Người F toàn cầu: Tết xa hóa gần - Chỉ cần có nhau
Tuy không “đủ vị” của một cái Tết Việt trọn vẹn, người F phương xa vẫn tìm những vị Tết cho riêng mình, kết nối với những người yêu thương theo nhiều cách khác nhau, đủ để cảm thấy ấm lòng mùa đoàn viên.
Tuy rất bận rộn cho công việc cuối năm, tôi vẫn cố gắng đặt mua một cặp bánh chưng trên đất Đức. Dù đắt đỏ và không dễ kiếm nhưng với tôi, đây là hương vị đặc trưng của ngày Tết Việt Nam. Thấy bánh chưng là thấy Tết.
Hơn 25 năm qua, chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ bỏ lỡ một cái Tết nào. Tết với tôi là gia đình, là sau một năm trời bôn ba khắp nơi được về nhà nấu cho gia đình những món ăn ngon học được trong những năm tháng sống một mình nơi đất khách.
Tuy nhiên, năm nay, với tình hình dịch vẫn còn phức tạp, tôi quyết định sẽ chuẩn bị đón Tết theo kiểu “thích ứng”. Sẽ không còn cảnh buồn, ủ rũ như năm trước, năm nay, tôi đón Tết với cả nhà theo tinh thần mới. Tôi cũng sẽ chuẩn bị mâm ngũ quả, bánh trái cố gắng làm sao giống với đặc trưng ngày Tết nhất. Rồi cũng thức đón giao thừa, mừng tuổi online…
Tôi biết đây là nỗi niềm chung, không chỉ riêng mình. Đồng nghiệp nào cũng ít nhất 2 năm chưa gặp được người thân, ít nhất 2 cái Tết rồi không được về nhà. Tuy nhiên, niềm động viên lớn nhất chính là tình cảm, sẻ chia của thành viên FPT Germany. Ở đây, mọi người như đại gia đình, quan tâm giúp đỡ nhau mọi lúc có thể.
Ngoài ra, với vị trí là người làm phong trào nội bộ, Tết cũng là một dịp rất ý nghĩa để tôi có thể đưa văn hóa Tết Việt đến với các bạn đồng nghiệp nước ngoài. Tôi luôn cố gắng lan toả hình ảnh Tết đến những đồng nghiệp tại Đức.
Văn hóa FPT có cái gì đó lạ lắm, quen rồi thì không thể nào dứt ra được. Hơn thế nữa, FPT giúp tôi trưởng thành hơn từng ngày, cả trong công việc cũng như cuộc sống. Tôi mong ngay khi dịch bệnh qua đi, sẽ có những sự kiện lớn hơn nữa cho tập thể FPT châu Âu, để những đồng nghiệp nước ngoài có thể hiểu được thêm văn hóa Việt Nam, để người F có dịp giao lưu với nhau nhiều hơn, tự hào hơn về FPT trên khắp mọi miền và cả thế giới.
10 năm sinh sống tại xứ chùa tháp, 7 năm làm việc ở FPT, tôi mới chỉ ăn Tết ở Việt Nam đúng một lần. Hai năm nay, dịch bệnh lại bùng phát, mãi đến Tết 2021 Campuchia gần như vẫn chưa tiếp cận được vaccine. Nếu về thăm nhà thì mất hết 2 ngày di chuyển và 28 ngày cách ly ở cả Việt Nam và Campuchia. Thêm vào đó, tình trạng quá tải khi cách ly tập trung càng khiến nguy cơ lây nhiễm Covid tăng cao.
Tại FPT Telecom Campuchia (Opennet), một số anh em rơi vào hoàn cảnh lần đầu xa nhà, mới sang 6 tháng đã bị "kẹt" lại ăn Tết ở Campuchia, trong khi bình thường chỉ mất 10 đô là có thể về TP HCM trong 5 tiếng. Điều này khiến họ bị sốc, nhất là các bạn trẻ.
