Chiến sĩ áo cam trên 'mặt trận' kết nối
Giữa 'bão' Covid, mỗi 'chiến sĩ' mang màu áo cam của nhà F đều hiểu rằng, kết nối chính là vũ khí họ mang tới cho ngành y, góp phần đẩy lùi đại dịch. Vì sứ mạng ấy họ chấp nhận những hiểm nguy tiềm tàng.
Buổi sáng, TP HCM những ngày cách ly xã hội, thông tin ca bệnh mới tính bằng nghìn. Nguyễn Văn Công (Phòng Chăm sóc khách hàng, Trung tâm Quản lý đối tác phía Nam - FPT Telecom) vừa làm việc tại nhà vừa để mắt trông hai đứa con nhỏ 3 tuổi và 11 tháng bên cạnh. Vợ Công là y tá điều dưỡng, ngày ngày túc trực tại bệnh viện. Thương vợ vét cạn nguồn năng lượng cho công việc, Công nhận trách nhiệm cáng đáng mọi thứ.
Chuông điện thoại kêu. Sếp gọi điện thông báo anh và các cộng sự: Chuẩn bị triển khai lắp đặt hỗ trợ bệnh viện dã chiến số 7. Bệnh viện dã chiến số 7 nằm tại Quận 2, quy mô khoảng 5.500 giường, vậy là có thể thu nhận chừng đó bệnh nhân. Công việc cấp thiết và ý nghĩa to lớn của nó không cho phép anh lưỡng lự. Người bố trẻ nhìn con và tính toán nhanh các phương án trong đầu. Anh liền nhấc máy, liên hệ với em gái đằng vợ, gửi gắm các cháu. Cắt đặt mọi việc trong nhà, chia tay con, Công vững bước đến điểm hẹn.
Công chỉ là một trong nhiều người FPT sẵn sàng lên “tuyến đầu” trong mùa hè có thể nói là nóng bỏng và căng thẳng bậc nhất của miền đất phương Nam.
“Khi có thông tin triển khai lắp đặt hạ tầng và thiết bị cho các bệnh viện dã chiến tại TP HCM, tất cả anh em đều trong tâm thế sẵn sàng vào việc. Không hề có ai kêu sợ hay bận việc gia đình”, anh Hà Văn Ninh (Trưởng phòng hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Quản lý Đối tác phía Nam - FPT Telecom) khẳng định.
Khá lo lắng trước con số ca nhiễm Covid liên tục tăng, nhưng anh Nguyễn Vương Nghi (Cán bộ Vận hành khai thác hạ tầng - Trung tâm Phát triển và Quản lý hạ tầng phía Nam - FPT Telecom) vẫn tham gia dự án ngay, vì “đây là vinh hạnh của một cán bộ FPT”.
Đối với Công, khi được hỏi vợ đã ở “tuyến đầu”, nay mình lại cũng xung phong đi nữa, liệu có đặt bản thân và gia đình vào rủi ro không, trưởng nhóm năng nổ chỉ cười hiền. “Có lo lắng nhưng không đành lòng ở nhà khi ngoài kia đang sôi sục. Mình khắc phục bằng cách nâng cao đề phòng, tuân thủ nghiêm ngặt mọi hướng dẫn về đảm bảo 5K”.
Quả đúng là triển khai hạ tầng, thiết bị cho các bệnh viện dã chiến hầu hết đều trong tình thế “nước sôi lửa bỏng”.
“Chưa có dự án nào gấp như việc triển khai cho các bệnh viện dã chiến. Nhưng chuyên môn thì không quá khó khăn. Hơn nữa, anh xác định, Nhà nước cần FPT, đội ngũ y bác sĩ cần làm việc, người dân cần có mạng để cập nhật tin tức. Do đó, chúng ta phải thực hiện bằng mọi giá”, anh Lê Minh Hiếu (PGĐ Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng phía Nam - FPT Telecom) khẳng định.
Cái khó nhất chính là thời gian vô cùng gấp gáp, trong điều kiện làm việc không thuận lợi, địa bàn triển khai mỗi nơi một đặc thù. Vì vậy anh Ninh xác định, xuống thực địa là “làm phát ăn ngay, dứt điểm trong mọi tình huống”. Người F đã thể hiện tinh thần “Chuyển 10” rõ nét, mỗi người làm việc bằng 2, thậm chí còn hơn thế.
