Chúng ta

Cố TBT Lê Khả Phiêu - Người đỡ đầu ngành xuất khẩu phần mềm Việt Nam

Thứ bảy, 15/8/2020 | 14:53 GMT+7

Trong hồi ức của Chủ tịch Trương Gia Bình, cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã góp phần đưa ra những quyết sách mở đường cho xuất khẩu phần mềm.

Năm 1997 đánh dấu bước tiến lớn của ngành công nghệ thông tin trong nước: Việt Nam chính thức có Internet kết nối ra thế giới. Trong bối cảnh mạng thông tin toàn cầu còn là một thứ xa lạ và phức tạp, "quản được đến đâu, mở đến đó" trở thành phương châm khi triển khai các vấn đề liên quan đến Internet và công nghệ thông tin ở Việt Nam.

Tuy nhiên, vị Tổng bí thư mới nhậm chức hồi bấy giờ có suy nghĩ khác. Người đứng đầu của Đảng giai đoạn 1997 - 2001 cho rằng công tác quản lý phải theo kịp sự phát triển thay vì phát triển phải chờ đợi sự quản lý, tức là thay đổi tư duy sang "cứ mở trước rồi quản sau". Như thế mới giúp ngành công nghệ có thể bứt phá, giúp Việt Nam "hòa nhập một cách bình đẳng với thế giới" như trong bài phát biểu của ông trong chuyến thăm FPT năm 1997.

nen-ong-phieu-8103-1537101258-7316-15974

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình (trái) trao tặng bức tranh cho nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại Lễ kỷ niệm FPT 30 năm - Mở lối tiên phong, diễn ra ngày 12/9 tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Tư tưởng này đã ảnh hưởng đến hàng loạt chính sách của Chính phủ và Bộ Chính trị bấy giờ, mà ông Trương Gia Bình gọi là những "quyết sách mở đường". Bởi nếu không có sự mở đường từ những "chỉ thị 58", "nghị quyết 07" hay "quyết định 128", ý tưởng xuất khẩu phần mềm như xuất khẩu lúa gạo có lẽ sẽ còn cần thêm nhiều năm nữa trước khi thành hiện thực.

Sự quan tâm đến ngành công nghệ thông tin được ông Lê Khả Phiêu thể hiện từ trước khi nhậm chức Tổng bí thư. Đầu năm 1997, vị uỷ viên thường trực Bộ Chính trị Lê Khả Phiêu đã đến thăm FPT khi công ty vẫn chỉ là một đơn vị phân phối máy tính và làm một số phần mềm phục vụ những đơn hàng trong nước.

"Chúng ta muốn hoà nhập bình đẳng với thế giới, nhưng nếu không có sản phẩm khoa học công nghệ nào thì không bình đẳng đâu", ông nói. Với giọng trầm đều nhưng dứt khoát, những người tham dự khi đó cảm thấy vừa được tin tưởng, nhưng cũng vừa là thử thách.

Trong ký ức của anh Trương Gia Bình, cố TBT Lê Khả Phiêu không phải là người xuất thân từ lĩnh vực công nghệ, nhưng ông có niềm tin lớn vào lĩnh vực này và đặc biệt tin vào thế hệ trẻ.

Khi đó, Internet là khái niệm mới, xuất khẩu phần mềm là ngành nghề lạ. Để vị lãnh đạo hiểu được giá trị của việc xuất khẩu phần mềm, một người kỹ sư trẻ của FPT ví von: "Cháu làm xuất khẩu phần mềm, mỗi năm làm ra 20 con trâu hoặc 100 tấn thóc", để minh hoạ cho doanh số 24.000 USD mỗi năm của mình. Cố Tổng bí thư nghe xong mặt giãn ra, mỉm cười. Câu nói "Phải cho thế giới thấy, người Việt Nam biết cầm đũa thì cũng biết dùng bàn phím" của ông Lê Khả Phiêu khi ấy như một nguồn năng lượng tiếp thêm sức mạnh cho người FPT về sau.

Thấy đội ngũ kỹ sư của FPT đều là người trẻ, cố Tổng bí thư càng đặt niềm tin. Ông nói với những người tham gia: "Sự nghiệp đổi mới đất nước không thể thành công nếu không có những tri thức trẻ tài năng và giàu nhiệt huyết như các bạn".

aBinh-1213-1597399665-5359-1597477942.pn

Anh Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT kiêm Chủ tịch VINASA kể lại những kỷ niệm với cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Lưu Quý.

