Đang ngồi cafe tại Zone 9 - một địa điểm khá hot tại Hà Nội, vị khách lướt mạng, đặt mua hàng và chọn hình thức giao bằng Sendobot. Sau khi được xử lý bằng hệ thống tự động, Sendobot xuất phát từ shop của người bán nhận hàng và bay đi giao cho người mua. Khi ly cafe chưa kịp vơi, máy bay không người lái của Sendo.vn giao hàng đúng hẹn trước sự hài lòng của khách hàng và bất ngờ của những người xung quanh. Khi tung lên Youtube, video đã thu hút hàng nghìn lượt xem và chia sẻ.
Sendobot đang bay đi giao hàng. Ảnh chụp từ clip. |
Đây là nội dung của một video mới xuất hiện trên Youtube mô tả drone (máy bay không người lái) của Sendo.vn chuyển hàng tới người mua. Video có cùng ý tưởng với sự kiện mới của Amazon khi vào ngày 1/12, CEO Jeff Bezos tuyên bố hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới sẽ sử dụng drone để giao hàng.
Trao đổi với Chúng ta, đại diện Sendo.vn tiết lộ, Ban Công nghệ FPT đang thử nghiệm dùng máy bay không người lái để giao hàng: “Sendobot đã và đang được các chuyên gia công nghệ FPT nghiên cứu và hoàn thiện. Sản phẩm này nằm trong chiến lược công nghệ của FPT”.
Ban Công nghệ FPT và Sendo.vn phải giải bài toán phức tạp hơn Amazon khi hãng thương mại điện tử của Mỹ chỉ lấy hàng từ kho của mình để giao cho người mua, trong khi Sendo phải lấy từ người bán để chuyển đến người mua bởi Sendo.vn hoạt động theo hình thức Sàn thương mại điện tử (C2C - tức Consumer-to-Consumer - từ khách hàng đến khách hàng).
Theo anh Lê Ngọc Tuấn, Trưởng nhóm robot, Ban Công nghệ FPT, hiện Sendobot có thể mang vật nặng tối đa khoảng 2 kg, bay được 5 km và đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu để giải quyết vấn đề năng lượng và khối lượng cơ bản của drone.
“Muốn có tầm hoạt động xa cần có nguồn năng lượng đủ lớn để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, hiện tại nếu tăng năng lượng dự trữ sẽ ảnh hưởng đến khối lượng tải thêm của drone và cũng làm giảm tầm hoạt động của drone. Đây là vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến tầm hoạt động của drone. Ngoài ra, các lĩnh vực quan trọng khác như tăng hiệu suất động cơ, thiết kế cơ khí nhằm giảm sức cản... cũng là những vấn đề cần giải quyết”, anh Tuấn chia sẻ.
Sendobot thực tế tại Ban Công nghệ FPT. |
Trưởng nhóm robot của Ban Công nghệ FPT cho biết, ngoài việc nâng tầm hoạt động của drone, đơn vị cũng đang nghiên cứu các điều kiện tối ưu để bảo vệ hàng hóa và drone trước mối đe dọa thường trực từ cộng đồng.
“Nói một cách hình tượng, để chống lại những "thợ săn" luôn nhăm nhe bắn hạ Sendobot, chúng tôi sẽ trang bị hệ thống nhận dạng và phân tích, dự đoán các tình huống gây nguy hiểm cho drone, từ đó đưa ra chiến thuật đánh chặn hợp lý”, anh Tuấn ví von.
Đại diện Sendo.vn cho hay, với hạ tầng chưa hiện đại như Việt Nam, chẳng hạn dây diện và viễn thông chằng chịt, bản đồ số chưa chuẩn… nhưng với công nghệ hiện có, FPT có thể giải được bài toán này để sớm đưa dự án chuyển hàng bằng drone như là một giải pháp giúp giải quyết nhiều vấn đề của ngành bán lẻ trong điều kiện kinh tế - xã hội như Việt Nam.
