Chúng ta

4 chiêu tinh vi của người bán khiến chúng ta mua hàng

Thứ ba, 28/11/2017 | 08:15 GMT+7

Đôi khi bạn mua một món đồ không hẳn vì cần mà chỉ bởi có cảm xúc đặc biệt khi sờ, ngửi hay nhìn thấy nó và đó là chiến thuật.

Các nhà bán hàng luôn có nhiều cách tân tiến khiến chúng ta tự động mở ví mua đồ của họ và dưới đây là một số chiêu đó, theo Cambridge-news:

Kích thích khứu giác

Đây chẳng phải là chiến thuật to tát gì, đơn giản là mùi thơm sẽ khiến trải nghiệm mua hàng thêm thích thú. Các mùi đặc trưng thường có sự gắn chặt với một ký ức hay nơi chốn, vì vậy khá có lý khi dùng mùi hương để đánh thức các cảm xúc tích cực nhằm tăng sức mua.

Đó là lý do vì sao các cửa hàng Starbuck luôn ngập tràn mùi cà phê latte vị bí ngô vào suốt mùa thu và hương bánh quy gừng trong mùa giáng sinh.

Mùi hương không chỉ gợi về ký ức. Sử dụng mùi hương ngọt ngào còn làm tăng ý muốn mua sắm trong các cửa hàng mỹ phẩm hay đồ lót.

Ảnh minh họa: British Council.

Ảnh minh họa: British Council.

Tiếp cận trong tầm tay

Các nhà bán lẻ quá giữ gìn sản phẩm và không cho khách đụng tay vào sẽ lỡ mất cơ hội tốt.

Sự tiếp xúc là yếu tố quan trọng tác động đến nhận thức của người tiêu dùng và thiếu nó có thể dẫn tới cảm giác bực bội. Công ty Apple hiểu điều này hơn bất cứ ai. Các cửa hàng của họ thiết kế kiểu đặc biệt để mời chào mọi người tới khám phá sản phẩm tận tay trong không gian sạch sẽ, rộng rãi.

Sự tiếp xúc trực tiếp không chỉ tăng khả năng mua mà còn tạo ra sự thích thú cho khách hàng, tạo cảm xúc tích cực.

Đánh vào cảm xúc

Các nhà bán hàng biết rằng sự gắn kết cảm xúc với khách hàng là mục tiêu then chốt để bán được sản phẩm.

Chúng ta vô thức tìm kiếm cảm xúc của mình khi xem xét một sản phẩm và cảm xúc đó sẽ quyết định bạn có mua nó hay không.

Chẳng hạn như việc bán sản phẩm tự lắp ráp có vẻ đơn giản chỉ là để giảm chi phí hàng hóa nhưng đó cũng là cách khiến người mua nảy sinh cảm xúc với sản phẩm khi họ đặt tình yêu và sự quan tâm của mình vào quá trình hoàn thiện nó.

Hãng nội thất Ikea và công ty bán thú nhồi bông Build-a-Bear biết rõ điều này. Khi chúng ta lắp ráp các phần đồ nội thất hay đặt một hình trái tim nhỏ vào con gấu mình mua, ta sẽ trân trọng món đồ hơn. Sự trân trọng này truyền vào cả nhãn hiệu bạn chọn và khích lệ bạn lần sau lại mua tiếp.

Đánh vào tiềm thức

Não chúng ta có nhu cầu lý giải những thông tin chúng ta thấy. Nếu thông tin đó chưa đầy đủ, chúng ta tự động cố gắng lấp đầy vào chỗ trống.

Vì vậy, bằng cách bỏ sót thông tin, các nhà bán hàng khiến chúng ta phải động não nghĩ về sản phẩm và nhớ tới nhãn hiệu đó sau này.

Chẳng hạn, khi chiếc xe Audi A3 được tung ra, chiến dịch quảng cáo chạy những dòng tiêu đề với khoảng trống giữa các chữ. Người tiêu dùng buộc phải tham gia vào quá trình suy nghĩ liên quan đến Audi và nhờ vậy nhãn hiệu này đã có chỗ trong tâm trí họ.

Theo VnExpress

Ý kiến

()