Quy ước thầm lặng của những đứa trẻ mồ côi
Sau Covid, những đứa trẻ mồ côi tự thiết lập nên một hệ thống quy tắc bất thành văn để sống chung với mất mát.
Đã 6 năm, ba chị em Xu, O, Sóc không ăn hamburger, dù đây từng là món khoái khẩu. Lần cuối cùng chúng đi mua loại bánh mì kẹp này là vào một buổi chiều tháng 2 năm 2017. Khi trở về nhà, mẹ đã nằm lạnh tanh trên tấm phản nâu sẫm. Người lớn ai nấy nhìn lũ trẻ đứng bơ vơ giữa hiên nhà, nước mắt lăn dài.
Ba đứa trẻ họ Lưu đều có cái tên ẩn chứa thông điệp: Tuyết Nghi (còn gọi là Xu, 18 tuổi), Nhật Hạ (O, 16 tuổi), Thiện Lam (Sóc, 10 tuổi); nhưng không ai giải thích được cho chúng ý nghĩa. Ông ngoại - người đặt tên cho ba đứa – qua đời ngay sau mẹ hai tháng, cũng trên tấm phản nâu sẫm.
Xu - chị cả - nhớ rằng mẹ bị ung thư, loại nào thì em chẳng còn ký ức rõ ràng. Bỗng một ngày, người mẹ nổi lên từng cục, lớn dần, bác sĩ báo tin đã ở thời kỳ cuối. Điều trị chưa được một tháng, bệnh viện trả về. 28 Tết, mẹ mất.
Lần mồ côi thứ nhất, ba đứa trẻ thiết lập nên quy ước đầu tiên: không ăn hamburger, cũng không còn thích Tết. Đó không phải một truyền thống gia đình được gọi tên, nhưng chúng luôn thực hiện mà không cần giải thích hay tranh cãi. Những đứa trẻ mồ côi có cách chia ly của riêng mình.
Khoảng trống
Ba chị em không nhắc đến cha, trừ khi thật cần thiết.
Mẹ qua đời, cha đưa ba đứa rời căn nhà đã gắn bó cả tuổi thơ. Chúng đến một nhà trọ nhỏ, không chia phòng, cách nơi ở cũ gần 2 km. Cha không đánh, không la, nhưng cứ lẳng lặng, chẳng mấy khi nói gì. Chưa được một tháng, dì tới thăm, thấy ba đứa nhỏ nheo nhóc nằm co chân trong phòng trọ bé tí, cả ngày chẳng thấy bóng cha. Dì nhất quyết đưa ba đứa trẻ về nuôi. Xu, O, Sóc lại lóc cóc theo dì về nhà cũ. Từ đó, chúng gọi dì là má Hai.
Cha chúng cũng chuyển về nơi ở cũ – đối diện con hẻm nhà ba đứa nhỏ, nhưng chúng rất ít gặp. Không ai có số điện thoại của cha, ông chỉ xuất hiện khi ông muốn.
“Em không biết tại sao, nhưng thấy không thích ở chung với ba”, O nói, ánh mắt không đậu vào đâu.
Má Hai khỏa lấp những khoảng trống mẹ để lại. Mỗi sáng, má đưa ba đứa đi học. Khi chúng về nhà, bếp đã sẵn cơm. Cuộc sống của ba đứa gần như không ra khỏi tầm mắt má Hai.
Với tụi nhỏ, má Hai có thuật “thần giao cách cảm”. Chỉ cần chúng trốn học đi chơi, thế nào cũng bị tìm ra.
O mê gấu bông. Hồi lớp 4, mấy lần má Hai đưa tới trường, cô bé lại trốn về siêu thị gần nhà, lang thang khắp các quầy thú nhồi bông, vuốt ve, sờ nắn chán chê. Đi vòng vòng một hồi, O giật mình thấy má Hai đứng sau lưng, mặt không có nét cười. Về nhà, má bắt quỳ, đánh, rồi lại tha. Xu cũng mấy lần trốn học đi tiệm net bị má Hai bắt quả tang, kéo tai về đánh “lên bờ xuống ruộng”. Sóc chẳng bao giờ dám đi chơi xa quá hẻm nhà, vì chỉ cần để má Hai phải đi khắp ngõ kiếm là cậu sẽ ăn một trận mắng to. Má Hai chưa bao giờ tiết lộ làm cách nào tìm được cả ba đứa.
Khi ba chị em đã dần quen với việc vắng mẹ, dịch Covid đến, cướp đi má Hai.
