GÁC LẠI LO ÂU - TẾT KHÔNG MUỘN SẦU
Những deadline dồn đuổi, những con số cần chốt, những lo toan vất vả… rồi sẽ dừng lại ở ngoài cánh cửa nhỏ. Người F cùng nhau đón một cái Tết đoàn viên và an yên.
“Anh đã đặt được vé cho bố mẹ rồi em ạ!”, anh nói với tôi. Tôi thở phào, như gỡ được bao nhiêu lo lắng trong lòng mấy tháng nay. Đây là lần đầu tiên bố mẹ tôi và phụ huynh anh ấy có thể gặp gỡ nhau, bàn chuyện cưới xin cho hai đứa. Năm vừa qua, Covid đã làm trì hoãn nhiều dự định riêng của cả hai, may mắn thay, mọi chuyện cũng đã dần ổn.
Tôi thực sự đón chờ Tết rồi. 7 năm ở Nhật Bản, tôi bị guồng công việc cuốn đi. Ký ức về Tết dừng lại ở quãng thời gian đã khá xa, tôi khi còn ở Việt Nam. Tết nơi xứ người, chúng tôi cũng có bánh chưng, giò chả mà đồng nghiệp đóng góp, mỗi người một chút “lấy hương lấy hoa", để cho đỡ nhớ phong vị quê. Mỗi lần đón Tết, tôi và chị gái còn gọi điện về nhà “mè nheo" lì xì. Nhưng Tết chỉ gói gọn trong những hoạt động đó, rồi lại tất tả với công việc.
Mùa Xuân này, tôi và người thương quyết định về với nhau, anh ấy cũng là đồng nghiệp ở FPT Nhật Bản. Những cái Tết từ nay về sau của tôi có lẽ sẽ khác hơn nhiều, vì là gốc Bắc nên anh rất coi trọng những phong tục cổ truyền, thích đầm ấm sum họp, ăn uống cùng nhau, trang trí nhà cửa.
Năm nay tôi có nhiều mục tiêu cho bản thân, nhưng muốn làm nhất hai điều: củng cố tiếng Anh và có một căn nhà ổn định. “Trộm vía", với tôi mọi thứ đang khá suôn sẻ và cuộc sống mới đang đón chờ một người F nơi phương xa như tôi.
Tết đã đến từ cuối tháng 12, khi chúng tôi bắt đầu phải chốt số liệu, quyết toán chi phí năm cũ, giục giã các bộ phận làm chứng từ, làm lương thưởng… Với những người làm kế toán như tôi, lúc nào bận “sấp mặt" là lúc đó biết sắp đến Tết.
Nhờ chuyển đổi số, công việc của tôi dần được hỗ trợ rất nhiều bởi công nghệ, mọi thứ như được giảm tải và nhẹ nhàng đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn vô vàn thứ phải làm, bởi gần Tết ai cũng gấp gáp nên mình cần cố hết sức để vừa hỗ trợ, vừa đảm bảo đúng quy định. Bởi vậy khi các trong đơn vị đều đã nghỉ Tết thì bộ phận của tôi vẫn hoạt động hết công suất.
Mọi người hay hỏi, nếu gạt công việc sang một bên, tôi có thấy buồn khi chỉ một mình không? Về tích cực mà nói, tôi có “lợi thế" hơn nhiều đồng nghiệp về mặt thời gian vì chưa có gia đình nhỏ. Quỹ thời gian dư dả hơn, tôi chỉ tập trung chủ yếu cho bản thân và công việc. Nhưng điều gì cũng đều có hai mặt, tôi không hẳn ủng hộ tình trạng “độc thân vui vẻ" kéo dài, nhưng có thế nào mình hài lòng thế đấy thôi, cố gắng sắp xếp mọi thứ hợp lý để cân bằng hơn, hài hòa hơn.
Mỗi dịp Tết, tôi thường tận dụng để làm điều mình thích, như nấu ăn, đọc sách, làm đẹp hay cặm cụi làm đồ handmade, vẽ tranh… Tôi cũng hay đi chơi xa, thăm thú nhiều nơi cùng bạn bè, “hội độc thân” và luôn tìm được niềm vui cùng nhau.
