Chúng ta

Bệnh nhân Covid đầu tiên nhà F: 'Lạc quan là liều thuốc chiến thắng'

Thứ sáu, 21/8/2020 | 12:50 GMT+7

Bình tĩnh và lạc quan chính là ‘chìa khóa’ để N.T.M. (FPT Software Đà Nẵng) chiến đấu với các triệu chứng khủng khiếp của Covid, để rồi dần hồi phục sau 3-4 ngày điều trị. 

Tối ngày 31/7, FPT Software Đà Nẵng ghi nhận ca dương tính với nCoV đầu tiên là anh N.T.M., 29 tuổi, làm việc tại bộ phận FWA.AT, toà nhà FPT Complex Đà Nẵng. Ngay sau đó, anh được cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang trong tình trạng sốt về tối và đêm. Sau khoảng 2 tuần, anh M. đã có 3 lần liên tiếp âm tính với nCoV, được công bố khỏi bệnh và xuất viện về nhà tự cách ly, theo dõi sức khỏe. Anh trao đổi với Chúng ta về những ngày điều trị và cách ly vừa qua.

- Lúc biết tin mình dương tính với nCoV, anh cảm thấy thế nào?

- Tôi rất bàng hoàng và lo lắng. Vì ngay thời điểm đó, sức khỏe của tôi hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện gì nghiêm trọng. Hơn nữa, trước đó tôi được chuẩn đoán là bị sốt siêu vi nên không nghĩ bản thân mình sẽ bị nhiễm nCoV.

Thế nhưng điều khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất là không biết mình có lây cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hay không. Đặc biệt là phụ huynh vì bố mẹ đã già và có bệnh nền. Các đồng nghiệp ở công ty nữa. 

- Khó khăn lớn nhất nào mà anh phải đối diện trong thời gian qua?

- Khó khăn và lo lắng lớn nhất là lúc nhận được tin con trai 20 tháng tuổi cũng đã nhiễm nCoV. Cháu nhanh chóng được chuyển vào bệnh viện để theo dõi. Kéo theo đó là điều kiện sinh hoạt trong bệnh viện. Thêm một đứa trẻ 20 tháng tuổi sẽ cần nhiều thứ hơn là một người lớn. Cháu cần sữa, bánh, đồ ăn tươi và đặc biệt là cháo dành cho trẻ em. Trong bệnh viện nhận được nhiều sự hỗ trợ nhưng không có nhiều cho trẻ dưới 3 tuổi. Lúc đó thật sự khó khăn khiến tôi rất căng thẳng và mệt mỏi.

manh-fpt-fo.jpg

Anh N.T.M.: "Trong hoàn cảnh của mình, tôi nhận ra rằng tinh thần lạc quan và sự tỉnh táo chính là “liều thuốc” để chiến thắng Covid".

Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ và giúp đỡ nhiệt tình của chị Trần Thị Bích Hà (SSC Đà Nẵng) và chị Nguyễn Thị Hải (FPT Software Đà Nẵng) cũng là hai người mẹ nên khá hiểu con trẻ. Hai chị kịp thời gửi vào cho cháu những thứ cần thiết nhất để sinh hoạt và có cả đồ chơi nữa. Điều đó làm tôi an tâm hơn rất nhiều. Dần dần sinh hoạt tại bệnh viện cũng khá ổn. Chúng tôi chỉ còn nhờ vào sự quan tâm của y bác sĩ và sự cố gắng của hai mẹ con. Tất cả làm mình khá an lòng để phục hồi sức khỏe tốt hơn.

- Thời gian ở bệnh viện cách ly, anh được điều trị và chăm sóc như thế nào?