Và những người trẻ ấy đã thực sự khẳng định tên tuổi của mình sau lời "ra lệnh" của vị lãnh đạo cấp cao. Trong giai đoạn 1997-1998, FPT tìm cách mở rộng thị trường, tìm đường xuất khẩu phần mềm - điều mà chưa công ty Việt Nam nào từng đặt chân đến. "Nhiều người không tin, coi chúng tôi là gàn dở, thậm chí đối thủ còn tưởng chúng tôi giả vờ làm phần mềm xuất khẩu để đánh lạc hướng họ", ông Bình nhớ lại giai đoạn dò dẫm tìm đường hơn 20 năm trước. "Tuy nhiên, tôi có niềm tin đây, và việc được bác Phiêu tin tưởng ngay cả khi chúng tôi còn chưa bắt đầu càng củng cố niềm tin đó". Năm 1998, công ty đã có những sản phẩm phần mềm đầu tiên xuất khẩu đi nước ngoài.

Tuy nhiên, sau hai năm, những gì công ty đạt được vẫn còn quá ít ỏi. Các nhà lãnh đạo cũng đã bắt đầu quan tâm đến công nghiệp phần mềm, nhưng đầu năm 2000, sự quan tâm đó chưa được thể hiện bằng hành động cụ thể, chưa có chính sách ưu đãi hay đầu tư cho các công ty phần mềm. Anh Bình hiểu rằng, cần phải tiếp tục tác động rằng công nghiệp phần mềm là mở ra cho đất nước một cơ hội phát triển.

"Mỗi khi có ý tưởng mới, tôi lại đến gặp bác Phiêu để hỏi ý kiến. Bác thỉnh thoảng cũng gọi tôi đến trò chuyện trao đổi về tình hình công nghệ trong và ngoài nước, đôi khi là cả những vấn đề xã hội. Chúng tôi, dù thuộc hai thế hệ khác nhau, nhưng cùng có niềm tin vào khoa học công nghệ và cùng suy nghĩ về tương lai của đất nước", anh Bình nhớ lại.

Quãng thời gian ấy, thiết bị còn thô sơ, anh Trương Gia Bình thường ôm máy tính kèm theo cả bộ máy chiếu đến để trình bày cho "người bạn lớn" của mình. Dù không góp ý nhiều về mặt chuyên môn, những gợi ý về cách thức triển khai một dự án là điều quý báu mà chỉ một vị tướng quân đội mới có thể đưa ra được cho anh Bình. Những chiến thuật "điều binh", rồi kế sách khi "tham chiến" tại thị trường nước ngoài nhằm vượt qua những đối thủ Ấn Độ, Trung Quốc của FPT có ảnh hưởng không nhỏ bởi những góp ý của ông Lê Khả Phiêu.

Khi thế giới chào đón thiên niên kỷ mới, ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam cũng bước sang một trang mới sau các quyết sách quan trọng được ký dưới thời cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Ngày 5/6/2000, Chính phủ ban hành nghị quyết 07 về xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000-2005 với mục tiêu 50.000 lập trình viên, 500 triệu USD phần mềm xuất khẩu vào năm 2005. Ngày 17/10/2000, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 58, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Khái niệm "Công nghiệp phần mềm" cũng lần đầu xuất hiện với danh nghĩa là một ngành kinh tế mới, được đánh giá là có giá trị gia tăng cao, nhiều triển vọng. Khu Công nghệ cao Hoà Lạc (Hà Nội), Khu công nghiệp phần mềm Quang Trung (TP HCM) mà hàng nghìn người làm việc hiện nay, đã ra đời từ những chỉ thị như vậy.

"Đã được mở đường rồi, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cứ thế chạy thật nhanh", anh Bình kể. Đội ngũ làm phần mềm của FPT từ 34 người phát triển lên con số hàng nghìn và đã có những hợp đồng mang ngoại tệ về cho tổ quốc.