Đặc trưng công việc hành chính của tôi có nhiều việc không thể xử lý online. Vậy nên, tôi quyết định ăn Tết âm lịch ở Campuchia - xem như một trải nghiệm và lan tỏa tinh thần với đồng nghiệp. Có những mùa Tết, gọi điện về nhà chỉ chực rơi nước mắt, nhưng tôi dặn mình kìm nén cảm xúc để tránh làm ảnh hưởng không khí vui vẻ ở quê nhà.
Tuy ở một mình và nhà đi thuê, tôi cũng giữ phong tục giống Việt Nam, cũng có làm bàn thờ, cũng sắm sửa Tết. Tôi không muốn căn phòng chỉ là một chốn trọ đơn điệu để đi về sau giờ làm.
Trước Covid, chúng tôi thường chia làm hai nhóm - nhóm về nước từ 25 tháng Chạp đến mồng 2 Tết, nhóm còn lại từ mồng 2 đến mồng 9 - để ai cũng có Tết. Nhưng hai năm nay, mọi việc đã khác.
Năm nay, chúng tôi có gần 60 người từ cả 5 nhà công vụ trải dài Bắc - Trung - Nam từ Phnom Penh và 7 tỉnh thành Campuchia ăn Tết ở nước bạn. Các nhà đều sắm sửa “đủ vị Tết” - cũng có hoa mai, lạp xưởng, bánh chưng, mứt dừa…mua từ các siêu thị Việt. Chúng tôi cùng nhau gói bánh chưng, tổ chức bữa cơm tất niên “gia đình”, thắp hương cúng giao thừa, cùng những bạn gốc Hoa đi chùa Tết.
Với tôi, Tết đã đến từ đầu tháng Chạp trong công tác hậu cần cho anh chị em. Ít nhất tại Phnom Penh, chúng tôi còn có khá nhiều đồng nghiệp quây quần. Còn ở tỉnh, có những người chỉ có một mình ở chi nhánh. Tôi luôn cố gắng đặt mình vào vị trí họ để hỗ trợ, động viên.
Năm nay, sau khi thắp hương giao thừa khấn nguyện, chúc Tết online với gia đình Việt Nam, chúc Tết các nhà công vụ, lễ chùa…. tôi lên kế hoạch mồng 1 sẽ đạp xe đạp một vòng Phnom Pênh.
Sang năm mới của cuộc sống bình thường mới, tôi mong mọi người đều bình an, có thêm nhiều cơ hội học hỏi, trải nghiệm và đạt những mục tiêu đề ra, và sẵn sàng linh hoạt đối mặt trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Suốt 7 năm qua, tôi không thể về quê nhà đón Tết. Thời điểm bắt đầu năm Âm lịch mới cũng thường là lúc khối lượng công việc nhiều hơn, khiến tôi đành “chôn chân” ở Mỹ 7 năm. Vợ tôi cũng 6 năm chưa về Việt Nam.
Xin nghỉ thời gian dài rất khó với đặc thù công việc của tôi, thêm vào đó, dịch Covid-19 hoành hành 2 năm qua khiến các quốc gia cũng hạn chế đi lại. Gia đình chọn ở lại đón những cái Tết đơn giản với bánh chưng, trưng mấy cành mai mua ở chợ, vợ tôi vào bếp nấu vài món truyền thống nhưng nguyên liệu cũng “thiếu trước hụt sau” rồi bày biện cùng đón Tết.
Tuy cách Việt Nam nửa vòng trái đất, làm việc ở FPT cho tôi cơ hội có những cái Tết đậm vị. Những cái Tết trước 2020 là vô vàn những hoạt động vui vẻ, như tất niên và đón Tết tại công ty, thăm hỏi và chúc Tết đồng nghiệp, đi lễ chùa đầu năm…
Hai năm qua, Tết qua đi nhanh hơn, không khí cũng lắng xuống do ảnh hưởng của dịch. Nhưng tại lễ tổng kết cuối năm, tình hình kinh doanh vẫn đạt kết quả khả quan dù ảnh hưởng Covid khiến tôi vững tin vào tương lai phía trước.