Từ sau dịch, chúng không nhắc đến má Hai, trừ khi bị hỏi tới. Bởi mỗi lần nhắc đến má, Xu và O vẫn khóc không dừng được. Riêng Sóc là không còn khóc nữa, có lẽ bởi chỉ có em được gặp má Hai trong mơ.
“Má Hai mất rồi”, ông Huỳnh Bảo Long (51 tuổi), em trai má Hai, báo tin dữ cho ba đứa trẻ vào một buổi sáng tháng 8/2021. Đêm trước, cậu mới đưa má nhập viện. Thế mà chỉ ngủ một giấc dậy, ba đứa trẻ lại mất mẹ, lần thứ hai trong vòng 4 năm. Cũng giống như lần trước, chúng chẳng kịp nói lời từ biệt.
Sảy dì còn cậu. Ông Long nhận lãnh trách nhiệm là người chăm sóc tiếp theo. Ngày chị gái đi, ông quay cuồng lo đủ chuyện tang quyến, đến khi có thời gian nhìn lại, ông mới nhận ra thường xuyên vắng bóng ba đứa nhỏ.
Căn nhà rộng 2,8 m, dài 11 m, được ngăn tầng bằng một gác xép chia hai phòng. Ba đứa nhỏ nhốt mình nhiều ngày ở gác trên – nơi từng là phòng cũ của ba mẹ, chỉ xuống nhà khi đến giờ cơm.
Phòng rộng chừng 15 m2, một nửa dành cho bàn thờ và những đồ đạc ghi dấu lịch sử của cả căn nhà: đống bàn ghế của mợ hồi chưa bỏ cậu Long cùng 4 đứa con; giát giường cũ lúc ba mẹ còn ở với nhau… Gác xép lợp mái tôn nên mùa hè nóng như nung. Góc phòng ngổn ngang xô chậu để hứng nước dột từ trần nhà mỗi khi trời mưa lớn.
Khắp căn phòng, chỉ có tấm nệm là không bám bụi. Đó là chỗ sinh hoạt duy nhất của ba chị em, đặt vừa khít chiều ngang phòng, chắn ngay trước cửa, chừa lại một khe hẹp vừa đủ cho một người nhỏ con chui vào.
Ông Long không biết an ủi ba đứa trẻ thế nào, xưa giờ chỉ có chị gái ông thường xuyên tâm sự với chúng, đành tặc lưỡi “từ từ rồi sẽ qua”.
Dịch hết, cuộc sống lại trở về nề nếp cũ. O và Sóc ngày ngày đi học, Xu sau khi tốt nghiệp cấp ba thì ở nhà, thay thế vai trò của má Hai – giữ cho căn bếp luôn nóng đủ ba bữa cơm. Ba đứa trẻ sống vo tròn trong thế giới riêng, chỉ nói khi được hỏi và chỉ xuất hiện khi được tìm kiếm.
Chúng được tự do hơn trước. Sóc có thể bỏ bữa trưa, đi chơi liền 5 tiếng mà không bị mắng. Xu và O đi chơi đến nửa đêm. Nhưng, cũng chẳng ai tìm kiếm hay hối thúc chúng về nhà.
Nhịp sống của ba đứa trẻ không có nhiều xáo trộn so với trước dịch, trừ việc có thêm thật nhiều đoàn từ thiện ghé chơi, dắt đi thăm thú nhiều nơi, cho tặng đủ thứ: từ xe máy, máy tính bảng, đến sổ tiết kiệm…, rồi biến mất. Ba đứa trẻ dần quen với việc từng đoàn người lạ đến rồi đi, ít khi gặp lại.
“Em thấy cô đơn", O ôm gối nói, người lọt thỏm giữa căn nhà chồng chất đồ đạc. Cuộc sống của ba chị em không quá thiếu thốn thứ gì. Đủ ăn, đủ mặc, và được đến trường, chỉ thiếu những lời mắng mỗi khi chúng biến mất quá lâu, và bữa cơm nóng đầy hương vị của má Hai mỗi khi đi học về.
Trong gần 4.500 trẻ mồ côi do Covid tại Việt Nam, hơn một nửa thuộc TP HCM - 2.339 em. Hai năm sau đại dịch, nhiều đứa trẻ như Xu, O, Sóc vẫn đang trong quá trình học cách sống chung với nỗi mất mát lớn nhất trong đời.
Sống trong “vỏ ốc”
Sau khi ba qua đời tháng 8 hai năm trước, Gold và Ruby thấy rõ nỗi căng thẳng tài chính của mẹ. Chúng không bao giờ đòi mẹ mua thứ gì, mà tìm đủ mọi ý tưởng làm sao mang tiền về cho mẹ.
