Chúng ta

Khởi đầu 2021, các cổ phiếu nhà F đồng loạt xanh

Thứ ba, 5/1/2021 | 10:41 GMT+7

Chốt phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021 (ngày 4/1), cổ phiếu FPT tiếp tục lập đỉnh mới trong vòng 6 năm qua, trong khi các mã FRT (FPT Retail) và FOX (FPT Telecom) cũng đồng loạt xanh.

Cổ phiếu FPT chốt phiên ngày 4/1 tăng 1,86%, lên mức 60.200 đồng/cp, khối lượng giao dịch thành công đạt 2.515.220 cổ phiếu (tăng khoảng 19% so với phiên 31/12) với giá trị hơn 150 tỷ đồng. Trong đà hồi phục của thị trường, cổ phiếu FPT đã 5 lần tạo đỉnh mới chỉ trong vòng 1 tháng, từ 57.500 đồng lên 60.200 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất trong vòng 6 năm qua. Theo các chuyên gia, đà tăng sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới và dự kiến có thể tạo thêm mức đỉnh mới.

FPT-JPG-2464-1609816501.jpg

Diễn biến cổ phiếu FPT trong 1 tháng qua (4/12/2020-4/1/2021).

Như vậy, từ vùng đáy tháng 3/2020 đến ngày 4/1, giá cổ phiếu FPT đã tăng 79,7%. Trước đó, trong năm 2020, do tác động của Covid-19, mức giá thấp nhất của cổ phiếu FPT là 33.500 đồng/cổ phiếu được xác lập hồi tháng 3.

Các cổ phiếu khác của nhà F cũng có phiên tăng ấn tượng trong ngày 4/1. Cổ phiếu FPT Retail (mã FRT) trên sàn HoSE sau phiên giữ giá 31/12 đã tăng 0,94% lên mức 32.300 đồng/cổ phiếu ở phiên đầu năm mới, với khối lượng giao dịch 1.591.800 đơn vị, đạt giá trị gần 52 tỷ đồng. Trong khi đó, trên sàn UPCoM, cổ phiếu FPT Telecom (mã FOX) cũng tăng nhẹ 0,89% lên mức 56.372 đồng, tổng khối lượng giao dịch 9.259 đơn vị, đạt 522 triệu đồng.

FRT-JPG-9583-1609816502.jpg

Diễn biến cổ phiếu FRT trong 1 tháng qua (4/12/2020-4/1/2021).

Phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021 tiếp tục được chứng kiến sự “bùng nổ” của dòng tiền với hơn 18.000 tỷ đồng được đổ vào thị trường. VN Index có lúc đã tăng tới 22 điểm trong sự hứng khởi của các nhà đầu tư. Chốt phiên giao dịch ngày 4/1, VN Index tăng 16,6 điểm lên 1.120,47 điểm với 380 mã tăng và 75 mã giảm điểm, khối lượng giao dịch đạt 764 triệu đơn vị; giá trị giao dịch đạt 16.249 tỷ đồng, tăng gần 45% về khối lượng và tăng 50,4% về giá trị so với chốt phiên cuối năm 2020.

Cổ phiếu FPT chính thức được giao dịch trên sàn HoSE vào tháng 12/2006. Về kết quả kinh doanh, theo số liệu mới nhất, FPT đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong 11 tháng đầu năm lần lượt là 26.341 tỷ đồng và 4.886 tỷ đồng, tăng 7,4% và 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.288 tỷ đồng, tăng 8,6% so với 11 tháng năm 2019. EPS là 4.199 đồng, tăng 8,1%. Năm 2020, FPT đặt mục tiêu đạt doanh thu 32.450 tỷ đồng, lãi trước thuế 5.510 tỷ đồng. Sau 11 tháng, FPT đã hoàn thành 81% mục tiêu doanh thu và 89% kế hoạch lợi nhuận năm. Chỉ riêng trong tháng 11, lợi nhuận trước thuế của FPT tăng trưởng 21% so với cùng năm trước.

Đánh giá về triển vọng kinh doanh của FPT, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đặt kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế mảng xuất khẩu phần mềm sẽ quay về mức 25% hằng năm trong giai đoạn 2021-2022 nhờ chi tiêu công nghệ thông tin toàn cầu phục hồi bên cạnh chi phí nhân công cạnh tranh và năng lực đang nâng cao của FPT.

VCSC cho rằng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế mảng xuất khẩu phần mềm của FPT sẽ hạ nhiệt từ mức 27% trong năm 2019 còn 18% năm 2020 do dịch Covid-19 dẫn đến tiến độ triển khai dự án và ký kết hợp đồng bị gián đoạn. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế mảng xuất khẩu phần mềm phần nào được bù đắp bởi đóng góp doanh thu lớn hơn từ mảng dịch vụ chuyển đổi số vốn có biên lợi nhuận cao (30% doanh thu xuất khẩu phần mềm trong năm 2020 so với mức 23% trong năm 2019) và cạnh tranh nguồn nhân sự công nghệ thông tin trở nên dịu hơn từ các công ty khởi nghiệp và đối thủ nhỏ hơn trong nước.

VCSC dự báo mảng dịch vụ viễn thông ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận trước thuế đạt 15% trong giai đoạn 2019-2022 nhờ tăng trưởng thuê bao băng thông rộng, lợi thế kinh tế về quy mô lớn hơn của Truyền hình FPT và mở rộng công suất trung tâm dữ liệu (data center). Trong cả năm 2020, VCSC dự phóng doanh thu và lãi trước thuế của FPT lần lượt ở mức 30.300 tỷ đồng và 5.170 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 9,3% và 10,8% so với năm 2019. Doanh thu trong mảng chuyển đổi số của FPT đạt 2.936 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ, tập trung vào các công nghệ như low code, điện toán đám mây, vạn vật kết nối internet. Năm 2021, lợi nhuận trước thuế của FPT được kỳ vọng sẽ tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước.

>> Chốt năm 2020, cổ phiếu FPT lập đỉnh mới

Ý kiến

()