Gia đình tôi vẫn giữ phong tục truyền thống vào những ngày Tết. Bàn thờ không có, nhưng dịp đặc biệt như Tết hay giỗ ông bà, vợ chồng đều cung kính bày biện một góc, mua hoa quả về làm lễ. Xa nhà thời gian dài, tôi cố giữ nét đẹp truyền thống và dạy dỗ các con gìn giữ ngôn ngữ, phong tục tập quán quê nhà, lì xì lấy lộc đầu năm không có tiền Việt Nam thì thay bằng tiền Mỹ…
Những người làm việc toàn cầu như tôi nhận ra, đón Tết đúng nghĩa rất khó. Nếu như ở Việt Nam, Tết là dịp để hội ngộ, thăm hỏi họ hàng, người thân thì với những người xa nhà như tôi, mọi thứ chỉ diễn ra qua những cuộc điện thoại. Nhưng với tôi, Tết vẫn đặc biệt dù có cách xa ngàn vạn cây số. Đó cũng là dịp để tôi nhớ về những ngày còn ở Việt Nam, kỷ niệm cùng gia đình, bạn bè qua hồi ức cũ.
Chúng tôi thường gọi về cho bố mẹ vào đúng giao thừa ở Việt Nam - rơi vào khoảng 8h sáng ở Mỹ - nếu vào cuối tuần, hoặc sáng mồng 1 Tết - khi các bé đi học về vào chiều tối, để chúc mừng và hòa chung không khí xuân ở quê nhà. Ngày thường, các cháu vẫn hay gọi cho ông bà để nói chuyện, nhưng nỗi nhớ của hai bên vẫn thường trực.
Thứ Bảy, Chủ Nhật tuần cuối trước Tết, vợ chồng tôi mới có thể tạm gác công việc bận rộn để đến khu chợ Việt mua vài cành mai, hoa quả, kẹo mứt, pháo nhỏ… cho trẻ con và gia đình cùng đón Tết ấm áp bên nhau.
Vợ chồng tôi vẫn theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, mong mùa hè năm tới, con cháu sẽ về đoàn tụ ở quê hương.
Trước thềm năm mới, mong gia đình, anh em đồng nghiệp và người dân Việt Nam đều khỏe mạnh và chiến thắng dịch bệnh. Chúc mọi người năm mới nhiều sức khỏe, may mắn và thành công.
Tôi qua Singapore từ khi còn bé - ngay khi tốt nghiệp cấp 2, chủ yếu là từ niềm đam mê học tiếng Anh và thấy Singapore là một đất nước hiện đại, phát triển nên muốn thử thách, khám phá. Bén duyên với “đảo quốc sư tử”, song niềm tự hào dòng máu Việt khiến tôi tìm hiểu nhiều về các công ty Việt Nam đang hoạt động tại Singapore.
Ban đầu, tôi biết đến FPT chỉ với ý nghĩ đơn giản đây là công ty rất lớn tại Việt Nam. Qua 2 giờ phỏng vấn, tôi lại càng hứng thú vì ở đây có những người trẻ năng động, tài giỏi và nhiệt huyết. Trong đó, sự gắn kết qua các hoạt động phong trào là khác biệt rất lớn giữa FPT và những công ty khác tại Singapore.
Thời khắc Tết đang chạm ngõ cũng là lúc tròn 2 năm tôi phải ăn Tết xa nhà. Trước dịch, cứ vài tháng tôi lại về Việt Nam một lần. Nhưng 2 năm rồi, Covid khiến mọi chuyến bay về thăm nhà đều trở nên khó khăn. Tôi quyết định ở lại Singapore và tập thích nghi dần với những cái Tết xa xứ.
