Chúng ta

FPT đặt mục tiêu tăng tưởng 30% trong 15 năm tới

Thứ sáu, 13/11/2015 | 07:07 GMT+7

Chia sẻ tại diễn đàn thường niên Nikkei Global Management tại Tokyo (Nhật Bản), Chủ tịch FPT khẳng định mục tiêu của tập đoàn là tiếp tục duy trì vị trí công ty CNTT hàng đầu ở Đông Nam Á và hướng tới mức tăng tưởng 30% trong 15 năm tới.

Ngày 11/11, anh Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, đã tham gia diễn đàn được tổ chức thường niên Nikkei Global Management lần thứ 17 tại Tokyo (Nhật Bản) với vai trò diễn giả. Anh Bình cũng là diễn giả duy nhất đến từ Việt Nam và giới công nghệ Đông Nam Á.

Chủ đề của Nikkei Global Management 17 là “Lực đột phá mở ra cánh cửa tương lai” nhằm tìm ra lời giải để tạo những bước đột phá trong quản trị doanh nghiệp vượt qua những thách thức, khó khăn. 

DSCF6621-2859-1447374801.jpg

Nikkei Global Management 17 quy tụ diễn giả là lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực. ẢnhP.T.

Anh Bình nhận định, thế giới đang hướng đến những xu hướng mới như nền tảng SMAC (xã hội, di động, dữ liệu lớn, đám mây) cũng như IoT (Internet of Things - Internet của vạn vật). Dự kiến, sẽ có khoảng 25 tỷ thiết bị được kết nối Internet trong vòng 5 năm tới. Sự chuyển dịch số đó đang ảnh hưởng đến mọi quốc gia, mọi lĩnh vực của đời sống con người và đây là lúc các công ty CNTT chuyển đổi sang nền tảng mới.

“IoT sẽ đem lại cơ hội chưa từng có cho các tổ chức, doanh nghiệp. Đây là xu thế tất yếu cho quá trình đổi mới và ước đoán sẽ mang lại các giá trị tương đương 19.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Hiện, có khoảng 8 tỷ thiết bị kết nối, nhưng đến năm 2020 sẽ lên tới 80 tỷ thiết bị”, Chủ tịch FPT chia sẻ. “Chúng ta đang đứng trước ‘cơn bão IoT’, nếu không theo kịp, sẽ bị nó cuốn đi. FPT cũng không nằm ngoài sự chuyển đổi mạnh mẽ ấy”.

Theo đó, FPT hiện nghiên cứu một số giải pháp về IoT như thành phố thông minh (smart city); giao thông thông minh (các hệ thống quản lý cơ bản như hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông, hệ thống quản lý container, bảng hiệu thông báo, nhận dạng biển số tự động…); trung tâm điều khiển thiết bị gia đình (smart home), xây dựng nền tảng cung cấp các dịch vụ giải pháp cho IoT… “Đặc biệt, FPT đang bắt đầu triển khai các dự án IoT trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe”, diễn giả thông tin.

Trong giai đoạn 2015-2017, FPT mong muốn đi tiên phong trong cuộc cách mạng Smart (thông minh) thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ SMAC vào các hoạt động quản trị và kinh doanh cũng như cung cấp dịch vụ mới cho khách hàng. “FPT kỳ vọng tốc độ tăng trưởng doanh thu nhờ áp dụng SMAC vào hoạt động kinh doanh đạt 70% mỗi năm; tốc độ tăng trưởng doanh thu từ cung cấp các dịch vụ/giải pháp trên nền công nghệ SMAC cho khách hàng trên phạm vi toàn cầu đạt 100% một năm; chuyển đổi tối đa hệ thống thông tin của FPT lên nền tảng SMAC”, Chủ tịch FPT kỳ vọng. “Mục tiêu của FPT là tiếp tục duy trì vị trí công ty CNTT hàng đầu ở Đông Nam Á, cũng như hướng tới mức tăng tưởng 30% trong 15 năm tới”.

DSCF6632-3739-1447374801.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình trong phiên thảo luận. Ảnh: P.T.

Chủ tịch FPT nhận định, cuộc cách mạng công nghệ mới như SMAC và IoT tạo ra cơ hội cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng nâng cao năng lực cạnh tranh và thay đổi vị trí của mình trên bản đồ công nghệ số của thế giới. Sự chuyển dịch công nghệ này cũng sẽ tác động đến các nước thành viên trong khu vực theo hai khả năng. Đầu tiên, cộng đồng ASEAN với tổng dân số khoảng 600 triệu người sẽ trở thành nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới nhờ tận dụng sức mạnh số hoá. Tuy nhiên, có thể những xu hướng mới sẽ càng khiến khoảng cách công nghệ giữa các nước Đông Nam Á và các quốc gia phát triển ngày một xa hơn.

