Trong Chỉ thị số 04, ban hành ngày 24/2, người điều hành FPT đề nghị các CTTV phải gửi danh sách nhân sự phụ trách việc phòng chống dịch Covid-19 tại đơn vị trước ngày 25/2. Trong 2 ngày, lãnh đạo được phân công sẽ phải xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó dịch của đơn vị và báo cáo cho Tổng Giám đốc FPT.
Nội dung kịch bản này bao gồm các tình huống ảnh hưởng và những kịch bản ứng phó tương ứng, nhằm giảm tối đa tác động của dịch bệnh đến hoạt động kinh doanh của đơn vị với đối tác, khách hàng.
Mỗi CTTV phải có kịch bản ứng phó cụ thể để giám sát và xử lý dịch bệnh trong từng tình huống đã nêu trong Chỉ thị số 3, gồm: Chưa xác nhận trường hợp nghi nhiễm Covid 19 tại FPT; Có một vài trường hợp nhiễm và; Dịch lan rộng trong FPT.
Ngoài lên các nội dung phòng chống Corona, CTTV phải có kế hoạch truyền thông tại đơn vị mình, nhằm nâng cao nhận thức của CBNV, giúp họ chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình trong mùa dịch.
Ngoài việc công ty tăng cường các biện pháp phòng chống Covid, mỗi CBNV chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình trong mùa dịch. Ảnh: FIL. |
Song song, FPT cũng bổ sung các khu vực có dịch ngoài Trung Quốc là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý, Iran và các tỉnh, thành phố có dịch ở các quốc gia khác (bao gồm cả Việt Nam). Đồng thời yêu cầu CBNV, khách hàng và đối tác đến từ khu vực có dịch giữ nguyên theo Chỉ thị số 3. Theo đó, bắt buộc CBNV đi công tác từ khu vực có dịch phải làm việc tại nhà 14 ngày trước khi quay trở lại văn phòng FPT; Chỉ gặp trực tiếp đối tác, khách hàng tại văn phòng FPT trong trường hợp bắt buộc. Khuyến cáo khách hàng đeo khẩu trang y tế, cũng như vệ sinh tay bằng sát khuẩn trong lúc làm việc.
Tới nay, FPT vẫn hạn chế tối đa hoặc tạm ngừng các chuyến công tác của CBNV đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý, Iran và các khu vực có dịch khác; Tiếp tục ngừng hoặc hạn chế tối đa việc tập trung họp trực tiếp, tổ chức các sự kiện, lễ hội đông người; khuyến khích sử dụng việc họp trực tuyến hoặc qua teleconference.
Tình hình dịch Covid-19 ngày càng khó lường, với tốc độ lây lan nhanh. Xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, tới nay đã có 32 quốc gia và vùng lãnh thổ xác nhận có người nhiễm virus Corona. Tính đến 18h00 hôm nay, theo Bộ Y tế, tại Việt Nam hiện còn 1 ca nhiễm bệnh và 32 ca nghi nhiễm. Trên thế giới, diễn biến dịch bệnh đang ngày càng trở nên đặc biệt khó lường khi có thêm nhiều ổ dịch lớn: Hàn Quốc (833 ca nhiễm - 8 ca tử vong), Nhật Bản (837 ca nhiễm - 4 ca tử vong), Ý (200 ca nhiễm - 4 ca tử vong), Iran (43 ca nhiễm - 12 ca tử vong). Trong đó, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia FPT có nhiều hoạt động kinh doanh và cán bộ nhân viên đang làm việc.
Trong tháng 1-2, FPT đã ban hành 3 chỉ thị với các yêu cầu cụ thể trong công tác phòng chống virus Corona nhằm đảm bảo an toàn cho hơn 36.000 CBNV FPT. “FPT luôn đặt an toàn, sức khỏe của người FPT và gia đình, người thân lên hàng đầu. Chúng ta hãy cùng nhau phòng chống dịch với tinh thần trách nhiệm và bình tĩnh”, anh Khoa nhấn mạnh.
Với yêu cầu của CEO FPT, khối văn phòng theo dõi chặt chẽ và báo cáo thường xuyên tình hình sức khỏe của CBNV; vệ sinh nhiều lần trong ngày các thiết bị, vật dụng thường tiếp xúc với tay người như nút ấn thang máy, buồng thang máy, bàn phím vi tính, tay nắm cửa, lan can thang bộ, nút ấn bồn cầu, tay nắm bồn rửa…
Toàn bộ tòa nhà và xung quanh tòa nhà của FPT, hoặc các văn phòng thuê ngoài phải duy trì phun khử trùng bằng Cloramin B vào mỗi cuối tuần; Trang bị chai đựng dung dịch sát khuẩn nhanh kèm hướng dẫn tại cửa ra vào tầng 1, trước cửa thang máy mỗi tầng và quầy lễ tân. Các văn phòng cần bố trí sẵn khu vực hoặc phòng cách ly, đảm bảo đầy đủ dung dịch sát khuẩn.
Những người thường xuyên ra vào tòa nhà, khu vực làm việc của FPT cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng dung dịch sát khuẩn nhanh, đồng thời sử dụng thuốc sát khuẩn đường mũi, họng.
CBNV FPT được khuyến cáo đeo khẩu trang y tế. Khi có vấn đề về sức khỏe phải chủ động cách ly và đến cơ sở y tế làm xét nghiệm.
Triệu Mẫn
Ý kiến
()