Chỉ có điều hơi ngại ngần mỗi khi Tết đến, đó là những câu hỏi muôn thuở từ phía họ hàng: Sao chưa lấy chồng? Lương thưởng bao nhiêu? Bao giờ cưới?... Tôi luôn nghĩ rằng có quan tâm đến mình thì mới hỏi, nên coi đó là một niềm vui nho nhỏ để vượt qua những khó xử “truyền thống" mỗi độ Tết về.
Cầm trong tay bản danh sách trực tết, anh em chúng tôi nhìn nhau… “Thôi tự giác trước nhỉ, ai xung phong trực đêm 30 nào?” - Kiên cất lời. “Để em ạ, em mới, cho em thử” - Hoà hồi đáp với đôi chút ngập ngừng. Các anh em cũng cứ vậy mà điền dần vào những ô trống mùng 1, mùng 2, mùng 3.
Thường được nhắc đến với cái tên là “những người không Tết”, chúng tôi dường như cũng đã quá quen với công việc không ngày nghỉ của mình. Từ ngày cuối tuần, nghỉ lễ cho đến cả Tết Nguyên đán, 7 năm nay bảng danh sách trực ca ấy vẫn luôn được nối dài.
Vận hành hạ tầng dịch vụ thông tin cho khách hàng, chúng tôi vừa là những người gác cổng, vừa là người kết nối và cũng là người giải quyết khi có sự cố xảy ra. 12 tiếng một ca, 4 người trực ngày, 2 người trực đêm, công việc cứ thế diễn ra bên những màn hình xanh đỏ nhấp nháy không ngừng.
Những ngày cận Tết, gần 100 cuộc gọi mỗi ngày đổ về cho chúng tôi để đảm bảo dịch vụ thông suốt tại gần 6.000 cây ATM trên toàn quốc. Khi nhu cầu giao dịch tiền mặt tăng mạnh mỗi dịp trước Tết cũng là lúc nhóm Quản lý dịch vụ 24x7 “căng mình” phân bổ nguồn lực để xử lý những trục trặc kỹ thuật. Chỉ đến cuối ngày 29 Tết, công việc trực ATM mới giảm dần áp lực, nhường lại một ngày trực đặc biệt vào đúng hôm 30.
Những ai được phân trực đêm 30 Tết đều mang trong mình cảm giác “bồi hồi” lạ lùng. Đi làm trong ngày cuối cùng của năm, khi ai ai cũng tất tả sắm sửa, vội vàng về cho kịp chuyến xe là một trải nghiệm đầy khác biệt. Ngay trong giờ phút giao thừa, “vừa mừng vừa tủi” luôn là cảm giác thường trực trong mỗi người.
Lặng lẽ chạy ra ngắm chút pháo hoa qua lớp kính văn phòng, gọi một cuộc điện thoại về nhà, quay sang nhìn nhau chúc câu chào năm mới rồi ai lại vào việc đấy. Có những chiếc lì xì khai xuân từ ban lãnh đạo, có những món ngon đầy ắp đã được chuẩn bị trong ngăn tủ, có những kỷ niệm không thể quên nhưng cũng có cả những giọt nước mắt.
Trong chúng tôi, ai cũng một lần trải qua cái tết như vậy, nhưng cũng có những người là 2, 3 lần, là những năm liên tiếp đón chào một năm mới ở văn phòng. Thế nhưng sau tất cả vẫn là một tinh thần chung, một mục đích chung vì công việc, vì chúng tôi là những con người của phòng trực 24/7.
Nhận một tin “Hoàn thành toàn bộ cảnh quan ngoài sân và sảnh tầng một trước Tết ấm lịch”, tôi bàng hoàng, lo lắng. Thấy thấp thoáng dáng anh Bùi Quang Ngọc trên công trường, tôi chạy tới hỏi kỹ, đáp lại là lời hết sức bình thản của anh: “Thì cố thôi, đầu tiên là hoàn thành sân lát đá trong tháng 1”. Sét đánh ngang tai lần nữa, căng thật!