“Lý tưởng nhất cho giải pháp vận chuyển bằng thiết bị bay không người lái chính là bay ở những nơi có không gian thoáng. Tuy nhiên, xét với điều kiện mạng lưới điện và viễn thông như ở Việt Nam thì quả là một thách thức lớn. Chúng tôi cũng đã tính đến vấn đề này và đang nghiên cứu để tích hợp cho drone khả năng tránh vật cản gặp phải trên đường, tức là drone có thể tự nhận dạng được các vật cản có trên đường đi và đưa ra cách tránh các vật cản đó một cách chính xác”, đại diện Ban Công nghệ FPT bày tỏ.
Anh Tuấn cho biết, hiện tại, vấn đề này không chỉ của riêng chúng ta, mà tất cả các hãng sử dụng phương pháp vận chuyển bằng thiết bị bay không người lái đều phải tính đến. Ban Công nghệ FPT hy vọng sẽ tạo ra những bất ngờ thú vị khi đưa sản phẩm này ứng dụng vào thực tế.
TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc giới thiệu Sendobot. |
“Hiện tại chúng tôi vẫn đang tiếp tục hoàn thiện công nghệ của drone về các bài toán về địa điểm, nhận dạng và hy vọng nếu điều khiện cho phép, giải pháp này sẽ được sớm đưa vào áp dụng thực tế”, anh Tuấn hào hứng.
Theo đánh giá của Gartner, trong 5-10 năm tới sẽ là thời của robot. “Các vấn đề liên quan đến công nghệ của robot giao hàng sẽ giải quyết xong trong khoảng thời gian ấy. Vấn đề chính khi đó sẽ là cơ chế pháp lý cho việc cấp phép bay”, Gartner nhận định.
The New York Times cho biết, Goole cũng đã nhảy vào lĩnh vực phát triển robot giao hàng. Tờ báo này vừa vẽ ra viễn cảnh trong 10 năm tới của Google: Robot của hãng đi kèm với xe tự hành để tự động chuyển giao hàng hóa đến tận cửa cho khách hàng. “Nếu Amazon có thể tưởng tượng đến chuyện chuyển sách bằng thiết bị bay tự hành, cũng có thể mơ về một viễn cảnh Google ngày nào đó sẽ điều động robot nhảy đến tận cửa để giao hàng cho bạn”, tờ báo viết.
Hài lòng với thành công bước đầu, đại diện Sendo.vn bày tỏ quyết tâm phối hợp với Ban Công nghệ FPT nhằm đẩy mạnh việc nghiên cứu và cải tiến công nghệ để sớm đưa Sendobot vào phục vụ cộng đồng.
“Song song với cải tiến về kỹ thuật và công nghệ, chúng tôi cũng đang nghiên cứu các điều kiện về pháp lý để được cấp phép bay. An toàn cũng là ưu tiên số một của chúng tôi, và các thiết bị của chúng tôi sẽ được hỗ trợ nhiều biện pháp dự phòng cũng như được thiết kế theo tiêu chuẩn an toàn hàng không. Nếu điều kiện cho phép, Sendobot của FPT sẽ sớm chính thức bay đi giao hàng”, đại diện Sendo.vn kỳ vọng.
Sendo.vn là dự án thương mại điện tử được khởi động từ cuối năm 2011. Đây là nơi mọi người đều có thể mở gian hàng, kinh doanh cá thể trên mạng một cách nhanh gọn, tiết kiệm, đặc biệt phù hợp với học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, nội trợ, hộ kinh doanh nhỏ... những người có ý định kinh doanh nhưng ít vốn. Trang thương mại của FPT đã chính thức “mở hàng” vào ngày 13/9/2012, sau một thời gian chạy thử nghiệm. Sau khi mở các ngành hàng thời trang, sách và công nghệ, Sendo.vn sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều ngành hàng khác nhằm tạo ra một trung tâm mua sắm uy tín số một về giao dịch tại Việt Nam. |
Na Vy
Ảnh: Quý Đoàn
Video: Sendo
Ý kiến
()