Thời gian đầu, tôi rất nhớ nhà, gọi video thấy bố mẹ chuẩn bị mâm ngũ quả đón giao thừa mà nước mắt chực trào. Tuy nhiên, tôi may mắn luôn có bạn bè, đồng nghiệp FPT ở bên. Càng gần dịp Tết, công ty lại có thêm nhiều sự kiện lớn nhỏ để kết nối cán bộ nhân viên, phần nào giúp tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Đây là Tết thứ 11 tôi ở Singapore để học tập và làm việc. Tết vẫn đặc biệt thiêng liêng với tôi. Tuy không hồi hộp và háo hức như xưa, tôi vẫn luôn mong muốn được hưởng vị Tết trọn vẹn. Nhờ anh chị đồng nghiệp luôn sáng tạo và tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nên mọi người ở đây rất gắn bó và ấm áp. Tôi luôn coi họ như gia đình.
Hai năm qua, tôi có hai dấu mốc lớn của cuộc đời: lập gia đình và sinh em bé, nhưng vẫn chưa thể về nước. Những ngày cuối năm 2019, khi lên máy bay để cùng đón giao thừa bên gia đình ở Việt Nam, tôi không nghĩ đây là lần gần nhất tôi về quê nhà. Đám cưới của chúng tôi được tổ chức online. Tôi vẫn mong sớm quay lại quê hương để họp mặt cùng hai gia đình.
Tại Nhật Bản, tôi vẫn thường trang trí nhà cửa dần từ Tết dương lịch đến Tết Nguyên đán. Vốn thích nấu ăn, tôi tự tay chuẩn bị các món đặc trưng dịp Tết như gói bánh chưng, bánh tét, làm các món nhắm… Mồng 1 Tết, vợ chồng thường họp mặt cùng bạn bè, ăn bữa cơm chung tại nhà.
Năm nay, trước Tết Việt hơn một tuần, tôi chỉ kịp mua mấy bó hoa về cắm vào chậu rồi thực hiện nghĩa vụ quan trọng: sinh con. Sinh con mùa Covid-19 nơi xứ người, hai chữ có thể diễn tả tình cảnh là cô đơn. Lúc đến viện, cả hai vợ chồng mắt đỏ au vì không thể đồng hành vào thời khắc quan trọng. Tôi ở viện 9 ngày nhưng anh không được vào thăm. Đôi lúc buồn kinh khủng, nhưng ráng chịu.
Không chỉ những người làm việc nước ngoài, bất kỳ ai đón Tết xa nhà đều chung cảm xúc ngậm ngùi khó tả. Nhưng dù ở đâu, tôi vẫn cố gắng tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc ý nghĩa này bên gia đình nhỏ và bạn bè.
Năm nay, gia đình tôi không bày mâm cỗ hoành tráng như trước nhưng vẫn có bữa cơm đoàn viên ấm cúng bên nhau vào mồng 1. Đặc biệt, sự có mặt của bé con vừa chào đời sẽ giúp những ngày Tết của gia đình ấm áp hơn.
Có thời gian rảnh, chúng tôi sẽ gọi video về nhà. Và ngày đầu tiên của năm mới thì đặc biệt hơn, chúng tôi sẽ dậy sớm, xúng xính quần áo rồi cùng chúc Tết, mừng tuổi gia đình, họ hàng hai bên qua màn hình iPad.
Là một người Việt ở nước ngoài, tôi vẫn tự hào mỗi khi nhắc đến FPT. Nơi đây, tôi đã gặp một nửa của mình và những đồng nghiệp tuyệt vời. Gia đình tôi ở quê nhà không thể sang thăm cháu hay hỗ trợ vợ chồng nhưng thật hạnh phúc khi tôi có đồng nghiệp FPT Japan hỗ trợ và giúp đỡ rất nhiều.
Năm mới, tôi mong gia đình, bạn bè và mọi người sẽ luôn yêu thương để cùng nhau phát triển. Cầu chúc những người mà tôi yêu thương và tất cả mọi người sẽ bình an, may mắn và hạnh phúc.
Chúng ta
Ý kiến
()