Chúng ta

Anh Đỗ Cao Bảo: ‘Có vaccine được phê duyệt để tiêm là quá tốt rồi’

Thứ hai, 9/8/2021 | 14:36 GMT+7

Theo Uỷ viên HĐQT, Chủ tịch Uỷ ban Nhân sự và Lương thưởng FPT Đỗ Cao Bảo, chọn vaccine chỉ vì “xuất xứ” hay định kiến riêng là hành động không phù hợp, không khoa học, không những không có lợi cho bản thân, gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm, mà còn không có lợi cho công tác phòng chống và ngăn ngừa dịch Covid-19 của quốc gia.

Cùng Chungta.vn trao đổi với anh Đỗ Cao Bảo về chiến lược tiêm vaccine Covid-19.

- Nhiều người vẫn băn khoăn với câu chuyện vaccine “xịn”; hoang mang, lo lắng về xuất xứ, chất lượng, hiệu quả của một số loại vaccine Covid-19. Quan điểm của anh ra sao về vấn đề này?

- Về nguyên tắc, tôi nghĩ rằng mỗi người có quyền tiêm hay không tiêm vaccine, có quyền chọn vaccine để tiêm. Thế nhưng, đấy là trong trường hợp đầy đủ, dư thừa vaccine như người dân các nước châu Âu, Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản.

Còn hầu hết người dân các nước khác (trong đó có Việt Nam) vaccine còn đang cực kỳ khan hiếm, có vaccine (đã được phê duyệt) để tiêm đã là quá tốt rồi.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát mạnh, nguy cơ bị nhiễm và có thể bị nhiễm nặng, có thể an nguy đến sinh mạng bản nhân thì việc mất quá nhiều thời gian vào việc lựa chọn vaccine là một hành động thiếu sáng suốt.

pho-tgd-fpt-1-3475-1562810457-8252-3363-

Anh Đỗ Cao Bảo, Uỷ viên HĐQT, Chủ tịch Uỷ ban Nhân sự và Lương thưởng FPT

Việc băn khoăn, hoang mang, lo lắng, cân nhắc chọn vaccine thuần tuý vì hiệu quả của vaccine, vì sự phù hợp của vaccine với tình trạng sức khoẻ của bản thân có thể hiểu được, có thể cảm thông. Thế nhưng, chỉ vì “xuất xứ” hay định kiến riêng đó là một hành động không phù hợp, không khoa học, không những không có lợi cho bản thân, gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm, mà còn không có lợi cho công tác phòng chống và ngăn ngừa dịch Covid-19 của quốc gia.

- Thực tế, việc tiêm vaccine Covid-19 ở nước ta gặp những khó khăn gì, theo anh?

- Khó khăn đầu tiên đó là chúng ta thiếu vaccine trầm trọng. Trong thời buổi khan hiếm vaccine trên toàn thế giới, vaccine mua theo hợp đồng về "nhỏ giọt", 75% số vaccine hiện có là vaccine ngoại giao, vaccine tài trợ theo chương trình Covax, cộng cả 2 nguồn cũng mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu.

Cùng với đó là nguồn lực để tiêm vaccine. Ngành Y tế đang phải căng mình ra trong công tác phòng chống sự lây lan của dịch (lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết, cách ly, phong toả), điều trị và cứu bệnh nhân Covid-19.

Đồng thời, việc bảo quản và vận chuyển vaccine an toàn đến hàng chục nghìn điểm tiêm vaccine trên toàn quốc, trong đó có những vaccine phải bảo quản ở điều kiện nhiệt độ âm sâu.

Còn một khó khăn nữa là xây dựng một chiến lược tiêm vaccine phù hợp nhất, tối ưu nhất, thông minh nhất trong bối cảnh vừa thiếu vaccine, vừa thiếu nguồn nhân lực tiêm vaccine, vừa phải bảo quản và vận chuyển vaccine trong điều kiện ngặt nghèo.

- Trong bối cảnh thiếu vaccine như hiện nay nên làm sao phân bổ phù hợp để người dân sớm được tiếp cận?

- Bài toán phân bổ vaccine trong bố cảnh dịch bệnh bùng phát nặng nhẹ rất khác nhau giữa các tỉnh, thành phố, trong bối cảnh khan hiếm vaccine, vaccine về từng lô nhỏ, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu; chưa kể diễn biến dịch ở các tỉnh, thành phố lại biến động không ngừng là việc không hề đơn giản.

Cùng với đó, các mối quan hệ xã hội giữa người được phân bổ và những địa phương, các tổ chức được nhận, phân sao để mọi người thấy thế là hợp lý, thấy là tốt nhất cho công tác chống dịch của quốc gia. Cuối cùng để mọi người hài lòng tương đối là công việc cực kỳ khó khăn trong bối cảnh tất cả đều đang oằn mình chống dịch.

Để giải quyết các vấn đề trên thì cần có một chiến lược tiêm vaccine thông minh nhất, tối ưu nhất, minh bạch nhất. Từ chiến lược tiêm vaccine đã được phê duyệt sẽ ra các nguyên tắc cơ bản và cách phân bổ vaccine cho từng địa phương, cho từng đối tượng được tiêm.

- Theo anh, chiến lược tiêm vaccine phù hợp nhất, tối ưu nhất, thông minh nhất ở nước ta trong thời điểm này?

