Gia nhập nhà F được 3 năm, Trạng nguyên FPT đầu tiên Hoàng Việt Anh đã xung phong nhảy vào “biển lửa” để thử sức và cũng bởi “nghe nói làm xuất khẩu phần mềm được đi đây đi đó”, khi FPT đang tiến vào “kỷ nguyên” xuất khẩu phần mềm bằng làn sóng toàn cầu hóa lần thứ nhất vào năm 1999.
Gặt hái thành công trong dự án với khách hàng Petronas tại Malaysia trị giá 6,5 triệu USD (lớn nhất trong lịch sử của FPT tính đến thời điểm năm 2006), anh Việt Anh rất tự tin khi triển khai hợp đồng tiếp theo tại Mỹ với một tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới vào năm 2010.
Nhưng thực tế triển khai dự án khiến anh phải thốt lên “không ngờ” dù quy mô dự án nhỏ hơn nhiều so với Petronas (chỉ 450 ứng dụng cần phải chuyển đổi) và bài toán về công nghệ không hề khó. Vấn đề “không ngờ” đầu tiên: việc đối tác là một ngân hàng có quy mô toàn cầu (người dùng tuy nhỏ hơn nhưng dàn trải tại hơn 150 nước trên thế giới). Vì thế, dự án phải lập thêm và duy trì hoạt động 24/7 nối tiếp nhau tại 5 trung tâm ngoài Việt Nam (Mỹ, Anh, Đức, Singapore và Nhật Bản).
Phó TGĐ FPT, TGĐ FPT Telecom giao lưu với sinh viên BTEC FPT. |
Vấn đề kế tiếp là không lường trước được sự phức tạp trong nội bộ của ‘gã khổng lồ’ tài chính hàng trăm năm tuổi với quy mô toàn cầu khiến các kỹ sư nhà F gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi ứng dụng. Yêu cầu đặt ra là phải hoàn thành trong 12 tháng nhưng sau 10 tháng, dự án chỉ hoàn thành được 8/450 ứng dụng chuyển đổi, và nhà F bị lỗ 1 triệu USD ngay trong năm đầu triển khai. Dự án đứng trước nguy cơ: tiếp tục triển khai rồi ôm “bom” lỗ về mình hoặc bị kiện ra tòa và mất đường làm ăn tại Mỹ.
Cờ bí, để tháo nguy cho tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”, anh Hoàng Việt Anh đã phải dùng giải pháp cuối là “đặt cược” vào sự trợ giúp của Global CIO của đối tác - nhà tài trợ của dự án để giữ nguyên giá trị hợp đồng, quy mô giảm xuống còn 130 ứng dụng (cần thiết) và kéo dài thời gian triển khai thành 18 tháng. “Nếu đề xuất này thất bại, dự án sẽ đổ vỡ và tôi chắc chắn sẽ phải xin nghỉ việc ngay lập tức”.
Sau đó, dù cuối cùng dự án cũng hoàn thành đúng hạn nhưng tổng thể vẫn lỗ hơn 150.000 USD. Tuy vậy, “cánh cửa này khép lại để mở ra một cánh cửa mới” khi dự án được ngân hàng này trao giải xuất sắc nhất năm 2011 và tạo thêm nhiều dự án tiếp theo trong vòng 5 năm đến 2016. Các dự án tiếp theo quy mô ngày càng lớn (tổng giá trị khoảng 20 triệu USD), đem lại giá trị lợi nhuận vượt xa so với thất bại ban đầu.
Hãy tận lực ngay từ đầu. Đừng ngần ngại trong chia sẻ về khó khăn, đề nghị sự hỗ trợ của khách hàng, báo cáo định kỳ hằng tuần, hằng tháng trong quá trình triển khai dự án… là những bài học “xương máu” rút ra từ câu chuyện “cờ bí” của TGĐ FPT Telecom Hoàng Việt Anh - người đã 26 năm gắn bó với FPT và làm việc với các đối tác tại hơn 40 nước trên thế giới chia sẻ với gần 100 sinh viên chiều 11/6 tại Trường Cao đẳng quốc tế BTEC về con đường từ thực tập sinh đến trưởng thành như ngày hôm nay, cùng đôi “bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”.
“Tháng 10/1993, khi còn là sinh viên năm thứ 3 Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi được thầy Bùi Quang Ngọc (Phó Chủ tịch Tập đoàn FPT hiện nay) dẫn đi thực tập tại bộ phận Xí nghiệp Phần mềm FPT (FSU1 - sau này là FPT Software). Lần đầu tiên tôi được chạm vào máy vi tính và gõ bàn phím để lập trình. Từ đó đến nay đã được 26 năm rồi”, anh Hoàng Việt Anh chia sẻ về cái duyên anh đến và gắn bó với FPT.
Được đánh giá là thế hệ "cao thủ đời thứ hai" của ngành phần mềm FPT; từng kinh qua tất cả các vị trí làm phần mềm, dịch vụ phần mềm; từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại FPT Software và có kinh nghiệm toàn cầu khi tham gia chỉ đạo và triển khai các dự án quy mô lớn của FPT Software với khách hàng tại Singapore, Malaysia, Mỹ… trong lĩnh vực dầu khí, hàng không, truyền hình vệ tinh, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, tháng 8/2015, anh Việt Anh được bổ nhiệm vị trí TGĐ FPT Software.