Chính thức khởi công từ đầu tháng 12/2017, đến nay FPT Tower đang đi đến những bước hoàn thiện cuối cùng, nhưng điều này cũng đồng nghĩa chặng đường đầy thâm trầm của tôi đang đến những hồi “nước rút” nhất. Không phải câu chuyện của những khối bê tông khổng lồ như 2 năm trước, giờ là tổng hợp của hàng trăm đầu công việc lắt nhắt để hoàn thiện công trình. Từ việc đi dây đèn led trên sân đá, bậc thềm cầu thang chưa phù hợp, cây cảnh trồng chưa hợp lý… tất cả những công việc tưởng chừng nhỏ nhặt nhất đều phải “nằm gọn” trong tầm kiểm soát.
Mọi chuyện có lẽ đã đi đúng tiến độ, nếu năm 2020 không khởi đầu bằng cuộc khủng hoảng mang tên “Covid”. Việc phải ngưng tất cả hoạt động xây dựng trong một tháng để đảm bảo giãn cách xã hội đã kéo theo một chuỗi công việc bị ngưng đọng, từ nhân lực khó tập hợp, thiết bị chưa kịp sản xuất hoặc nhập khẩu khó khăn đến tinh thần anh em sa sút.
Sự ngắt quãng này đã khiến công việc của những ngày cận Tết Tân Sửu “căng như dây đàn”. Ngoài hoàn thiện tầng 1 và cảnh quan ngoài sân, tôi còn phải đảm bảo hệ thống cơ điện, phòng cháy chữa cháy của cả công trình vận hành thông suốt trước khi cả FPT “chuyển nhà”.
Không chỉ là người gác cổng cho tiến độ công trình, tôi còn trở thành người nắm giữ sợi dây tinh thần của hàng trăm con người trên công trường. Thúc quá thì anh em căng thẳng, làm đối phó nhưng mềm quá thì sẽ trì trệ, thả lỏng tinh thần.
Đôi lúc tôi cũng “hụt hơi”, cần tìm một điểm tựa. Và anh Ngọc chính là sự động viên tinh thần lớn nhất. Thay vì tạo thêm nhiều sức ép, anh Ngọc đã “xắn tay áo”, cùng tôi đi rà soát từng viên gạch, từng miếng kính trên công trường. Có lẽ năm nay sẽ là năm có những ngày cận Tết đáng nhớ nhất, năm mà tôi thực sự mong “Tết đến thật chậm”, bởi còn thật nhiều việc muốn làm cho công trình đặc biệt này…
Trải qua một năm Covid đầy biến động, khó khăn là câu chuyện chẳng của riêng ai, nhưng sau những nỗ lực vì mọi người thì mỗi người vẫn có quyền lựa chọn cho mình một cách để tận hưởng Tết. Nơi xứ người, chị Trinh chọn đón một cái Tết truyền thống ấm cúng bên gia đình nhỏ. Một chút cô đơn nhưng chị Thu vẫn tự thưởng những món quà tinh thần cho lòng thêm rộn ràng. Đối diện với sức ép tiến độ nơi công trường bụi bặm nhưng anh Hoàng Anh vẫn nghĩ đến việc chu toàn, đón cái Tết ấm cúng cùng vợ con. Hay có khi chỉ dung dị như cách những cán bộ của phòng Quản lý dịch dụ 24x7 tận hưởng sự vắng vẻ hiếm có của Hà Nội trên quãng đường đi trực Tết, rồi dành tặng cho mình một giấc ngủ bù thật ngon.
Tết Nguyên đán trong tâm thức người Việt là sự sum vầy, đoàn viên, là khoảng thời gian cả gia đình ôn lại chuyện cũ, chúc may mắn chuyện tương lai. Tết cũng chính là cơ hội để ta “được gác lại” âu lo muộn phiền. Những chuyện không vui, những điều không may, thậm chí là cả những sai lầm thất bại trong năm cũ cũng sẽ có cơ hội được bỏ lại phía sau. Tết “bao dung” khi cho mỗi người một cơ hội mới để được “quyền” hy vọng về những điều tốt đẹp hơn.
Nội dung: Hà My
Thiết kế: Chungta
Ý kiến
()