“Hay học hết lớp 9 con nghỉ học, đi làm nuôi mẹ và em?” - Trần Ngọc Minh Khôi (còn gọi là Gold, 13 tuổi) nói với mẹ bằng chất giọng trầm, ồm, dứt khoát. Cậu bé hối hả mong lãnh lấy trách nhiệm của người con trai duy nhất trong nhà.
“Hay là con bán nước kiếm tiền cho mẹ nhé? Hoặc con vẽ tranh, bán 50 đô một bức. Con vẽ đẹp mà” – Trần Ngọc Bảo Trân (Ruby) tranh phần với anh trai. Mới 7 tuổi, cô bé đã ấp ủ nhiều kế hoạch kiếm tiền.
Chị La Thị Ngọc Tuyết (phải) và hai con - Trần Ngọc Minh Khôi (trái, còn gọi là Gold) và Trần Ngọc Bảo Trân (Ruby).
Mẹ chúng, chị La Thị Ngọc Tuyết (46 tuổi) từng trải qua hai lần tai biến khiến mắt trái không còn nhìn được. Cơn bệnh để lại di chứng rối loạn ngôn ngữ khiến chị nói bập bẹ, không rõ chữ tròn lời. Nửa thân bị liệt, điều trị cả năm mới đi lại được bình thường nhưng chậm chạp, không thể làm việc nặng.
Tuổi gần 50, chị Tuyết nhiều lúc như đứa trẻ. Từ ngày kết hôn năm 32 tuổi, chị ở nhà làm nội trợ, để nỗi lo cơm áo gạo tiền cho chồng. Chị quên cách đi xe máy, quên cả tấm bằng và những kiến thức từ hồi học trung cấp dược.
Với ba mẹ con chị, chồng là nguồn sống, theo tất cả mọi nghĩa. Họ không chuẩn bị gì để đối diện với bi kịch mất anh.
Từ ngày chồng qua đời, ba mẹ con “sống trong vỏ ốc”, chỉ biết nương tựa vào em trai và các dì. Chị bán căn nhà trên đường Cô Bắc, quận 1 – nơi “chôn nhau cắt rốn” - để chuyển đến nơi rẻ hơn ở quận Bình Thạnh, cách nhà cũ 5 km.
Quyết định ấy đưa cuộc đời ba mẹ con vào một lối rẽ mới khó khăn hơn.
Hai anh em chơi đá bóng với nhau ở con hẻm gần nhà. Không có bóng nên chúng chơi bằng trái tennis.
Người thân cầm cuốn sổ đỏ của căn nhà mới cùng số tiền bán nhà cũ còn dư, lại dùng tên chị vay ngân hàng chính sách thêm 50 triệu, rồi biệt tăm. Nhà không sổ, chị chạy vạy đủ nơi mà không cách nào đăng ký tạm trú cho ba mẹ con. Các khoản hỗ trợ vì thế đứt dần, bởi con chị không còn trong danh sách trẻ mồ côi của quận 1, nhưng lại chẳng thể điền tên vào quận Bình Thạnh. Cán bộ phường và công an khuyên thưa kiện để đòi lại sổ, nhưng chị chưa biết làm thế nào.
Chị giờ thất nghiệp, nhưng phải gánh khoản nợ trả góp cho nhà nước, và xoay xở tiền nuôi con. Chỉ biết trông vào tiền hỗ trợ. Nhiều tháng không đủ tiền đóng học, chị trộm nghĩ hay cho con gái nghỉ để con trai lớn đi học, nhưng rồi không nỡ.
Có tháng, chị bán chiếc xe đạp nhà hảo tâm tặng con trai cũng chỉ được 500 nghìn, không đủ tiền đóng học. Ruby năn nỉ mẹ đập ống heo vốn là “quỹ tiết kiệm để mua nhà và thuốc chữa bệnh cho mẹ”, góp từng tờ một, hai ngàn.
Một năm sau khi chồng mất, chị Tuyết đưa con đi khám sức khỏe tinh thần tại bệnh viện, theo chương trình hỗ trợ cho trẻ mồ côi do Covid. Gold được bác sĩ chẩn đoán trầm cảm. Lúc ấy chị mới hiểu tại sao thằng bé suốt mấy tháng chỉ im lặng, đi học rồi nhốt mình trong phòng. Chị tự trách mình, nhưng loay hoay chẳng biết giúp con thế nào, chỉ vỗ về “mọi thứ đã có mẹ lo". Nhưng lo sao thì chị vẫn chưa biết.
Chị đã tính bán cả chiếc nhẫn cưới - thứ đã được linh mục làm phép ngày anh chị kết hôn, nhưng rồi không đành. Đó là kỷ vật duy nhất của chồng, khiến chị cảm giác anh vẫn quanh quẩn, phù hộ cho ba mẹ con.
