Chiều ngày 18/11, FPT tổ chức gặp gỡ các nhà đầu tư quý 3. Sự kiện được diễn ra tại hai đầu cầu là Hà Nội và TP HCM với hơn 50 nhà đầu tư tham dự dưới sự chủ trì của CEO Bùi Quang Ngọc. Từ năm 2010, đây là hoạt động định kỳ hằng quý FPT tổ chức gặp gỡ nhà đầu tư để chia sẻ, góp phần làm minh bạch thông tin của FPT trên thị trường.
Anh Nguyễn Thế Phương, PTGĐ FPT, cho biết, thị trường toàn cầu giảm nhưng không ảnh hưởng đến FPT. Kết thúc 9 tháng đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 29.257 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.969 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.270 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3.202 đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.
TGĐ FPT Telecom Nguyễn Văn Khoa chia sẻ với nhà đầu tư. |
Trong đó, FPT Software đạt mốc tăng trưởng 40%, đạt 2.901 tỷ đồng. “Các thị trường chính như châu Á - Thái Bình Dương tăng 41%, châu Âu - 70%, Nhật Bản - 44%, Mỹ - 37%”, anh Phương thông tin.
FPT Retail cũng là điểm sáng với mốc tăng trưởng 53% và lợi nhuận tăng 255%. “Mảng bán hàng online tăng trưởng tốt. Đây là xu hướng và động lực của FPT Retail trong thời gian tới”, PTGĐ FPT kỳ vọng.
Cạnh đó, các mảng khác như khối viễn thông ghi nhận doanh thu tăng 12% và lợi nhuận trước thuế tăng 7% so với cùng kỳ, đạt tương ứng 3.975 tỷ đồng và 815 tỷ đồng. “Định hướng toàn cầu hóa của FPT tiếp tục duy trì kết quả khả quan với doanh thu từ thị trường nước ngoài sau 9 tháng tăng 36% so với cùng kỳ, đạt 3.409 tỷ đồng, tương đương 156 triệu USD”.
Như hầu hết các buổi gặp mặt nhà đầu tư trước đó, phần hỏi đáp chiếm đa số thời lượng của chương trình với nhiều câu hỏi xoáy vào các lĩnh vực kinh doanh của FPT.
Chuyên gia Hoàng Tiên Tri (giữa) của FPT Securities. |
“Mới đây Apple đã mở công ty tại Việt Nam. FPT có dự đoán khi nào họ sẽ mở Apple Store để bán hàng trực tiếp”, một nhà đâu tư nêu câu hỏi. “Apple chỉ mở ở những thị trường mà họ chiếm thị phần đa số. Lấy ví dụ về một thị trường gần và khá giống Việt Nam là Thái Lan, tôi dự đoán ít nhất 5-6 năm nữa Apple mới mở cửa hàng tại Việt Nam”, TGĐ FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp nhận định.
“Dường như FPT chỉ khai thác thế mạnh về giá nhân công và ít chú trọng thị trường trong nước?”, nhà đầu tư chất vấn. Anh Nguyễn Khải Hoàn, PTGĐ FPT Software, cho rằng lợi thế về giá nhân công thấp vẫn là thế mạnh của FPT. “Nhưng không hẳn chỉ có giá bởi ở Việt Nam cũng chỉ có 2-3 công ty phần mềm có nhân sự vượt 1.000 người (FPT Software đang có 8.500 người)”, anh Hoàn nói. “Lợi thế riêng có của FPT là xây dựng được một hệ thống hoàn chỉnh ở những thị trường có tính cạnh tranh cao như Nhật, Mỹ. Cạnh đó, chúng tôi cũng đã và đang xây dựng đội ngũ công nghệ theo xu hướng mới nhất của thế giới”.
TGĐ FPT bổ sung thông tin về câu hỏi trên. Theo anh Ngọc, tập đoàn luôn xác định Việt Nam là thị trường quan trọng nhất. “CNTT trong nước vẫn là mảng chính. Tuy một vài thời điểm không thuận lợi do chính sách và thị trường chung nhưng FPT vẫn luôn nỗ lực cao nhất. Chúng tôi sẽ đi đầu trong xu hướng cho thuê dịch vụ”.
Trong các cuộc gặp nhà đầu tư gần đây, mảng Bán lẻ của FPT luôn nhận được sự quan tâm. |
Giải đáp nhà đầu tư về lĩnh vực Viễn thông, TGĐ FPT Telecom Nguyễn Văn Khoa cho biết, các dự án chuyển đổi hạ tầng từ đồng sang quang của FPT Telecom đang phát huy hiệu quả tích cực, cả thuê bao Internet cho đến dịch vụ Truyền hình. Đơn vị cũng đang đẩy mạnh các dự án mới ở các khu vực nhiều tiềm năng.
Theo chị Nguyễn Thu Hà, mảng đầu tư tài chính của Manulife, các chỉ số của FPT tiếp tục tốt hoặc đang khởi sắc trở lại. "Mức tăng trưởng của FPT ở các lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, viễn thông, bán lẻ đều rất ấn tượng. Tôi tin FPT sẽ cán mốc kế hoạch kinh doanh năm 2015. Và những tin tức gần đây về việc thoái vốn, nới room khiến các nhà đầu tư chờ đợi, kỳ vọng các chính sách sẽ sớm được ban hành", chị Hà nói.
Dự báo về tình hình kinh doanh năm 2016, PTGĐ Thế Phương nhận định, mảng xuất khẩu phần mềm sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, FPT sẽ có những hành động để đón đầu thị trường trong nước.
“Mảng viễn thông vẫn tốt, bán lẻ sẽ tăng trưởng cao. Lĩnh vực phân phối sẽ có những dự án để bổ sung tăng trưởng và mảng giáo dục sẽ tăng trưởng trở lại”, anh Phương tin tưởng.
Sau gần 3 giờ trao đổi, kết luận buổi gặp gỡ, CEO FPT cho rằng tập đoàn sẽ nỗ lực để tăng trưởng lợi nhuận năm 2016 tối thiểu như tăng trưởng 2015. “Cơ sở là các mảng kinh doanh của FPT đều có tín hiệu tích cực”.
>> ‘Chỉ FPT, Vinamilk, Viettel đủ sức vươn toàn cầu’
Nguyên Văn
Ý kiến
()