Từ những nhận định trên, anh Bình cho rằng các nước trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) nên cùng chia sẻ nền tảng, cho phép luân chuyển tự do về nguồn lao động, hàng hoá, vốn, dịch vụ... với nhau. Nhân lực có tay nghề ở Việt Nam có cơ hội rộng mở hơn về công việc, có thể làm việc tại các nước trong khối. Ngược lại, Việt Nam cũng sẽ có cơ hội tiếp nhận lao động có tay nghề cao từ các nước khác.

20151110-sam-walsh-article-mai-5877-6076

Sam Walsh, CEO của Rio Tinto. Ảnh: Nikkei.

Masahiko Uotani, Chủ tịch kiêm CEO Shiseido, nói hãng mỹ phẩm Nhật nổi tiếng cũng đang đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để không lỡ nhịp với xu hướng công nghệ thay đổi từng ngày. “Chúng tôi có kế hoạch tăng số lượng nhân viên nghiên cứu trên toàn thế giới từ 1.000 hiện nay lên 1.500 vào năm 2020. Đến năm 2017, chi tiêu cho R&D của Shiseido dự kiến sẽ tăng 40% so với năm 2014”, Chủ tịch kiêm CEO Shiseido nhấn mạnh. “Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo Shiseido tiếp tục tỏa sáng trong 100 năm tới”.

Ngành khai mỏ cũng không đứng ngoài cuộc. Sam Walsh, CEO của Rio Tinto, hãng khai mỏ khổng lồ của Anh - Autralia, nhận định tiến bộ công nghệ là chìa khoá cho khả năng phục hồi của các công ty trong lĩnh vực tài nguyên trong bối cảnh thị trường bất lợi. “Rio Tinto đang sử dụng dữ liệu lớn để phân tích hoạt động của tập đoàn trên toàn cầu”.

Có trải nghiệm đầu tư ở Việt Nam, ông Akio Nitori, Chủ tịch Tập đoàn Nitori - chuyên sản xuất đồ gia dụng, cho rằng tại khu vực châu Á, Việt Nam là một trong những quốc gia có triển vọng xét về môi trường kinh doanh và đầu tư. Cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang được cải thiện, người Việt Nam cũng giống người Nhật Bản chăm chỉ làm việc. “Hiện tại, Việt Nam chưa có cửa hàng của Nitori, nhưng chúng tôi hy vọng rằng trong thời gian không xa, các cửa hàng bán sản phẩm Nitori sẽ xuất hiện tại Việt Nam”.

20151110-nicholas-griffin-arti-5728-2735

Diễn già Nicholas Griffin từ KPMG. Ảnh: Nikkei.

Ở góc nhìn của tư vấn chiến lược, Nicholas Griffin, người đứng đầu mảng tư vấn toàn cầu của hãng KPMG, khẳng định các công ty Nhật Bản cần ‘mở trói’ để làm việc cùng nhau nhằm tạo ra những công nghệ mới phá vỡ ranh giới giữa các ngành. “Đây là thời điểm phù hợp cho các doanh nghiệp Nhật Bản xác lập tinh thần đổi mới và cởi mở hơn. Điều này quan trọng hơn việc cố gắng để cải tiến công ty của riêng mình nhằm thúc đẩy tăng trưởng”.

Chia sẻ trường hợp cụ thể tại FPT, để kịp xu hướng, FPT đang nỗ lực làm việc với mọi đối tác từ Mỹ, châu Âu và châu Á để phát triển nền tảng công nghệ mới. Tập đoàn cũng thực hiện chương trình 10.000 kỹ sư cầu nối với mục đích đào tạo các kỹ sư CNTT tại Việt Nam trong 6 tháng, sau đó đưa sang Nhật học tiếng Nhật, văn hoá, thực tập tại các công ty Nhật trong một năm. 

Theo Chủ tịch tập đoàn, Nhật Bản là thị trường lớn cho những kỹ sư công nghệ thông tin của Việt Nam. “Cứ 10 năm Nhật Bản sẽ thay đổi một lần hệ thống phần mềm khiến nước này luôn cần kỹ sư về công nghệ thông tin. Việt Nam nên nắm lấy cơ hội này để học hỏi và trau dồi kiến thức, làm chủ công nghệ, đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghệ phần mềm Việt Nam”.

>> Hành trình 15 năm tiến vào thị trường CNTT Nhật của FPT

Nguyên Văn

Ý kiến

()