- Trong ngày nhận kết quả dương tính, sức khoẻ của tôi lúc đó bình thường, không sốt, chỉ mệt mỏi. Nhưng tối hôm đó vào bệnh viện thì người trở sốt và đau mỏi khắp người, đặc biệt là phần lưng. Không thể nào ngủ trong đêm đầu. Qua sáng hôm sau không còn sốt nữa nhưng vẫn còn mỏi và bắt đầu mất vị giác khiến tôi không thể cảm nhận bất kỳ vị gì khi ăn. Nhưng lúc đó gắng nhai và nuốt nhiều nhất có thể. Tôi lập hẳn cho mình những mức khác nhau trong bữa ăn để cố gắng đạt được. Vì tôi biết được sự quan trọng của bữa ăn là như thế nào. 

Ngày đầu tiên, 8h bác sĩ tới thăm hỏi, khám bệnh. 8h30 được nhận thuốc. Nằm trên giường bệnh ngày đầu đó khá mỏi và đau cơ nên tôi không làm gì khác ngoài tìm hiểu thông tin qua các chia sẻ của những người bị nhiễm từ Internet. Kết quả từ nội dung tiếng Việt và thử đọc chia sẻ trên các trang tiếng Anh để có sự chuẩn bị. Thông qua đó, tôi biết được cơn sốt sẽ trở lại vào chiều tối và khuya. Tôi chuẩn bị tinh thần bằng uống nước thật nhiều, mỗi ngày có thể uống từ 4 đến 5 lít nước. Quả đúng là chiều tối, tôi bị sốt thật. 

Bước sang ngày thứ hai, ngoài các triệu chứng kể trên thì ngực tôi bắt đầu nặng và không thể hít thở sâu hay nhanh được. Tiếp tục tìm hiểu và tìm được một phương pháp "tập hít thở" và "vận động nhẹ". Tôi liền nghĩ tới thiền. Việc thiền để hít thở lúc đầu khá khó khăn nhưng dần dần trở nên hiệu quả. Tôi kết hợp vận động nhẹ cho phổi và các khối cơ giảm đau, lưu thông máu tốt hơn.

Qua ngày thứ 3, 4 thì các triệu chứng giảm đi và dần mất hẳn. Cơ thể dần lấy lại được cân bằng và được các y bác sĩ chuyển qua khu điều trị dành cho bệnh nhân nhẹ.

- Trong bệnh viện, các y, bác sĩ hay những bệnh nhân dương tính khác phải làm việc và chiến đấu với Covid ra sao? 

- Tôi thật sự khâm phục và cám ơn sự cố gắng của các y, bác sĩ trong bệnh viện Hoà Vang. Họ làm việc liên tục trong bộ đồ bảo hộ giữa thời tiết nóng nực. Việc khuân vác các nhu yếu phẩm khá vất vả như: nước, bánh, trái cây, cơm… đến từng bệnh nhân nhưng họ vẫn giữ thái độ rất vui vẻ. Các bệnh nhân được đo huyết áp, theo dõi nhiệt độ liên tục trong ngày.

Trong những ngày điều trị, những bệnh nhân lớn tuổi rất thương, họ vất vả để chống chọi với bệnh tật. Có người phải cần máy trợ thở, nhiều lần được các bác sĩ cấp cứu, nhưng cũng có người không hề có triệu chứng gì cả. Tôi thấy rất nhiều tình trạng khác nhau và có các triệu chứng không ai giống ai.

- Anh ấn tượng với y, bác sĩ hay bệnh nhân nào nhất? 

- Tôi nhớ nhất bác sĩ tên Mai. Tất nhiên tôi không thể biết họ tên của chị ấy vì chỉ thấy qua tên áo bảo hộ viết bằng bút. Chị ấy có đôi mắt đẹp và giọng nói xứ Quảng ngọt ngào. Điểm đặc biệt là chị ấy nhớ tên tôi. Khám mỗi sáng, không phải hỏi tên, chị ấy bắt đầu ngay bằng câu: "Hôm nay thế nào M. ơi?". Rất chu đáo làm tôi thực sự xúc động. Trong bệnh viện, y, bác sĩ nào cũng dễ thương và tận tình. Nhưng thực sự qua bộ đồ bảo hộ, tôi không thể biết mặt ai.

