Chúng ta

Bình luận trên Workplace cần được kiểm soát

Thứ hai, 30/12/2019 | 10:31 GMT+7

Phiên thảo luận về chủ đề an toàn thông tin tại Hội nghị Truyền thông Thương hiệu đã nêu lên sự cần thiết có bộ quy tắc về phát ngôn và công cụ quản trị chủ động trên Workplace.

Hội nghị Truyền thông Thương hiệu FPT vừa diễn ra ngày 27/12 tại Trung tâm Star Galaxy (Hà Nội). Sự kiện thường niên mang chủ đề “Amazing Workplace” đã bàn luận về sức mạnh nội tại công ty, trong đó văn hoá doanh nghiệp và truyền thông nội bộ là công cụ thiết yếu.

Cán bộ truyền thông nhà F cùng các diễn giả, khách mời đã bàn luận nhiều vấn đề xoay quanh việc xây dựng môi trường làm việc thu hút người tài, huy động được sự sáng tạo và gắn kết của nhân viên; truyền tải thông tin tới CBNV và nhận được sự ủng hộ khi triển khai; đảm bảo tự do ngôn luận nhưng vẫn giữ vững an toàn thông tin.

Tại sự kiện, diễn giả Vũ Thanh Bình - Trưởng Ban Cộng đồng báo VnExpress đã chia sẻ những câu chuyện, bài học và đưa ra nhận định về vấn đề an toàn thông tin trên nền tảng Workplace của tập đoàn FPT. Anh Bình gia nhập báo điện tử VnExpress từ năm 2012 và có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc độc giả; quản trị comment của hệ thống VnExpress (Báo VnExpress, Ngoisao.net, iOne.net); quản trị trang Ý kiến - Diễn đàn của độc giả VnExpress.

hoinghitruyenthong-48-1-4824-1577676123.

Anh Vũ Thanh Bình - chia sẻ những câu chuyện, bài học của VnExpress trong việc duyệt bình luận và đưa ra nhận định về vấn đề an toàn thông tin trên hệ thống Workplace của tập đoàn FPT.

Chị Bùi Nguyễn Phương Châu - Giám đốc Truyền thông FPT nêu vấn đề an toàn thông tin trong bối cảnh FPT đã có 36.000 CBNV, tập đoàn đang dùng công cụ Workplace làm truyền thông. Mỗi ngày có đến hàng nghìn bài viết/bình luận và việc quản lý gặp không ít khó khăn. Trên thực tế, đã có trường hợp vi phạm nghiêm trọng bị kỷ luật. Vậy việc quản trị, ngăn chặn hay phát hiện những bài đăng hay bình luận nhạy cảm, gây hại cho công ty nên được nhìn nhận như thế nào là câu hỏi chị Châu đặt ra cho diễn giả Vũ Thanh Bình.

Đầu tiên, theo anh Bình, việc nhận diện bình luận nhạy cảm, gây hại tùy thuộc lĩnh vực nhưng riêng báo chí - truyền thông có những nguyên tắc rất rõ ràng như không vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục; không làm hại bất cứ ai. VnExpress cũng có một bộ quy tắc và sẵn lòng chia sẻ, áp dụng cho Workplace của tập đoàn - anh Bình bày tỏ. Từ quy tắc này, đội ngũ quản trị cần hành động để truyền thông đi đúng vào những điều nhân viên quan tâm, nhận ra cái nào đúng, cái nào nhạy cảm, gây ảnh hưởng đến công ty.

Tại báo điện tử VnExpress, việc tạo môi trường văn minh, có giá trị cho cộng đồng chia sẻ được chú trọng. "Điều quan trọng là làm sao cộng đồng cảm nhận cái lợi của việc tham gia vào môi trường, tự cảm nhận về cộng đồng đang sinh hoạt và nhận ra cách ứng xử phù hợp để không lạc lõng".

VnExpress hiện có 2 triệu độc giả đăng ký tài khoản để bình luận, tăng gấp 4 so với năm 2015. Họ chấp nhận sinh hoạt trong một cộng đồng giới hạn hơn so với Facebook vì đây là một cộng đồng sạch, văn minh, giá trị và mỗi tài khoản hiểu được họ đều có nhiệm xây dựng cộng đồng đó khi đưa ra các đánh giá, bình luận. Năm qua, đã có đến 4,3 triệu bình luận được gửi đến và hầu hết đều dùng được.

Đối với mạng xã hội của công ty, anh Bình cho rằng cần cho thấy cái lợi của việc gắn kết nhân viên và công ty, trong quá trình hoạt động đưa ra bộ nguyên tắc. Nếu phù hợp lợi ích, cộng đồng sẽ tự động tuân theo.