Gần 100 sinh viên BTEC FPT lắng nghe chia sẻ về con đường lập nghiệp của TGĐ FPT Hoàng Việt Anh. |
Ngày 1/3/2018, nằm trong chương trình "Quy hoạch và Luân chuyển lãnh đạo FPT" của tập đoàn, anh Hoàng Việt Anh được bổ nhiệm làm PTGĐ FPT và CEO FPT Telecom.
Được trải nghiệm, đồng hành cùng sự phát triển của Tập đoàn FPT (quy mô từ dưới 100 người toàn quốc thời gian đầu lên đến hơn 30.000 người hiện nay), trên cương vị mới là PTGĐ FPT chịu trách nhiệm về công nghệ và chuyển đổi số của tập đoàn song song với nhiệm vụ CEO FPT Telecom, trọng trách tiếp theo của anh là dẫn dắt FPT Telecom với hơn 17.000 CBNV phát triển, “tiếp tục đẩy mạnh mô hình kinh doanh mới về viễn thông, đem lại giá trị nhiều hơn cho khách hàng tại Việt Nam và trong khu vực”.
“Tùy điều kiện và khả năng, các bạn trẻ hoàn toàn có thể lựa chọn con đường du học tại các nước phát triển, làm việc tại các công ty lớn ở nước ngoài. Từ đó, các bạn trau đồi kinh nghiệm, tiếp thu tinh hoa, tích lũy kiến thức về thành tựu khoa học - công nghệ để về ứng dụng, phát triển trong nước”, anh Việt Anh trải lòng.
Sinh viên BTEC FPT hào hứng giao lưu với TGĐ FPT Telecom Hoàng Việt Anh. |
Diễn giả bật mí, 10 năm đầu tiên sau tốt nghiệp là khoảng thời gian cần tối ưu cho việc tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cũng như khả năng xử lý tình huống. Cùng với đó, hãy chủ động và thử áp dụng với những công nghệ mới thông qua việc tự mình trải nghiệm rồi rút ra những kinh nghiệm thực tế.
Chia sẻ về “bí quyết thành công” để biến chuyên môn thành lợi thế khi chuyển từ kỹ sư phần mềm sang quản trị kinh doanh qua câu hỏi sinh viên Nguyễn Hà Ngọc An (lớp CNTT khóa 2), anh Việt Anh nhấn mạnh: “Người bán hàng, quản trị trước tiên cần hiểu biết sâu sắc chuyên môn kỹ thuật cũng như nền tảng công nghệ của dịch vụ, tiếp đến là kỹ năng mềm tạo ấn tượng và xây dựng niềm tin đối với khách hàng. Đôi khi, chúng ta cần phải đồng hành, chia sẻ với những khó khăn của khách hàng, lăn xả giải quyết những vấn đề, từ cái nhỏ nhất, của họ".
TGĐ FPT Telecom cũng chia sẻ về cơ hội việc làm cho sinh viên BTEC. Đối với riêng nhóm ngành CNTT, sinh viên có thể tham gia từ lĩnh vực xây dựng, triển khai hạ tầng kỹ thuật đến nghiên cứu, phát triển sản phẩm dịch vụ như Home Security, Smart home… trên nền tảng AI, IoT, Big Data… cho đến bảo trì, nâng cấp các đài trạm, hệ thống ứng dụng nền tảng dịch vụ của FPT Telecom.
Thế giới đang phát triển và thay đổi từng ngày. Đó vừa là cơ hội cũng là thách thức vô cùng lớn. “Việc cố gắng bắt kịp công nghệ mới chưa chắc đã thành công nhưng nếu bỏ qua nó thì chắc chắn sẽ thất bại”. Vì thế, đối với riêng lĩnh công nghệ, FPT Telecom đang đẩy mạnh các dự án nghiên cứu, phát triển nền tảng công nghệ dịch vụ để nâng năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và sự hài lòng của khách hàng. Đó là định hướng phát triển của FPT Telecom trong tương lai.
Đại diện nhà trường cùng sinh viên BTEC FPT chụp hình lưu niệm cùng Phó TGĐ FPT, TGĐ FPT Telecom. |
Anh cho hay luôn mong muốn được nói chuyện trực tiếp với các ứng viên để có thể hiểu được đam mê của họ đối với công việc và sự quyết tâm theo đuổi mục tiêu đến cùng như thế nào. Bên cạnh đó, kiến thức chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, khả năng xử lý tình huống,… cũng là các yếu tố cần thiết cho sinh viên ra trường ứng tuyển vào FPT Telecom.
Được thành lập trên cơ sở liên kết giữa FPT Education với Tổ chức Giáo dục và khảo thí Pearson - Vương quốc Anh, được công nhận là trường đào tạo chính thức chương trình BTEC HND tại Việt Nam, BTEC FPT đã trở thành lựa chọn của rất nhiều học sinh THPT trên khắp cả nước. FPT BTEC triển khai chương trình nghề nghiệp bậc cao đẳng chuẩn quốc tế, đồng thời là chương trình cầu nối với chi phí thấp đến các trường đại học hàng đầu tại Anh, Mỹ, Australia, Singapore, Nhật Bản… cũng như các trường đại học tại Việt Nam. Các chuyên ngành đào tạo của FPT BTEC gồm: Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Thiết kế đồ họa và các khối ngành khác cho giai đoạn hội nhập toàn cầu. |
Tiến Rinh
Tiến Rinh
Ý kiến
()