Hai năm sau Covid-19, Gold vẫn né tránh nói về chuyện ba mất, như thể không nhắc tới thì sẽ quên đi. Trong khi, Trân chỉ chờ được hỏi về ba là lại tuôn ra một tràng ký ức, không nín được, như thể đã cất trong lòng rất lâu chờ dịp nói ra.
Sau những ngày tháng mà Gold gọi là “biến cố”, cậu tự đặt việc học của hai anh em vào một sự quản lý chặt chẽ. Cậu bé làm tất cả bài tự học, bài thầy cô giao, và cả bài tìm được trên mạng, kỳ nào cũng đạt học sinh giỏi. Gold nghiêm túc khuyên bảo khi em không đạt được kết quả tốt, mỗi lần như vậy Ruby lại bối rối thanh minh “em cố lắm rồi mà".
Hai đứa trẻ bảo nhau tối giản hoá mọi nhu cầu đến mức thấp nhất. Nhiều ngày mẹ không có tiền mua thức ăn, hai anh em thổi cơm trắng chan tương ăn hết một tô đầy. Chúng cũng không đi chơi với bạn, kể cả hàng xóm, mà chỉ quanh quẩn với nhau trong 4 bức tường căn hộ.
Trước mẹ và em, Gold lúc nào cũng tỏ ra mạnh mẽ. Nhưng nhiều đêm, khi cả nhà đi ngủ, cậu ngồi dưới bàn thờ ba, thì thầm cầu nguyện: “Mất ba tụi con khổ quá. Nhưng con sẽ cố gắng lo cho mẹ và em. Ba hãy phù hộ cho tụi con".
Gold thường xuyên đốc thúc em gái Ruby học bài mỗi tối. Hai anh em không bao giờ đi học thêm, chỉ tự học ở nhà.
“Thời gian vượt qua nỗi đau của mỗi đứa trẻ là khác nhau. Có người cần 3 tháng, 1 năm, thậm chí 10 năm hoặc cả đời", chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, Phó giám đốc Chương trình Tâm lý học, Đại học Hoa Sen, nói.
Theo ông, việc tránh không nhắc tới, cố quên đi, hay lo lắng quá mức là dấu hiệu cho thấy trẻ cần trợ giúp để hồi phục sau sang chấn. Sự giúp đỡ ấy gồm nâng đỡ bên ngoài từ xã hội để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sống cơ bản; và sức bật tinh thần từ bên trong - đến từ nội lực của mỗi đứa trẻ, và sự chia sẻ của người thân - những “cha, mẹ” thay thế. Thiếu một trong hai, hoặc sự giúp đỡ đứt gãy giữa chừng, đều có thể khiến quá trình hồi phục của chúng khó khăn hơn.
Mồ côi mong Tết
Những ngày cuối năm báo hiệu một mùa lễ hội nối tiếp nhau, nhà Xu, O, Sóc vẫn chưa hề có dấu vết gì của Tết. Bữa cơm chỉ có ba chị em. Cậu đi làm từ 7h sáng, và thường về nhà vào tối muộn. Tụi nhỏ cần gì, ông cũng cố gắng đáp ứng. Thứ duy nhất ông không cho được là thời gian bên lũ trẻ.
Ba đứa nhỏ thường ngồi túm tụm giữa khoảng trống duy nhất trong phòng khách rộng hơn 10 m2, chúi mũi vào màn hình máy tính bảng chơi game, hoặc ngồi coi livestream của các game thủ. Sau dịch, game là nơi trú ẩn của chúng khỏi nỗi buồn.
Ông Long giờ là trụ cột lo cho ba đứa nhỏ. Năm đầu sau Covid, những khoản hỗ trợ từ nhà nước và nhà hảo tâm đỡ cho ông phần nào.
TP HCM ban hành chính sách riêng - Nghị quyết 02/2022 và tiếp nối là Nghị quyết 35/2023 - để hỗ trợ những trẻ mồ côi vì Covid khoản tiền từ 480 nghìn đến 1,2 triệu một trẻ mỗi tháng, tuỳ trường hợp. Cùng với đó, nhiều tổ chức, cá nhân được vận động đóng góp cho các em như Mẹ đỡ đầu, Vòng tay yêu thương, Quỹ Thiện Tâm…
Thế nhưng, những người nuôi dưỡng như ông Long, chị Tuyết không tránh khỏi cảm giác bấp bênh lo các nguồn hỗ trợ đứt gãy.