Anh Đoàn Văn Duy (Trưởng phòng Chăm sóc khách hàng, Trung tâm Quản lý Đối tác phía Nam - FPT Telecom) cho hay: “Bình thường, nếu nhận được thông tin với mô tả khá chi tiết thì gấp lắm cũng có khoảng 1 tuần để triển khai. Còn như tại Thủ Đức, thông tin nhận được khá chung: triển khai hệ thống internet cho bệnh viện dã chiến 2 nghìn giường. Mình không rõ nhu cầu cụ thể như thế nào, cần số lượng ra sao... Lại phải hoàn thành trong 1 ngày”.
Chỉ huy nhóm gọn nhẹ chỉ 3 người, anh Phạm Trọng Vĩnh (Phó trưởng phòng Khảo sát thiết kế - Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng phía Nam, FPT Telecom) hoàn toàn tự tin với vai trò “mở đường”. “Nhận tin gấp, tọa độ bệnh viện thì chưa xác định chính xác, nhưng với kinh nghiệm nhiều năm, nhóm anh cố gắng để thu thập thông tin đầy đủ nhất, cung cấp cho các nhóm khác tiếp tục công việc thuận lợi”. Bởi vì anh Vĩnh biết, tất cả các đội đang được đặt trong tình huống khẩn cấp.
“Không khí làm việc có thể gói gọn trong một từ gấp rút” - Công cho hay.
Chiều nhận tin, tối nhóm họp và lên phương án. 9h sáng hôm sau, có mặt tại hiện trường, xác định khu vực nào kéo cáp, phải tránh khu F0 vì nguy hiểm. Tổng số 47 người chia ra các nhóm cáp hạ tầng, cấu hình, thi công trong nhà, thi công ngoài trời… Cứ thế mỗi nhóm một nhiệm vụ, triển khai, báo cáo, hỗ trợ nhóm khác, vừa làm vừa tiếp tục khảo sát, điều chỉnh… Đến 23h30 cơ bản hoàn tất.
Nhưng không phải lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ.
Tại bệnh viện số 4, anh Nghi và các đồng đội tại INF thi công trong điều kiện trời tối, mây đen kéo về dự báo mưa lớn, cây cối rập rạm qua đầu. Nhóm 20 người của anh Nghi vẫn phải tuân thủ chỉ thị 5K, không tụ tập đông, chia thành 5 tốp. “Trong khi làm, nghe tiếng xe cứu thương hụ còi đưa người F0 vào điều trị quá trời. Anh em cũng lo, nhưng nghĩ được vào đây triển khai là một sự tín nhiệm cao, nên bảo nhau cố làm xong sớm nhất có thể”, anh Nghi tâm sự.
Khó khăn của nhóm anh Ninh tại bệnh viện dã chiến số 7 và 8 Thủ Đức lại là về vị trí. Do bệnh viện này nằm trong khu hạ tầng ngầm hóa độc quyền, các nhân viên kỹ thuật trong nhóm phải đứng trên xe gàu, neo cáp trên trục đèn chiếu sáng với tuyến cáp 500-600m. Vì vậy, phải mất khoảng 6 giờ (từ 13h đến 18h) để neo cáp hạ tầng.
“Trong lúc đó, nhóm thi công trong nhà ngồi chờ, mấy tiếng đồng hồ, hối liên tục. Cũng sốt ruột lắm, không biết anh em có kịp đấu nối hệ thống trong đêm không”, anh Duy kể lại tình hình lúc đó.
Chưa kể việc liên lạc không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Trong điều kiện bình thường, chỉ cần dùng điện thoại để báo cho nhau, điều chỉnh góc camera giám sát cho phù hợp, hoặc cung cấp vật tư, thiết bị bổ sung… thì nay, trong những bộ đồ bảo hộ kín mít, hạn chế tiếp xúc thiết bị bên ngoài, các kỹ thuật viên không được dùng điện thoại hay bất kỳ hình thức liên lạc nào.
