Chúng ta

Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết để đón tài lộc

Thứ ba, 21/1/2020 | 00:00 GMT+7

Mâm ngũ quả thường được trang trí đơn giản theo hình thức quả to ở dưới, bé đặt lên trên.

Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết

Người Việt dành nhiều thời gian và tâm sức để bày mâm ngũ quả ngày Tết bởi nó không chỉ mang ý nghĩa về mặt thẩm mỹ mà còn hàm chứa nhiều hy vọng về một năm mới sung túc, nhiều sức khỏe và may mắn. Với mỗi vùng miền, cách bài trí, chọn loại quả có phần khác biệt, thể hiện phong tục từng vùng.

Pushmax-PNG-2625-1577787757.png

Người Việt rất coi trọng mâm ngũ quả ngày Tết. 

Mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ tổ tiên thể hiện 5 ước nguyện của ông cha: Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh. Ngũ quả còn thể hiện công sức, thành quả của người nông dân sau một năm dài vất vả, biểu trưng cho sự sung túc, đủ đầy. Nó gồm 5 loại quả khác nhau, mang nhiều ý nghĩa sâu xa không phải ai cũng biết. Số 5 tượng trưng cho Giàu có - Sang trọng - Sống lâu - Khỏe mạnh - Bình yên, cũng là 5 điều giá trị nhất mà người Việt hy vọng vào năm mới sắp đến.

Từ Bắc vào Nam, các loại trái cây dùng để bày trên mâm ngũ quả đa dạng, với biểu tượng về điều ước của gia đình, mang những màu sắc chung như xanh lá (cân bằng, bình yên), đỏ, cam (may mắn), vàng (phát tài lộc). Mâm ngũ quả truyền thống có các loại quả như: Chuối xanh - Tượng trưng cho gia đình sum vầy, quây quần, đầm ấm, bao bọc và chở che; Phật thủ xanh - bàn tay phật che chở cho cả gia đình; Bưởi vàng - Cầu ước sự an khang, thịnh vượng; Thanh long đỏ - Rồng mây hội tụ, thể hiện sự phát tài phát lộc; Đu đủ vàng- Thịnh vượng, đủ đầy.

Cách bày mâm ngũ quả

5 loại quả trên mâm ngũ quả tương ứng với 5 màu sắc của các hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Màu đỏ tượng trưng cho hành Hỏa, thường là các loại quả: Hồng, táo tây, thanh long… Màu trắng tượng trưng cho hành Kim, có thể chọn quả mận hoặc lê… Màu xanh tượng trưng cho hành Mộc, thường là chuối xanh, đu đủ xanh, mãng cầu, quả na, sung, dừa, dưa hấu... Màu vàng tượng trưng cho hành Thổ, có thể chọn những loại quả có màu nâu, nâu đất hay vàng như xoài chín, bưởi, quýt vàng, cam vàng... Màu đen tượng trưng cho hành Thủy, có thể chọn những loại quả như nho đen hoặc các quả có màu tối, sậm.

Ngày nay có nhiều gia đình bày biện mâm ngũ quả với nhiều loại trái cây hơn, có khi đến 9-10 loại khác nhau. Cách bày này không sai nếu vẫn dựa trên nguyên tắc có 5 loại quả tương ứng cho 5 hành trên. 

anh-mam-ngu-qua-ngaytet-1920x1080.jpg

Mâm ngũ quả của cả ba miền đều mang ý nghĩa chứa ước nguyện năm mới sung túc, an lành của gia chủ.

Mâm ngũ quả của gia đình miền Bắc thường có năm loại: chuối xanh, bưởi (hoặc phật thủ), đào, hồng và quýt. Quả chuối xanh tượng trưng cho hành Mộc là trọng tâm của mâm ngũ quả. Nải chuối có hình giống bàn tay ngửa lên để che chở, bảo vệ cũng như đem lại phúc lộc cho gia chủ.

Người miền Nam theo mong muốn "Cầu sung vừa đủ xài" với ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Mâm ngũ quả miền Nam chủ yếu mang sắc xanh, tránh những loại quả như chuối vì cách phát âm gần giống "chúi nhủi", không phất lên được; hay cam, quýt sẽ dễ liên tưởng tới "quýt làm cam chịu".

Nếu mâm ngũ quả 2 miền Nam Bắc có sự khác biệt thì mâm ngũ quả miền Trung lại có sự giao thoa của 2 vùng này. Các loại quả thường dùng: chuối, bưởi, xoài, dưa hấu, cam, táo, nho, sung, dứa, mãng cầu... Cách bày đơn giản theo hình thức quả to, nặng đặt ở dưới làm đế, tiếp đó là những quả có trọng lượng nhỏ chèn bên trên hoặc xen kẽ vào chỗ trống.

>> FPT DPS nấu bánh chưng nhớ Tết cổ truyền

Việt Nguyễn

Ảnh: VnExpress

Ý kiến

()