Tuy nhiên, VnExpress cũng cần có đội ngũ lọc bình luận gồm 12 người, dùng cả hệ thống lọc tạo bởi kỹ thuật viên của FPT Online và các công nghệ tự động áp dụng AI, cũng như lọc thủ công. Còn việc trên fanpage của VnExpress, việc duyệt bình luận hầu hết dựa trên nền tảng hạ tầng quản trị của facebook. Workplace FPT là một trường hợp phức tạp hơn cần có sự bàn luận kỹ lưỡng về mục tiêu và cách thức kiểm soát.

Tham gia cuộc thảo luận, chị Phùng Thu Trang - Trưởng ban Truyền thông FPT Telecom và chị Nguyễn Hồng Nga, GĐ Truyền thông, Thương hiệu và Tiếp thị FPT IS đồng tình với việc đưa ra bộ quy tắc chặ chẽ điều không được làm và cơ chế kiểm soát tương ứng.

Chị Nguyễn Hồng Nga nhấn mạnh trên hợp đồng lao động đã ghi rõ những quy chế về việc phát ngôn chia sẻ cung cấp thông tin trên các phương tiện truyền thông, thông tin thuộc về tài sản công ty hay liên quan chính sách bảo mật thông tin của công ty… tuy nhiên hầu như không ai đọc kỹ. Chính vì thế, việc truyền thông, đào tạo toàn thể CBNV về quy chế và chế tại cần được quan tâm hơn. Việc cảnh báo trước sẽ giúp ngăn chặn sớm các vụ việc phát sinh.

Thảo luận về việc thực thi những luật lệ, quy định này, anh Bình cho rằng sau khi đưa ra nguyên tắc cụ thể, cần căn cứ vào quy định này để ghi rõ trong hợp đồng lao động về phát ngôn, bình luận trong môi trường công ty cùng chế tài đi kèm.

hoinghitruyenthong-44-6609-1577676123.jp

Cán bộ Truyền thông nhà F cùng diễn giả thảo luận về đề tài an toàn thông tin.

Về kỹ thuật, diễn giả Vũ Thanh Bình nhấn mạnh vai trò của bộ lọc nội dung trên facebook và chức năng report - báo cáo vi phạm khi phát hiện nội dung không phù hợp. Cạnh đó, cần công cụ quản trị chủ động - phương pháp "social listening" (lắng nghe cộng đồng), giúp thu thập dữ liệu trên mạng xã hội dựa trên những từ khóa được xác định trước. Tất cả người tham dự phiên thảo luận đều đồng tình áp dụng phương pháp này. Đây là điều đặc biệt nên làm tại Workplace - nơi có lượng thành viên, nhóm đông đảo không quản trị nào có quyền truy cập mọi nhóm.

Sau khi lắng nghe các thảo luận được chia sẻ tại chương trình, chị Nguyễn Thị Thanh Trang, cán bộ truyền thông FPT IS bày tỏ sự đồng tình với diễn giả Vũ Thanh Bình: "Mạng xã hội vốn là nơi mọi người tự do thể hiện quan điểm của mình, nhưng workplace phục vụ công việc và mọi thứ đăng lên đều ảnh hưởng công việc chung. Workplace vẫn cần bộ lọc để kiểm soát phát ngôn, ngăn chặn vi phạm từ đầu trước khi lan tỏa, ảnh hưởng tập đoàn".

A3022447-4944-4F2E-BE40-63A642-6192-5402

Hội nghị Truyền thông FPT 2019 có sự tham gia của khoảng 160 cán bộ truyền thông và khách mời.

Hội nghị truyền thông FPT là hoạt động thường niên của Ban Truyền thông FPT, bắt đầu được tổ chức từ năm 2016. Tại sự kiện này, lãnh đạo tập đoàn và những người làm truyền thông, thương hiệu của nhà F sẽ chia sẻ những câu chuyện của bản thân, học hỏi từ câu chuyện của những khách mời để tìm ra những bài học cho chính mình. Năm 2018, chương trình có khách mời Nguyễn Tử Quảng, CEO BKAV, và Trần Uyên Phương, PTGĐ và là người kế thừa Tập đoàn Tân Hiệp Phát với câu chuyện về tinh thần “Think and Do amazing” - với suy nghĩ khác thường, vượt qua các rào cản, khó khăn để làm theo cách khác thường và thành công.

>> FPT đào tạo nâng cao năng lực truyền thông thời đại số

Hà An

Ảnh: Việt Trâm

Ý kiến

()