Chúng ta

CEO Phạm Minh Tuấn: 'Giấc mơ OKR sẽ giúp FPT Software lên đẳng cấp khác'

Thứ hai, 22/3/2021 | 16:52 GMT+7

KPI đo lường mức độ làm tốt còn OKR khiến chúng ta "sướng" trong quá trình hiện thực hóa giấc mơ, anh Phạm Minh Tuấn ví von.

Trong buổi OKR Refreshment Training dành cho cán bộ quản lý (CBQL) nhà Phần mềm, CEO Phạm Minh Tuấn đã chia sẻ góc nhìn của anh về OKR. Những câu chuyện ở FPT Software và chính bản thân anh giúp CBQL có cái nhìn thấu đáo về công cụ này, hiểu được tại sao làm OKR, các tiêu chí OKR, đồng thời tháo gỡ các vướng mắc đang gặp phải trong quá trình thực hiện OKR tại nhà Phần mềm.

FPT hiện có rất nhiều công cụ quản trị mục tiêu. Trong đó, OKR là nền tảng để định hình mục tiêu và kiểm soát kết quả, kết nối công ty, đội nhóm, tổ chức. Khác với những công cụ kia, OKR không chỉ là mục tiêu đơn thuần mà sẽ giúp mỗi người lột xác, tiến lên đẳng cấp khác.

pham-minh-tuan-fpt-3203-1616398862.jpg

CEO FPT Software Phạm Minh Tuấn.

OKR phù hợp với văn hóa FPT/FPT Software vì có sự sáng tạo. Từ khi bắt đầu thành lập công ty, FPT Software đã có một giấc mơ lãng mạn là đưa trí tuệ Việt Nam ra nước ngoài. Anh Tuấn kể, khi ở Ấn Độ, câu hỏi đầu tiên anh phỏng vấn ứng viên là: “Có biết Việt Nam không?”. 99 người không biết, 1 người trả lời: Ở Bắc Mỹ. Gần đây, FPT Software có chương trình 10.000 kỹ sư cầu nối (BrSE) cũng là một dạng OKR. Trong 3 năm tới, FPT Software đặt mục tiêu trở thành công ty CNTT Top 50 châu Á. "Nhiều người hỏi tôi đã được bao nhiêu BrSE, công ty đã đạt 1 tỷ USD chưa. Tuy chưa đạt, nhưng đó là những giấc mơ để chúng ta hành động khác biệt”, anh nói.

Khi có giấc mơ đẹp, đạt được hay không không quan trọng mà quan trọng là chúng ta tận hưởng quá trình để hiện thực hóa giấc mơ ấy. KPI là những gì tổ chức giao phó mang tính từ trên xuống (top-down), làm cho cấp trên, sẽ đánh giá bạn làm tốt hay không tốt. Còn OKR sẽ cho bạn biết bạn làm sướng hay không. Đó là giấc mơ của bản thân, là những gì bạn cảm thấy quan trọng với tổ chức, khiến bạn và tổ chức cùng lột xác. “Làm tốt mà không sướng thì không bền vững. Muốn bền vững thì phải vừa tốt mà vừa sướng”, CEO FPT Software kết luận.

Có nhiều hiểu lầm về OKR. Chẳng hạn, OKR là một KPI thách thức. Nhiều người đặt quá nhiều OKR cho tất cả lĩnh vực mà họ đảm nhận, mục tiêu quá dài, quá phức tạp lại không tạo cảm xúc, không liên quan đến mục tiêu tổ chức. Theo anh Tuấn, OKR cần là mục tiêu đúng, đo lường được, ngắn gọn dễ nhớ, dễ truyền đạt, nhiều cảm xúc và lan tỏa. Công thức OKR đúng gồm 1 Objective – 3 Key Results.

Đặc biệt, giấc mơ phải ám ảnh, phục vụ mục tiêu chung của tổ chức như giúp nâng cao năng suất, tăng trưởng lợi nhuận... CEO FPT Software cho rằng: “Không ai mơ giấc mơ đẹp cho riêng mình. Con người luôn có nhu cầu chia sẻ giấc mơ của mình. Giấc mơ phải được lan tỏa mới có đủ năng lượng để hiện thực hóa, làm việc đó đến cùng. Ai cũng có tố chất, kỹ năng để mơ. Không mơ được có thể là bạn đang ngồi nhầm chỗ: tổ chức đang giao công việc mà bạn không có chút cảm xúc nào, khi ấy cần tự kiểm tra lại là bạn có nhầm chỗ không".

Một thực trạng đang diễn ra là nhiều CBNV cảm thấy bị ép trong việc thực hiện OKR. “Trong cuộc sống, có rất nhiều điều nếu không cưỡng được thì thuận theo nó. Chống lại, cưỡng lại sẽ mất năng lượng, cảm hứng để làm các việc khác”, anh bày tỏ. Vai trò của người quản lý trong việc truyền cảm hứng là vô cùng quan trọng để CBNV thấy rằng OKR là việc làm cho bản thân mỗi người. Trong tổ chức, sẽ có 4 kiểu người: Kiểu thứ nhất - nói không được, làm cũng không được thì không thể là quản lý; Kiểu thứ hai - nói được mà làm không được thì sớm muộn nhân viên cũng sẽ rời đi; Kiểu thứ 3 – làm mà không bao giờ nói chỉ nên là người thực thi, cấp phó. Người thủ lĩnh thực thụ phải là người nói được làm được (kiểu thứ 4) vì không nói được sẽ không truyền cảm hứng, không tập hợp lực lượng. Là lãnh đạo, cái nói vẫn là quan trọng nhất.

Anh Tuấn cũng cho rằng trong việc thực hiện OKR, chữ “review” bị lạm dụng nhiều khiến nhiều CBNV hiểu lầm về OKR. Thực chất, để giúp lan tỏa giấc mơ, truyền năng lượng tích cực hoàn thành mục tiêu cá nhân và tổ chức, CBQL cần thực hiện CFR (Conversation – Feedback – Recognition) thường xuyên. Sự trao đổi, phản hồi và ghi nhận sẽ giúp CBNV có nhiều năng lượng, cảm hứng thực hiện những giấc mơ lớn.

>> Tham vọng thung lũng Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn

Cucumber

Ý kiến

()