Nhóm quỹ ngoại Dragon Capital vừa báo cáo thay đổi về sở hữu tại Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã: FRT). Theo đó, nhóm quỹ này mua vào tổng cộng 560.750 cổ phiếu.
Cụ thể, DC Developing Markets Strategies PLC mua thêm 100.750 cổ phiếu; Hanoi Investment Holdings Limited nâng sở hữu từ 2,409 triệu đơn vị lên 2,569 triệu đơn vị. Trong khi đó, KB Vietnam Focus Balanced Fund, Aquila SPC Ltd và Vietnam Co-Investment Fund cùng sở hữu thêm 100.000 cổ phiếu FRT.
Tổng cộng sau giao dịch, nhóm Dragon Capital nâng sở hữu cổ phiếu FRT từ 11,56 triệu đơn vị lên 12,12 triệu đơn vị, tương ứng tăng tỉ lệ sở hữu từ 16,825% lên 17,642%.
Sở hữu của từng quỹ nhóm Dragon Capital. Nguồn: DC |
Trên thị trường, FRT giao dịch tại vùng giá 48.000 - 54.000 đồng/cổ phiếu trong ba tháng gần đây. Trong vòng 10 ngày, cổ phiếu FRT đang dần tăng trở lại. Từ mức khoảng 48.900 đồng/cp hôm 4/6, mã FRT đang tăng lên mức khoảng 53.100 đồng/cp vào hôm nay 18/6. Với 12,12 triệu đơn vị, ước tính tổng giá trị cổ phiếu FRT mà Dragon Capital đang sở hữu khoảng 641,3 tỉ đồng.
Giá cổ phiếu đang thấp cũng là vấn đề tâm tư của Chủ tịch nhà Bán lẻ - chị Nguyễn Bạch Điệp. Cách đây gần 1 năm (ngày 26/4/2018), 40 triệu cổ phiếu FPT Retail lên sàn Chứng khoán TP HCM (HoSE) với giá tham chiếu 125.000 đồng/cổ phiếu. Mã FRT đã tăng hết 20% phiên đầu tiên, lên 150.000 đồng. vốn hóa thị trường FPT Retail tương ứng 6.000 tỷ đồng. Sau 2 phiên trần, cổ phiếu FRT giảm dần đều. Hiện thị giá đang trong khoảng 53.000 đồng/cổ phiếu.
Vấn đề giá cổ phiếu thấp được lãnh đạo nhà Bán lẻ đánh giá là quan trọng, nóng hổi, thực tế. Chị Điệp thừa nhận doanh nghiệp vừa lên sàn năm ngoái, ban điều hành chưa có nhiều kinh nghiệm về giá cổ phiếu. Tuy nhiên, hiện giá cổ phiếu đang được giao dịch khá xa so với giá trị thật.
Người đứng đầu nhà Bán lẻ lập luận, giá thị trường của FPT Retail nếu chia đều cho tổng số cửa hàng (gồm cả Long Châu và FPT Shop), mỗi cửa hàng có giá khoảng 5,5 tỷ đồng. Tính toán so sánh với chi phí đầu tư, tồn kho, chi phí thương hiệu, đầu tư website cho việc xây dựng mỗi cửa hàng, giá này hoàn toàn không hợp lý. Để cải thiện, nhà Bán lẻ đang nhờ tư vấn, sắp tới sẽ có một số hành động để cải thiện thanh khoản cho cổ đông, chị Nguyễn Bạch Điệp khẳng định.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 15/6, FPT Retail chốt quyền trả cổ tức năm 2018 với tỉ lệ 10% bằng tiền mặt. Hiện, Tập đoàn FPT là cổ đông lớn nhất sở hữu 46,53 triệu cổ phiếu FRT, như vậy FPT sẽ nhận được số tiền cổ tức là 46,53 tỉ đồng.
Sáng nay (ngày 18/6) tại Tân Thuận (quận 7, TP HCM) và Cầu Giấy (HN), FPT Retail vừa Đại hội cổ đông bất thường năm 2019 quyết định bổ sung 2 ngành, nghề kinh doanh là bưu chính và chuyển phát.
Báo cáo trước đại hội, FPT Retail cho biết công ty muốn đăng ký thêm 2 ngành này là để bổ sung lĩnh vực hoạt động chuyển phát thư tín, hàng hóa cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đề tận dụng các nguồn lực sẵn có của công ty (mạng lưới cửa hàng rộng khắp cả nước, nguồn nhân lực lớn,...) nhằm tăng hiệu quả kinh doanh cho công ty.
Lý giải về ngành mới, Chủ tịch kiêm CEO Nguyễn Bạch Điệp cho rằng các doanh nghiệp lớn trong ngành như Thế giới Di động đã có sẵn giấy phép nên rất linh hoạt trong quá trình hoạt động. “Việc có giấy phép sẽ giúp chúng tôi tối ưu việc vận hành, chẳng hạn mua xe tải để vận chuyển hàng hóa cũng nhanh và tiện hơn. Xa hơn, giấy phép giúp FPT Retail luôn ở thế sẵn sàng cho mảng kinh doanh mới trong tương lai”.
Chia sẻ với cổ đông, Chủ tịch Nguyễn Bạch Điệp cho hay, kết thúc tháng 5, FPT Retail ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.666 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với 5 tháng đầu năm 2018. Đặc biệt, doanh thu mảng thương mại điện tử tăng trưởng ở mức 46% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 151 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế FPT Retail theo đó đạt 119 tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm 2018.
>> FPT Retail lần đầu lọt Top công ty niêm yết tốt nhất của Forbes
Tân Phong
Ý kiến
()