuốc FPT Long Châu.
Chính suy nghĩ đầy trách nhiệm đó mà trong cả mùa dịch vừa qua, chưa một ngày nào đôi chân của anh Lộc và các cộng sự ngơi nghỉ. Không chỉ lao vào tâm dịch, giao thuốc tận nhà mà còn tích cực mở nhiều địa chỉ mới, để người dân nơi đâu cũng có cơ hội tiếp cận với các dược phẩm chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh.
Bức thư biểu dương của Tổng Giám đốc FPT gửi chiến sĩ áo cam Nguyễn Vĩnh Lộc. |
Là một trong 123 cá nhân được biểu dương trong tuần qua, anh Lộc bâng khuâng nhiều cảm xúc khi đón nhận bức thư đặc biệt dành cho chiến sĩ áo cam. “Còn nhớ những ngày tăng ca, những lần trang bị kỹ càng để chạy vào tâm dịch, trao cho người dân từng bịch thuốc, bám trụ 24/24 để đảm bảo dịch vụ. FPT cảm ơn bạn vì những nỗ lực, tinh thần kiên cường, không quản ngại khó khăn nơi tuyến đầu vùng dịch trong những ngày vừa qua” - Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Khoa chia sẻ trong thư.
Anh Lộc không chỉ vui mừng và cảm kích khi nhận được những lời động viên kịp thời đó mà còn bởi dòng cảm xúc hồi tưởng về những khó khăn mà anh cùng đồng nghiệp đã trải qua những ngày Covid-19 bùng phát lần thứ tư này.
Luôn luôn căng mình hoạt động trong những khu vực có các ca nhiễm cao, tình hình lây lan phức tạp, anh Lộc và các cộng sự phải đối mặt với nguy cơ trở thành F0, F1 bất cứ lúc nào. Về nhà chẳng dám về, gặp người thân cũng không dám gặp. Cứ thế đã hơn 3 tháng nay anh Lộc chưa được đoàn tụ gia đình.
“Vì tính chất công việc, một ngày tiếp xúc nhiều người mà chính bản thân họ cũng không biết mình nhiễm bệnh hay không. Mình trẻ, mình khoẻ và lại được công ty cho tiêm vaccine rồi nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ, nếu lây bệnh cho người nhà, người xung quanh thì khổ lắm” – anh Lộc bộc bạch.
Anh Vĩnh Lộc (ngoài cùng bên trái) cùng các cộng sự của phòng Location miền Nam. |
Chịu trách nhiệm mở rộng địa điểm cho hệ thống FPT Long Châu phía Nam khu vực miền Tây, khi tiếp cận, giao tiếp với chủ nhà, anh Lộc luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc 5K, đảm bảo an toàn tối đa cho bản thân và người dân. Những lần phải di chuyển liên tỉnh, anh Lộc yêu cầu toàn đội phải luôn khai báo y tế và test Covid-19 đúng yêu cầu của nhà nước. “Cứ tầm vài ngày lại chọt mũi lấy mẫu 1 lần, lúc đầu khó chịu lắm, làm nhiều càng khó chịu hơn chứ chẳng quen được tí nào. Chưa kể những cơ sở y tế nhận lấy mẫu xét nghiệm thường đông đúc, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm chéo” - cán bộ FPT Long Châu chia sẻ.
Nhưng khó khăn không chỉ dừng ở đó. Việc tìm thông tin về địa điểm để mở mới là cả một thách thức lớn. Thông thường, anh Lộc và cả đội nắm bắt thông tin cho thuê mặt bằng trên báo, các nhóm hội, thậm chí các quán nước nhỏ trong vùng. Nhưng dịch bệnh khó khăn, người cần thuê chẳng đăng được, quán nước thì đóng cửa, các nguồn thông tin co hẹp hơn nhiều. Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cho thuê mặt bằng nói chung giảm sút, nhiều chủ nhà nảy sinh tâm lý cố nán lại để hy vọng sau dịch được giá hơn. “Nếu có may mắn thương thảo và thuê được thì địa phương nào cũng ưu tiên chống dịch, việc xin cấp phép sửa chữa xây dựng gần như không được chấp thuận. Đây là bối cảnh chung, mình phải chấp nhận” - anh Lộc phân tích.
Anh Nguyễn Văn Tuấn - cán bộ phụ trách location miền Tây gặp chủ nhà giữa mùa dịch và tuân thủ nghiêm túc 5K, ngồi cách xa 2m. |
Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng anh Lộc vừa lo cho phần việc cá nhân vừa theo sát từng anh em trong nhóm để hỗ trợ kịp thời. Anh luôn tâm niệm và nói với đồng đội rằng: “Mình phải thuê được những mặt bằng ngày thường chưa thể! Bởi đây không chỉ là cách mình bứt phá và tạo khoảng cách trong gian nguy mà còn là cơ hội để đưa thương hiệu FPT Long Châu đến gần hơn với người tiêu dùng”.
“Ăn mì tôm, ngủ vật vờ” là những điều đã thành thói quen chẳng cần nhắc đến, nhưng nỗ lực bao nhiêu, thì cũng có những lúc hụt hơi, chùn chân. Tuy nhiên, chỉ là đôi khoảnh khắc chống chếnh, anh em nhìn nhau ưu tư, chứ chưa bao giờ anh Lộc nghĩ đến hai từ bỏ cuộc: “Nhận việc gì thì phải có trách nhiệm đến cùng với việc đó, những lúc quá mệt mỏi thì mình hay suy nghĩ về những người giỏi hơn mình. Mình khó khăn nhỏ thế này mà không qua được thì sao có thể làm được những điều lớn hơn”.
Không công thức, không bí quyết nhiệm màu nào, tất cả những gì “chiến sĩ áo cam” Vĩnh Lộc và cả đội đang thực hiện chính là nỗ lực không ngừng nghỉ, luôn tự tạo áp lực cho chính mình. Nếu được gọi tên điều làm nên thành công thì anh Lộc chọn hai từ “đồng đội”. Bởi với anh, khi “đồng đội cùng kề vai chiến đấu, cùng gánh vác và được cấp trên hỗ trợ, tạo điều kiện thì khó mấy cũng qua”.
Hình ảnh Nhà thuốc FPT Long Châu với "vị trí vàng" do anh Lộc và cộng sự hoàn thiện ở Cao Lãnh, Đồng Tháp. |
Trong cuộc chiến gian nan với Covid-19, những câu chuyện như của anh Lộc thật chẳng phải hi hữu. Bởi bên cạnh anh, vẫn đang có hàng trăm, hàng nghìn người F, từng ngày làm việc tại tuyến đầu, đối mặt với muôn ngàn hiểm nguy. Người xông pha vào tận ổ dịch, khu cách ly để kết nối hạ tầng, người bám trụ kiên cường nơi vùng đất xa xôi để đảm bảo dự án không bị ngắt quãng và có những con người lặng thầm hỗ trợ tiền phương ngay tại cơ sở...
Chiến sĩ áo cam Nguyễn Vĩnh Lộc nhắn nhủ: “Mỗi người đều có quyền tự hào về chính mình vì chúng ta đã chiến đấu đến giờ phút này. Hãy tận cùng với mỗi cố gắng để không bao giờ phải hối tiếc”.
Hà My
Ảnh: NVCC
Ý kiến
()