Như trên đã nói, chúng ra cần có chiến lược tiêm vaccine thông minh nhất, tối ưu nhất. Tối ưu nhất theo nguồn vaccine hiện có, nguồn vaccine sắp về và sẽ về; tối ưu nhất trong bối cảnh nguồn nhân lực hạn chế, vừa phải phân tán chống dịch, chữa chạy cho các bệnh nhân Covid-19 vừa phải tiêm vaccine cho người dân; tối ưu nhất theo góc độ nền kinh tế ít thiệt hại nhất, có sức bật lớn nhất khi dịch bệnh qua đi.

Cá nhân tôi cho rằng, Việt Nam cần tiêm vaccine theo chiến lược "tập trung, cuốn chiếu". Đấy chính là chiến lược thông minh nhất, tối ưu nhất, phù hợp nhất trong quý II, giai đoạn vaccine về không đủ nhu cầu.

Tập trung là như thế nào? Tập trung là tập trung cao nhất về cả nguồn vaccine lẫn nguồn nhân lực tiêm vaccine cho những tỉnh, thành dịch bệnh đang nặng nhất, đang gia tăng cao nhất. Tiếp đến là những tỉnh thành kinh tế trọng điểm, có vai trò quan trọng nhất, là động lực lớn nhất, đóng góp lớn nhất vào kinh tế và ngân sách quốc gia.

Cuốn chiếu là như thế nào? Cuốn chiếu là tiêm dứt điểm từng khu vực, từng cụm dân cư (chứ không dàn trải theo đối tượng tiêm), tiêm từ vùng lõi đô thị ra, tiêm đến khu vực nào, cụm dân cư nào dứt điểm đạt tỷ lệ tối thiểu 70% dân số trên 18 tuổi khu vực, cụm dân cư ấy (100% thì càng tốt).

Theo chiến lược ấy, tôi đề xuất thứ tự các tỉnh, thành phố được ưu tiên theo các nhóm như sau:

1) Nhóm 1: TP HCM

2) Nhóm 2: Bình Dương

3) Nhóm 3: Hà Nội

4) Nhóm 4: Đồng Nai, Long An,

5) Nhóm 5: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu

5) Nhóm 6: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cần Thơ

7) Nhóm 7: Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Giang, Khánh Hoà, Kiên Giang

08) Nhóm 8: 43 tỉnh thành còn lại

(20 tỉnh thành này đóng góp trên 75% thu ngân sách quốc gia)

Theo chiến lược ấy, theo thứ tự ưu tiên ấy, số vaccine về trong tháng 8, tháng 9 sẽ phân bổ cho 4 nhóm đầu (có tính đến dân số):

(1) TP HCM: 70%

(2) Bình Dương: 10%

(3) Hà Nội: 10%

(4) Đồng Nai, Long An: 5%

(5) Nhân viên y tế, lực lượng tham gia chống dịch các tỉnh thành còn lại và các đoàn ngoại giao: 5%.

- Vậy vấn đề nguồn lực tiêm sẽ xử lý như thế nào, thưa anh?

- Vấn đề khá quan trọng là tốc độ tiêm và nguồn lực tiêm. Thời gian qua, chúng ta tiêm khá chậm, bởi mất khá nhiều thời gian cho việc phân chia vaccine và xét duyệt đối tượng tiêm vaccine. Theo chiến lược này chúng ta chỉ tập trung vào việc tổ chức tiêm sao cho nhanh nhất thôi.

vaccine-covid-19-vnexpress20-1-4644-4617

Người FPT xếp hàng chờ tiêm vaccine hổi tháng 6.

Về nguồn lực tiêm, cần huy động cao nhất nhân viên y tế tư nhân, sinh viên các trường đại học Y Dược, nhân viên y tế đã về hưu, còn sức khoẻ tham gia vào công tác tiêm chủng. Cần huy động các bệnh viện tư thành bệnh viện tiêm vaccine cho những người cao tuổi, người có bệnh nền. Cần huy động lực lượng y tế ở các tỉnh nhóm dưới sang hỗ trợ các tỉnh nhóm trên, lấy nguồn lực các tỉnh gần trước, tỉnh xa sau.

Tôi tin rằng, theo chiến lược ấy, cách tổ chức tiêm ấy, cách huy động nguồn lực ấy, tốc độ tiêm vaccine của chúng ta sẽ tăng lên 5-6 lần.

Hãy lấy mục tiêu TP HCM đạt tỷ lệ 70% dân số tiêm 1 mũi vào ngày 30/8 và 70% dân số tiêm đủ 2 mũi vào ngày 30/9 là mục tiêu cao nhất của cả nước, chứ không phải của riêng TP HCM. Hãy lấy ngày TP HCM trở lại hoạt động bình thường là ngày vui của nhân dân cả nước.

Theo chiến lược này, các tỉnh thành thuộc nhóm ưu tiên thấp cần thực hiện chiến lược phòng ngự thật chặt, khống chế không để dịch lây lan rộng, đưa số ca nhiễm thấp dần, đưa tỉnh, thành mình trở thành tỉnh xanh an toàn. Lãnh đạo và nhân dân các tỉnh ưu tiên thấp cần hiểu, đây là chiến lược tốt nhất, tối ưu nhất để Việt Nam chiến thắng đại dịch với thiệt hại thấp nhất về người và kinh tế.

Điều đặc biệt quan trọng đối với toàn thể những ai đã, đang và sẽ được tiêm vaccine là không bao giờ quên khẩu trang, khử khuẩn và giãn cách (dù đã tiêm đủ 2 mũi). Hãy nhìn bài học dịch bùng phát mạnh trở lại ở những nước Âu - Mỹ đã tiêm vaccine tỷ lệ cao làm bài học cho mình.

>> FPT mở cổng đăng ký hỗ trợ y tế cho CBNV và người thân

Ý kiến

()