Sau khi Chỉ thị 58 ra đời, FPT không còn đơn độc trên con đường xuất khẩu phần mềm, mà có thêm sự tham gia của hàng loạt tên tuổi như CMC, Tinh Vân, TMA, KMS, Luvina... và hàng trăm công ty khác đang phục vụ các khách hàng toàn cầu. Sự dấn thân của các doanh nghiệp phần mềm Việt đã góp phần nâng tầm ngành công nghệ thông tin Việt Nam về hình ảnh, khả năng và doanh thu. Tháng 12/2010, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58, ông Nguyễn Thiện Nhân, khi đó là Phó Thủ tướng, khẳng định Chỉ thị đã đưa vị trí CNTT Việt Nam trên thế giới "từ không thành có".

Năm 2018, xuất khẩu phần mềm của Việt Nam ước đạt 3,5 tỷ USD. Ngoài các thị trường truyền thống là Nhật Bản, Bắc Mỹ còn có những thị trường mới nổi như châu Âu, Myanmar... Việt Nam được đánh giá là một trong sáu điểm đến hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo đánh giá của Gartner. "Hôm nay, chúng ta được phép tự hào về trí tuệ, về con người Việt Nam, đặc biệt những người đã, đang và luôn đi tiên phong", ông Lê Khả Phiêu nói tại FPT TechDay 2018.

Sau hai mươi năm, các nhà lãnh đạo Việt Nam lại tiếp tục hướng tới một đất nước Việt Nam hùng cường trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngày 3/6, Thủ tướng ban hành Quyết định số 749, phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", nhằm mục tiêu phát triển nền kinh tế số, xã hội số, đồng thời hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Câu chuyện với anh Trương Gia Bình đôi lúc bị chững lại bởi cái nhìn xa xăm của vị Chủ tịch 64 tuổi. Hai thập kỷ là một quãng đường dài của đời người, nhưng lại quá ngắn với sự phát triển của một đất nước, sự phát triển của ngành công nghệ. Anh Trương Gia Bình không nhớ nổi đã có bao nhiêu dự án đã triển khai cho các công ty của Mỹ, của Nhật, nhưng vẫn nhớ như in những dấu mốc của ngành công nghệ thông tin trong nước giai đoạn đầu, mà phần nhiều trong số đó đến từ các chính sách thời ông Lê Khả Phiêu làm Tổng bí thư. Từ "biết ơn" được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đó là tình cảm lớn nhất mà vị chủ tịch này nghĩ đến khi nhớ về vị cố Tổng bí thư vừa qua đời.

"Mở đầu thiên niên kỷ là một loạt chính sách như ánh sáng đầu tiên soi đường cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam cùng niềm tin vào tương lai. Sau 20 năm, ánh sáng ấy giờ đã trở thành một quả cầu lửa, tiếp nối cho những quyết sách lớn tiếp theo để Việt Nam khẳng định vị thế trong công cuộc chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư", anh Bình chia sẻ.

>> Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: 'Con người FPT đã, đang luôn đi tiên phong'  

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từ trần lúc 2h52 ngày 7/8 ở tuổi 89, tại Hà Nội. Ông sinh năm 1931, quê xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Từ năm 1964 đến năm 1992, ông lần lượt giữ các chức vụ trong quân đội: Chính uỷ kiêm Trung đoàn trưởng; Phó chủ nhiệm chính trị quân khu Trị Thiên; Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn II; Phó chính uỷ kiêm Chủ nhiệm chính trị quân khu IX; Phó bí thư khu uỷ Khu IX; Thiếu tướng, Chủ nhiệm Chính trị, Phó tư lệnh chính trị mặt trận 719; Trung tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN.

Năm 1991 tại Đại hội lần thứ VII của Đảng, ông được bầu là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương. Tháng 6/1992 tại hội nghị Trung ương 3 (khóa VII), ông được bầu vào Ban bí thư; đến tháng 1/1994, được bầu vào Bộ Chính trị và tháng 4/1996 được phân công là Thường trực Ban bí thư.

Năm 1996, tại Đại hội lần thứ VIII, ông tiếp tục được bầu vào Ban chấp hành Trung ương, Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị.

Ngày 26/12/1997 tại hội nghị Trung ương 4 (khoá VIII) ông được bầu làm Tổng Bí thư, và giữ cương vị này đến tháng 4/2001.

Châu An

Ý kiến

()