Chúng ta

‘Cáo’ miền Trung trắng đêm theo sát dòng nước lũ

Thứ sáu, 9/10/2020 | 21:53 GMT+7

Ứng phó với tình hình mưa lũ phức tạp, các chi nhánh FPT Telecom Vùng 4 đang tập trung theo dõi mực nước, diễn biến thời tiết,… sẵn sàng lực lượng ứng cứu các đài/trạm bất kể lúc nào.

Ngày 9/10, tình trạng mưa lớn, ngập lụt vẫn còn phức tạp tại nhiều địa phương khu vực miền Trung. Đánh giá ban đầu, các chi nhánh nằm trong diện ảnh hưởng như: Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam hạ tầng vẫn đang vận hành ổn định, chưa ghi nhận dấu hiệu thiệt hại. Để nâng cao công tác phòng, chống lũ lụt, các chi nhánh đã chủ động phương án từ trước, tất cả hạ tầng ở vị trí trọng yếu đều được rà soát, kiểm tra liên tục.

Anh Nguyễn Văn Mến, quản lí hạ tầng FPT Telecom Đà Nẵng, cho biết toàn bộ anh em khối Kỹ thuật đang tập trung cao độ, chủ động nắm bắt tình hình thời tiết, diễn biến của lũ để có phương án xử lí kịp thời. Hiện nay, chi nhánh chưa ghi nhận ảnh hưởng. Toàn bộ đài/ trạm đều được anh em thường xuyên kiểm tra. Máy phát điện, nhiên liệu dự phòng,… cũng được chuẩn bị từ trước. Anh cho rằng, việc theo dõi sát sao mực nước, cập nhật tình hình mưa lũ là điều quan trọng nhất. Thông tin diễn biến thời tiết được cập nhật cả ngày lẫn đêm, giúp chi nhánh chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

IMG-8145-2398-1602243180.jpg

Khối Kỹ thuật - Hạ tầng FPT Telecom Đà Nẵng đang ứng trực liên tục để chủ động đối phó tình hình mưa lũ.

Là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng, song FPT Telecom Quảng Bình vẫn đang làm tốt công tác đảm bảo hạ tầng, đường truyền đến khách hàng. Chi nhánh chỉ ghi nhận một vài tuyến cáp bị đứt, đã được khối Kỹ thuật nhanh chóng khắc phục. Quá quen với việc mưa lũ nên chi nhánh đã chuẩn bị phương án từ trước. Kể cả khi lắp đặt hạ tầng, chi nhánh luôn ưu tiên đặt ở những vị trí cao ráo, ít bị ngập úng,… hạn chế tối đa thiệt hại.

Tại Quảng Trị, tình hình mưa lớn diễn ra trên diện rộng khiến mực nước tại các con sông tiếp tục dâng. Một số vị trí xảy ra tình trạng ngập úng. Để đảm bảo vận hành, khối Kỹ thuật đã cho nâng cao những đài/trạm ở khu vực trọng yếu. Tất cả nhân viên khối Kỹ thuật đều trực chiến liên tục, tinh thần nước lũ dâng cao đến đâu các đài/trạm sẽ được nâng cao hơn đến đó.

Vừa phải gồng mình khắc phục hậu quả của cơn bão số 5, nay chi nhánh Huế lại phải hứng chịu tiếp đợt mưa lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Đánh giá ban đầu, một số tuyến cáp bị đứt do gió lớn, cây gãy,… đã được chi nhánh xử lí kịp thời. Các đài/trạm nhìn chung không bị ảnh hưởng. Song, mưa lớn khiến việc onsite của các anh em kỹ thuật gặp nhiều khó khăn. Một số vị trí phải dùng thuyền để nối lại tuyến cáp. Chi nhánh vẫn đang điều động nhân sự phòng Kỹ thuật ứng trực xuyên đêm, chủ động xử lí khi có tình huống xấu.

120913907-1243458849359197-112-6934-6909

CBNV FPT Telecom Huế sẵn sàng làm nhiệm vụ trước tình hình ngập lụt diễn biến phức tạp. Ảnh: ĐVCC

Ngày 9/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết hiện nay, lũ trên sông khu vực miền Trung như sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), sông Bồ (Thừa Thiên Huế) đang lên. Các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa vừa, mưa to; riêng Hà Tĩnh - Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to. Dự báo, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên từ nay đến ngày 10/10, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100 - 200mm, có nơi trên 300mm. Phía nam Nghệ An, Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 50 - 100mm, có nơi trên 100mm.

Dự báo lũ trên sông Ngàn Sâu, các sông ở Thừa Thiên Huế lên chậm; sông Kiến Giang dao động ở mức cao; các sông khác từ Quảng Bình đến Quảng Nam tiếp tục xuống. Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam vẫn tiếp tục diễn ra đến hết ngày 9/10, sau giảm dần. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất vùng núi các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cảnh báo, từ ngày 11/10, ở các tỉnh Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn tiếp theo và kéo dài.

>>‘Cáo’ miền Trung ngâm mình trong dòng nước lũ 'cứu' hạ tầng

Nguyễn Huy

Ý kiến

()