Vì vậy, nếu cần thêm vật tư phát sinh, như là hộp nhựa, cuộn băng keo… dù to dù nhỏ đều phải qua người phụ trách, giám sát đi cùng. Họ sẽ liên hệ khu hành chính bên ngoài, rồi nhờ chuyển vật tư tới vị trí trung gian giữa hai bên, khử trùng, sau đó mới đưa vật tư vào. Để đảm bảo an toàn nên quy trình rất lâu, tương tác khó. Vậy mà áp lực thời gian thì như thúc vào trí óc người trưởng nhóm theo từng nhịp kim đồng hồ tích tắc.
Bên cạnh đó, anh em làm việc trong đồ bảo hộ rất cực. “Mặc đồ bảo hộ thì không khác gì đứng ngoài trời, chỉ nửa tiếng là mồ hôi ướt người, bao tay của anh sũng như đổ nước vào luôn” anh Ninh kể lại.
Với những khó khăn chồng chất đó, các anh vẫn luôn cùng nhau hướng tới mục tiêu lớn nhất. “Sáng hôm sau, bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân F0, do đó, kiểu gì tụi anh cũng vẫn phải xong”, anh Ninh cho hay. Cuối cùng, với cố gắng của cả đội, công việc tại bệnh viện dã chiến số 7 và 8 hoàn thành lúc 3.30 sáng.
Đánh giá về việc triển khai hạ tầng và thiết bị cho các bệnh viện dã chiến vừa qua, anh Hà Thanh Phước, PGĐ Trung tâm quản lý đối tác phía Nam - FPT Telecom cho hay “các nhân sự đã làm việc hết sức mình không kể ngày đêm, hoàn thành mục tiêu trong thời gian ngắn nhất, rất kịp thời để vận hành hiệu quả các bệnh viện”. Anh Phước cũng đánh giá cao sự tuân thủ nghiêm túc của anh em trong công tác phòng chống dịch.
Một yếu tố lớn nhất giúp các dự án về đích, mà tất cả những người tham gia khi được hỏi đều khẳng định, đó chính là tinh thần của mỗi cá nhân và sự sát sao của lãnh đạo. Khi đã vào việc, ai cũng nỗ lực và thể hiện sự chuyên nghiệp cao, tất cả vì kết quả cuối cùng.
“Anh em nhận được sự động viên của ban giám đốc, liên tục nhắc nhở chú ý an toàn bảo hộ theo tiêu chuẩn”, anh Ninh cho hay, “sếp cũng thức đêm với mình để bám sát tiến độ công việc”.
Bên cạnh đó, anh Duy bổ sung, hiểu được ý nghĩa việc mình làm là động lực thôi thúc mọi người nỗ lực hơn. “Trong dịch bệnh, FPT luôn giữ kết nối cho y bác sĩ. Hệ thống OnMeeting giúp y bác sĩ họp từ xa hoặc chẩn đoán, hỗ trợ bệnh nhân. Camera lắp đặt để quan sát, kiểm soát an toàn cũng là cực kỳ quan trọng với các bệnh viện dã chiến”, anh Duy chia sẻ.
Còn đối với anh Ninh, việc lên phương án rõ ràng và sắp xếp bố trí nhân sự bám sát kế hoạch giúp các anh hoàn thành khối lượng công việc lớn chỉ trong 1 ngày.
Không chỉ nội bộ đánh giá cao, các bệnh viện, đội ngũ IT và y, bác sĩ cũng dành nhiều lời khen cho tinh thần và sự chuyên nghiệp của các “chiến sĩ áo cam” nhà F. “Đối tác khen đội ngũ FPT lì lợm thiệt. Còn sếp nhắn “cảm ơn anh em”, thế là đủ vui rồi” - anh Duy chia sẻ.
Anh Ninh thì vui vẻ khoe món quà kỷ niệm là… thùng nước giặt đồ do y, bác sĩ ở bệnh viện dã chiến tặng. “Thấy anh em làm việc cực khổ quá, họ bảo muốn tặng quà, có gì tặng đó”.
Ngày hôm qua 26/7, Công vừa mới xong nhiệm vụ tại 2 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 10, 16 tại TP Thủ Đức và Quận 7. Anh cho biết “mình sẵn sàng nhận nhiệm vụ mọi lúc nhưng trong thời gian tới, mình không mong phát sinh thêm một bệnh viện dã chiến nào nữa. Bởi vì điều đó có nghĩa là số lượng người lây nhiễm đã giảm và Covid dần được khống chế”.
Bài và thiết kế: Chúng ta
Ý kiến
()