Chúng ta

Người FPT không cần đeo khẩu trang nếu chưa mắc bệnh hô hấp

Thứ sáu, 14/2/2020 | 17:15 GMT+7

Hôm nay (14/2), CEO FPT Nguyễn Văn Khoa ban hành chỉ thị số 3 về giám sát và phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Covid-19. Chỉ thị tiếp nối nội dung của 2 văn bản trước đó nhằm đảm bảo hơn 30.000 CBNV FPT an toàn trong dịch bệnh.

Chỉ thị có hiệu lực từ ngày 14/2 đến khi Bộ Y tế thông báo hết dịch. Một trong những điểm chú ý trong chỉ đạo mới, người FPT có sức khỏe bình thường, không mắc bệnh đường hô hấp sẽ không bắt buộc phải đeo khẩu trang. Cạnh đó, ngoài sử dụng khẩu trang, CBNV cần kết hợp với các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh vật dụng, dụng cụ và rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh.

Đặc biệt, người chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với đối tượng mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh hô hấp, người có các triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như sốt, ho, khó thở, chảy nước mũi, người đi đến cơ sở y tế, vùng dịch bắt buộc phải sử dụng khẩu trang y tế.

Những người thường xuyên ra vào tòa nhà, khu vực làm việc của FPT cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng dung dịch sát khuẩn nhanh, đồng thời sử dụng thuốc sát khuẩn đường mũi, họng.

Người FPT tại Tân Thuận (TP HCM) tiến hành đo thân nhiệt. Ảnh: Hoài Vũ

Người FPT tại Tân Thuận (TP HCM) tiến hành đo thân nhiệt. Ảnh: Hoài Vũ

Một điểm mới trong chỉ thị số 3 của TGĐ FPT về giám sát và phòng, chống dịch bệnh virus Covid-19, các đơn vị có nhân sự từng lưu trú tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương có dịch khác phải cho cách ly tại nhà.

Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, CBNV nên hạn chế tối đa việc tập trung họp trực tiếp, tổ chức các sự kiện, lễ hội đông người. Cạnh đó công ty khuyến khích tối đa sử dụng họp trực tuyến, hoặc qua điện đàm nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Theo chỉ thị mới, các chuyến công tác của CBNV đến Trung Quốc và các khu vực nằm trong tâm vùng dịch cần được hạn chế hoặc tạm ngưng.

Ngoài ra khối văn phòng cần tiến hành vệ sinh các thiết bị, vật dụng thường tiếp xúc với tay người như nút ấn thang máy, buồng thang máy, bàn phím vi tính, tay nắm cửa, lan can thang bộ, nút ấn bồn cầu, tay nắm bồn rửa… nhiều lần trong ngày. Toàn bộ tòa nhà và xung quanh tòa nhà phải được duy trì phun khử trùng bằng Cloramin B vào mỗi cuối tuần, đồng thời trang bị chai đựng dung dịch sát khuẩn nhanh kèm hướng dẫn tại cửa ra vào tầng 1, trước cửa thang máy mỗi tầng và quầy lễ tân. Các văn phòng cần bố trí sẵn khu vực hoặc phòng cách ly, đảm bảo đầy đủ dung dịch sát khuẩn.

Phần 2 của chỉ đạo, CEO nhắc lại kịch bản ứng phó với dịch, từng được đề cập trong chỉ đạo trước đó. Đến hiện tại FPT đáp ứng tốt với phương pháp phòng chống dịch, CBNV thường xuyên dùng nước sát khuẩn tay, văn phòng được phun khử trùng vào mỗi cuối tuần. Thời gian tới, ban chỉ đạo sẽ có thêm phương án, căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh.

Vũ Hán là nơi khởi phát dịch viêm phổi cấp do chủng virus mới họ Corona (nCoV) gây ra và đến nay khiến 1.384 người thiệt mạng cùng hơn 64.456 trường hợp nhiễm bệnh. Giới chức y tế Trung Quốc cho hay khả năng nCoV sẽ lây lan ngày càng mạnh hơn và virus có thể lây cả trong thời gian ủ bệnh.

Các chuyên gia cho rằng, chủng virus corona nCoV ảnh hưởng nhiều nhất đến người cao tuổi và có tiền sử bệnh tật. Gần một nửa số bệnh nhân viêm phổi tử vong tại Vũ Hán có độ tuổi từ 80 trở lên, hầu hết có vấn đề sức khỏe từ trước.

Tính đến ngày 14/2, tại Việt Nam có 16 trường hợp (2 người Trung Quốc, 14 người Việt Nam) nhiễm virus Corona.

Các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Pháp, Nepal, Canada và các vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc gồm Đài Loan, Macau, Hong Kong đã phát hiện các trường hợp nhiễm nCoV và áp dụng các biện pháp sàng lọc hành khách nhập cảnh tại sân bay lớn.

Bộ Y tế Việt Nam đã công bố hai số điện thoại "nóng" thông tin bệnh viêm phổi cấp do virus nCoV là 0989671115, 0963851919. Bộ khuyến cáo người dân liên hệ đến Cục Y tế dự phòng hoặc cơ quan y tế gần nhất, nếu nghi ngờ viêm phổi hoặc bị viêm phổi.

Huyền Trang

Ý kiến

()