Sau khi được chuyển qua phòng khác để theo dõi vì tình trạng bệnh giảm, tôi được ở phòng 2 người. Ở chung với một anh khác, hai anh em rất hạn chế nói chuyện để tránh lây nhiễm chéo nhưng mỗi sáng và chiều đều cùng ngồi thiền, rồi cùng hít đất. Bây giờ sau khi ra viện, cả hai vẫn giữ liên lạc. 

-  Điều gì làm anh vững tin khi điều trị tại bệnh viện?

- Trong thời gian cách ly điều trị, sự quan tâm thăm hỏi và động viên từ người thân, công ty và các đồng nghiệp làm tôi vững tin hơn rất nhiều. Đại diện công ty thường xuyên liên lạc đều đặn ngày 2 lần và luôn hỏi tôi cần gì không để mọi người chuẩn bị và gửi vào bệnh viện.

Thật sự tôi rất hạnh phúc và chân thành biết ơn các anh chị, bạn bè đồng nghiệp trong công ty đã luôn là một trong những chỗ dựa tinh thần vào thời gian khó khăn vừa qua. Có những dòng tin nhắn rất xúc động. Tôi khá mệt và lo lắng nên không thể thường xuyên online, trả lời hết những tin nhắn của mọi người. Nhưng mỗi khi tin nhắn tới, tôi đọc được lại thấy vững tin hơn rất nhiều. Trong điều kiện phải cách ly như thế, sự động viên qua các dòng tin nhắn là một điều quá đáng quý rồi.

Tôi rất muốn nói lời cảm ơn đến chị Chu Thanh Hà, Chủ tịch FPT Software; chị Trần Thị Bích Hà (SSC Đà Nẵng) hay anh Lê Hồng Lĩnh, anh Đặng Hùng Tuấn, chị Nguyễn Thị Hải, anh Trần Quang Tiến và rất nhiều đồng nghiệp khác đã luôn ở bên, đồng hành cùng tôi và gia đình trong những ngày điều trị.

Dù bệnh viện khá xa thành phố và trong điều kiện giãn cách đi lại hạn chế nhưng mọi người đã mua những nhu yếu phẩm cần thiết, gửi những phần quà vào tận khu cách ly bệnh viện. Tôi rất cảm động và biết ơn.

- Để chiến thắng Covid, theo anh, điều quan trọng nhất là gì?

- Trong hoàn cảnh của mình, tôi nhận ra rằng tinh thần lạc quan và sự tỉnh táo chính là “liều thuốc” để chiến thắng Covid. Khi hay tin nhiễm bệnh thì đầu óc sẽ luôn nghĩ đến những điều tiêu cực và sự lo lắng ập đến liên tục theo luồng. Điều đó rất dễ quật ngã mình. Khi các triệu chứng mỗi giờ kéo đến nhiều hơn và mạnh hơn, bạn phải có một tâm lý vững vàng. Và điều đó phụ thuộc rất nhiều vào chính mình, đặc biệt là sự động viên của người thân, đồng nghiệp.

>> Mồ hôi hòa nước mắt trên những chuyến bay đưa người F trở về

Chiều ngày 14/8, Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang đã làm thủ tục xuất viện cho anh N.T.M. sau hai tuần điều trị và cách ly. M. được đưa vào bệnh viện từ ngày 31/7 ngay khi nhận được kết quả dương tính nCoV lần 1, trở thành "Bệnh nhân 556". Sau thời gian theo dõi và điều trị, kết quả xét nghiệm 3 lần liên tiếp trong các ngày 10, 12, 13/8 của M. đều âm tính, đủ điều kiện xuất viện. 

Đây cũng là ca nhiễm đầu tiên và duy nhất tại FPT tới thời điểm hiện tại. Toàn bộ CBNV là F1 của M. đều có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với nCoV và kết thúc thời gian cách ly, theo dõi sức khỏe theo quy định.

Nguyễn Huy thực hiện

Ý kiến

()