Chúng ta

Giải mã đà tăng ‘bứt phá’ của cổ phiếu nhà Bán lẻ

Thứ tư, 23/12/2020 | 09:11 GMT+7

Dù doanh thu giảm và kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong hai quý gần đây nhưng giá cổ phiếu FRT của FPT Retail vẫn tăng hơn 39% từ đầu tháng 11 tới nay.

Từ ngày 1/11 tới ngày 18/12, giá cổ phiếu FRT của FPT Retail đã tăng 8.150 đồng, tương đương với hơn 39%. Mức giá đóng cửa thấp nhất được ghi nhận là 21.000 đồng vào ngày 2/11, còn mức đóng cửa cao nhất là 29.000 đồng vào ngày 18/12. Ngay say đó, từ đầu tháng 12 tới nay, mã cổ phiếu FRT vẫn tiếp tục tăng 5.250 đồng, tương đương hơn 22%.

Điều đặc biệt là đà tăng mạnh của mã cổ phiếu FRT diễn ra khi đại dịch Covid-19 tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của nhà Bán lẻ. Doanh thu thuần 9 tháng đầu năm giảm gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Hai quý kinh doanh gần nhất đều có kết quả chưa khả quan.

fpt-ava-1590664780587603851743-5646-1608

Nhà Bán lẻ kỳ vọng chuỗi nhà thuốc Long Châu là mũi nhọn tăng trưởng tương lai.

Ngay từ trước khi Covid-19 bùng phát, FPT Retail đã rơi vào tình trạng “loay hoay” với bài toán tăng trưởng, khi mảng kinh doanh chủ chốt là điện thoại di động đang dần bão hòa. Nhà Bán lẻ đã thử sức với các lĩnh vực khác như điện máy, mắt kính, đồng hồ nhưng chưa tạo ra thành công đáng chú ý. Mũi nhọn tăng trưởng tương lai của FPT Retail được kỳ vọng là chuỗi nhà thuốc Long Châu. Trong đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào cuối tháng 5, ban lãnh đạo nhà Bán lẻ đã khẳng định thế mạnh phát triển mảng kinh doanh dược phẩm, dù khó khăn trước mắt là chịu chi phí trong quá trình mở rộng ban đầu của chuỗi nhà thuốc này.

Từng là một cổ phiếu được khối ngoại ưa chuộng nhưng diễn biến trên thị trường hiện nay cho thấy khối ngoại đang không còn hứng thú với “viễn cảnh” khó có lãi của FPT Retail khi từ đầu năm đến ngày 18/12, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại với mã FRT đã giảm từ mức 47.6% xuống còn 22.9%.

Số liệu cho thấy từ đầu năm đến nay, nhóm quỹ Dragon Capital đã bán mã FRT nhiều lần với tổng lượng bán ra tới hơn 8 triệu cổ phiếu. Trong ngày 18/12 vừa qua, nhóm quỹ Dragon Capital lại thông báo họ đã bán 1,64 triệu cổ phiếu FRT trong phiên giao dịch ngày 15/12. Từ đó, nhóm quỹ Dragon hạ số lượng cổ phiếu FRT mà họ nắm xuống 2,46 triệu, tương đương 3,12% vốn điều lệ. Quỹ Wareham Group Limited cũng đã bán 1,26 triệu cổ phiếu FRT và Amersham Industries Limited đã bán 380.000 đơn vị, giảm tỷ lệ sở hữu xuống tương ứng 2,86% và 0,16%.

Hinh-1-NS-3551-1608633157.jpg

FPT Shop trong đêm ra mắt iPhone 12 series.

Thế nhưng đi ngược lại với diễn biến ấy, giá cổ phiếu của FRT vẫn tăng nhờ sức mua của nhà đầu tư nội. Các nhà đầu tư trong nước đã “hấp thụ” nguồn cung từ bên bán nước ngoài và đẩy giá cổ phiếu lên những mức giá cao hơn. Hòa nhịp cùng đà tăng của toàn thị trường, FRT tăng giá đến 167% kể từ khi chạm đáy vào cuối tháng 3, với thanh khoản dồi dào.

Trong thời gian gần đây, nhà Bán lẻ đã đón nhận nhiều tín hiệu tích cực khi ra mắt iPhone 12 series. Chuỗi bán lẻ FPT Shop trên vai trò Đại lý uỷ quyền của Apple đã ghi nhận những con số khả quan: 41.000 lượng khách quan tâm, 25.000 đơn đặt hàng, 15.000 đơn đặt cọc và bán ra con số lịch sử 4.500 máy chỉ trong ngày mở bán đầu tiên 27/11. Không chỉ iPhone, máy tính xách tay với nhu cầu tăng mạnh cũng là điểm sáng kinh doanh của FPT Retail. Luỹ kế 11 tháng đầu năm, doanh thu mảng này tăng trưởng 43%, riêng các tháng nhập học mức tăng lên tới 50% so với cùng kỳ năm trước.

>> FPT Shop giảm giá sâu tất cả sản phẩm dịp cuối năm

Hà My

Ý kiến

()