Năm 2022, 1.541 trẻ mồ côi do Covid được nhận bảo trợ của các mẹ đỡ đầu đến năm 18 tuổi, từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng hàng tháng. Sóc nằm trong số này, được đỡ đầu bởi một người mẹ từ Hải Phòng mà em chưa từng gặp mặt. Nhận được mấy tháng, ông Long không thấy mẹ đỡ đầu chuyển tiền nữa, nhưng không hỏi vì “người ta tự nguyện mà”.
Cũng năm ngoái, có tổ chức hứa hẹn hỗ trợ các bé đến năm 18 tuổi, nhưng cuối năm lại ngưng “mà hổng thấy nói gì”. Ông gọi hỏi, họ nói để coi, rồi bặt vô âm tín. Những chuyến viếng thăm của các nhà hảo tâm cũng ít dần lại.
“Lúc đầu ký giấy tôi không hỏi họ có hỗ trợ dài hơi không. Không có chắc tôi mệt lắm. Giờ có mình tôi à”, ông Long bất an.
Hai đứa trẻ dưới 18 tuổi vẫn còn nhận vài triệu tiền từ thiện mỗi tháng từ các quỹ khác nhau, nhưng ông không dám chắc sự cưu mang ấy có bền vững như lời hứa. Khoản lương tháng chưa tới 10 triệu của ông không đủ để lo cho ba đứa trẻ.
Khó khăn hơn ông Long, chị Tuyết giờ chỉ biết trông vào những khoản tiền nhỏ giọt từ người dì gần 70 tuổi, và hỗ trợ của các tổ chức đã hứa hẹn từ năm 2021. Chị từng cố gắng đi dọn nhà mướn, bóc hành tỏi thuê, nhưng được vài bữa, người ta cho nghỉ. Chị quá chậm để đáp ứng tiêu chuẩn trong thời đại tốc độ. Từ khi một số khoản hỗ trợ đứt gãy, chị chạy lòng vòng từ quận Bình Thạnh sang quận 1, cố vượt qua mặc cảm của cái nghèo, tìm cách nối lại tất cả để các con có cái Tết đầy đủ, nhưng vẫn chưa có kết quả.
Hai anh em Gold và Ruby luôn tự chơi với nhau tại nhà, ít khi ra ngoài.
Việc các chương trình đồng hành và hỗ trợ trẻ mồ côi do Covid không liên tục hoặc đứt gãy là thực tế không mong muốn, theo Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Phạm Đình Nghinh. Giai đoạn 2022-2023 kinh tế khó khăn, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mất nguồn thu, nên việc vận động nguồn lực hỗ trợ các em khó và ít đi.
“Chúng ta cần hết sức tránh để các em và người thân có cảm giác bị bỏ rơi và chịu tổn thương thêm lần nữa", ông nói. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình trưởng thành, nhất là tâm lý trẻ.
Tuy nhiên, đây phải là nỗ lực từ cả hai phía. Cơ quan quản lý nhà nước tại cơ sở có vai trò quyết định giúp việc trợ giúp trẻ được liên tục. Khi một nguồn hỗ trợ có nguy cơ đứt gãy, chính quyền cần có hướng can thiệp phù hợp. Gia đình cũng cần chủ động thông báo đến địa phương nếu bị dừng trợ cấp đột ngột.
“Đừng để chính sách có rồi, nhưng vẫn tồn tại trường hợp dù đúng đối tượng mà không nhận được hỗ trợ”, ông nói.
Gold và Ruby đếm từng ngày mong Tết. Bởi Tết sẽ được lì xì, tức là có tiền để đưa cho mẹ đóng học và mua đồ ăn mỗi ngày. Còn Xu, O, Sóc nửa mong Tết, nửa không. Tết là ngày được đi thăm các mẹ, nhưng cũng nhắc chúng nhớ họ đã ra đi gấp gáp thế nào.
5 đứa trẻ chẳng ước mơ gì xa xôi. Lần nào đi viếng ba, Gold cũng cầu nguyện cho mẹ không phải lo tiền học nữa. Còn Xu chỉ ước hai điều: các em được đi học hết cấp 3, và căn phòng dột sớm được sửa sang để những đêm mưa, giấc ngủ không còn ướt át.
(*) Việc sử dụng hình ảnh các bé trong bài đã được sự cho phép của các em và gia đình
Nội dung: Thu Hằng
Ảnh: Phùng Tiên
Chương trình Tết Hy vọng 2024 được Quỹ Hy vọng (do FPT và VnExpress vận hành) thực hiện với mục tiêu mang đến mùa Tết ấm áp cho các em nhỏ mồ côi. Người FPT có thể đồng hành cùng chương trình tại đây.
Ý kiến
()