Chúng ta

Chị Nguyễn Bạch Điệp: ‘Mở ngành mới để tối ưu nguồn lực’

Thứ ba, 18/6/2019 | 11:08 GMT+7

Người đứng đầu nhà Bán lẻ cho rằng, việc kinh doanh thêm 2 ngành nghề mới là bưu chính và chuyển phát giúp công ty tận dụng các nguồn lực sẵn có và sẵn sàng cho những cơ hội mới trong tương lai. 

Sáng nay (ngày 18/6) tại FPT Tân Thuận (quận 7, TP HCM) và FPT Cầu Giấy (HN) Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) vừa Đại hội cổ đông bất thường năm 2019 qua hình thức trực tuyến. Sự kiện nhằm xin ý kiến cổ đông về việc sửa đổi điều lệ công ty và bổ sung 2 ngành, nghề kinh doanh là bưu chính và chuyển phát.

Báo cáo trước đại hội, FPT Retail cho biết công ty muốn đăng ký thêm 2 ngành này là để bổ sung lĩnh vực hoạt động chuyển phát thư tín, hàng hóa cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đề tận dụng các nguồn lực sẵn có của công ty (mạng lưới cửa hàng rộng khắp cả nước, nguồn nhân lực lớn,...) nhằm tăng hiệu quả kinh doanh cho công ty.

VAN-7979-JPG-6135-1560830203.jpg

Chủ tịch kiêm CEO Nguyễn Bạch Điệp chia sẻ với cổ đông về cơ hội trong lĩnh vực mới: "Đây là bước chuẩn bị cho các hướng đi mới trong tương lai".

Lý giải về ngành mới, Chủ tịch kiêm CEO Nguyễn Bạch Điệp cho rằng các doanh nghiệp lớn trong ngành như Thế giới Di động đã có sẵn giấy phép nên rất linh hoạt trong quá trình hoạt động. “Việc có giấy phép sẽ giúp chúng tôi tối ưu việc vận hành, chẳng hạn mua xe tải để vận chuyển hàng hóa cũng nhanh và tiện hơn. Xa hơn, giấy phép giúp FPT Retail luôn ở thế sẵn sàng cho mảng kinh doanh mới trong tương lai”.

Với lĩnh vực chuyển phát, giao nhận, nhà Bán lẻ hướng đến mục đích phục vụ cho các hoạt động nội tại của công ty và sẵn sàng cho các hợp tác với đối tác. Cụ thể, công ty đã đầu tư xe tải nhỏ tại 2 đầu Hà Nội và TP HCM dùng để vận chuyển hàng hóa giữa các cửa hàng thay vì phải thuê ngoài. Việc này giúp tiết kiệm được khoảng 15% - 20% chi phí vận chuyển. FPT Retail cho biết sẵn sàng cho các hướng đi hợp tác mới trong tương lai có liên quan đến ngành nghề này.

Theo ‘nữ tướng’ nhà Bán lẻ, gần đây đơn vị cũng đã thử nghiệm và chính thức triển khai mảng bán lẻ thuốc. Dự kiến vài năm tới lĩnh vực mới sẽ tăng trưởng, thậm chí đóng vai trò dẫn dắt chính. "Tuy nhiên, FPT Retail không dừng lại ở câu chuyện chờ mảng nhà thuốc tăng trưởng xong mới đi tìm cái mới nữa, như vậy là chậm chân", chị Điệp nói và ví von, cách làm này giúp đơn vị chủ động khi “mảng nhà thuốc bước vào giai đoạn ‘thanh xuân’, FPT Retail sẽ khởi nghiệp một lĩnh vực mới”. 

Những năm gần đây, FPT Retail đang liên tục mở ra những hướng kinh doanh mới, mà nổi bật nhất là việc phát triển chuỗi nhà thuốc Long Châu. Mới đây, FPT Retail còn bắt tay với Nguyễn Kim để bán đồ điện máy trên website của FPT Shop. Và gần nhất, nhà Bán lẻ trở thành đơn vị đầu tiên trong ngành bổ sung tính năng mua hàng xuyên biên giới trên website. FPT Retail đã ký thỏa thuận hợp tác với Fado, một công ty thương mại điện tử xuyên biên giới có 2 đối tác chính là Amazon và Alibaba. Fado sẽ chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hàng hóa, còn FPT Retail đảm nhận dịch vụ cung ứng hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam, tương tác với khách hàng trong nước. Đây là tính năng mới chỉ có trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada hay Shopee.

Tại Đại hội, các cổ đông đã biểu quyết thông qua 2 nội dung, bao gồm: sửa đổi bổ sung điều lệ công ty và bổ sung ngành, nghề kinh doanh. Theo đó, điều lệ công ty đã được điều chỉnh tại khoản 3 điều 24 và khoản 2 điều 25 để phù hợp với với quy định pháp luật hiện hành cũng như các yêu cầu quản trị, điều hành.

Hiện nay, FPT Retail có 3 chuỗi cửa hàng chính, là FPT Shop, nhà thuốc Long Châu và F.Studio. Năm 2018, công ty đạt doanh thu thuần gần 15.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 348 tỷ đồng. 

Chia sẻ với cổ đông, Chủ tịch Nguyễn Bạch Điệp cho hay, kết thúc tháng 5, FPT Retail ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.666 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với 5 tháng đầu năm 2018. Đặc biệt, doanh thu mảng thương mại điện tử tăng trưởng ở mức 46% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 151 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế FPT Retail theo đó đạt 119 tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm 2018.

Mới đây (ngày 3/6) FPT Retail đã vào danh sách “50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2019” do Forbes Việt Nam công bố.

>> Chị Nguyễn Bạch Điệp: ‘FPT Shop phải nhanh chân thử ngành mới’

Tân Phong

Ý kiến

()