Chúng ta

Amazon 'đấu' Google bằng công nghệ

Thứ sáu, 28/12/2012 | 09:23 GMT+7

2013 sẽ là năm mà cuộc đối đấu giữa hai đại gia này trở nên khốc liệt, đặc biệt trên lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, bán lẻ qua thiết bị di động và điện toán đám mây.
> Big Data giúp ngân hàng chống trộm

Mầm mống của cuộc đối đầu giữa Amazon và Google đã bắt đầu từ cách đây 10 năm khi Tổng Giám đốc Amazon Jeff Bezos hay tin Google đang thực hiện một dự án quét (scan) và số hóa các catalog sản phẩm.

Tin này đã đánh động Bezos, khi ấy là một trong những nhà đầu tư đầu tiên rót vốn vào Google. Theo tiết lộ của một người từng là nhà điều hành tại Amazon, “Bezos nhận thấy Google có thể sẽ lấn sang đế chế bán lẻ trực tuyến của mình khi công cụ tìm kiếm này thực hiện quét và số hóa tất cả các cuốn sách và sau đó bán các phiên bản trực tuyến”.

d

Dự đoán trận chiến của hai gã khổng lổ sẽ khốc liệt trong năm 2013. Ảnh: S.T.

Bezos đã dự đoán đúng. 2013 sẽ là năm mà cuộc đối đấu giữa 2 đại gia này trở nên khốc liệt, đặc biệt trên lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, bán lẻ qua thiết bị di động và điện toán đám mây. "Amazon muốn trở thành điểm đến duy nhất, nơi mà bạn có thể mua tất cả mọi thứ. Còn Google muốn trở thành nơi duy nhất mà bạn có thể tìm thấy tất cả mọi thứ và tất nhiên là bạn sẽ mua sản phẩm tại đó. Khi nhìn ở những khía cạnh này, việc 2 bên đụng độ nhau là có thể thấy trước được”, Chi-Hua Chien, một đối tác tại hãng đầu tư mạo hiểm Kleiner Perkins Caufield & Byers, nhận xét.

Đối đầu trên mặt trận quảng cáo

Không lâu sau khi Bezos biết về kế hoạch quét catalog của Google, Amazon đã bắt đầu quét sách và cung cấp các trích đoạn được số hóa. Thiết bị đọc sách Amazon Kindle được tung ra vài năm sau đó cũng là để cản bước tiến của Google. Giờ đây, Amazon đang thúc đẩy mảng quảng cáo trực tuyến nhằm giành lấy doanh thu và người sử dụng từ trang web tìm kiếm của Google.

Hiện tại, mảng quảng cáo mới phát triển của Amazon chỉ bằng một phần nhỏ của Google. Theo ước tính của Robert W. Baird & Co, Amazon đang trên đường đạt tới mục tiêu tạo ra khoảng 500 triệu USD doanh thu quảng cáo hằng năm. Đây là một con số cực kỳ nhỏ so với tổng doanh thu 48 tỉ USD của Google năm 2011. Trong đó, 96% trong số 38 tỉ USD doanh thu năm 2011 là đến từ quảng cáo.

Tuy nhiên, điều này sẽ sớm thay đổi khi Amazon đang nắm trong tay “át chủ bài” công nghệ mới DSP. Công nghệ này có thể thâm nhập kho lịch sử mua sắm khổng lồ của người tiêu dùng, giúp các nhà marketing đưa mẫu quảng cáo đến với các nhóm đối tượng cụ thể mà họ nhắm đến trên Amazon.com và trên các website khác.

“Dưới cái nhìn của một nhà marketing, dữ liệu mà Amazon sở hữu thực sự tốt hơn những gì mà Google đang có”, Mark Grether, Giám đốc Hoạt động (COO) của Xaxis, một công ty cung cấp giải pháp cho các nhà quảng cáo để họ có thể tiếp cận đối tượng khách hàng một cách chính xác hơn và hiệu quả hơn, nhận xét. Grether cũng cho biết, Amazon đang thương thảo hợp tác với Xaxis để Công ty giúp Amazon bán quảng cáo cho dịch vụ này.

Bằng cách bán quảng cáo, Amazon có thể mang về nguồn thu với mức biên lợi nhuận cao hơn so với mảng bán lẻ. Và khi cho phép các mẫu quảng cáo sản phẩm (những sản phẩm mà Amazon không có bán trên website) xuất hiện trên website của mình, Amazon sẽ dần trở thành điểm đến đầu tiên mà người tiêu dùng truy cập vào để tìm mua sản phẩm.

d

Amazon đang dần xóa đi hình ảnh của nhà bán sách qua mạng. Ảnh: S.T.

Hãng nghiên cứu Forrester cho biết trong quý III/2012, có đến 30% người mua sắm trực tuyến ở Mỹ tìm kiếm mua hàng trên trang Amazon.com, so với con số chỉ 13% tìm mua sản phẩm trên các công cụ tìm kiếm như Google. Đây là một sự đảo ngược hoàn toàn so với cách đây 2 năm khi các công cụ tìm kiếm thường là nơi đầu tiên người tiêu dùng truy cập vào để tìm mua hàng qua mạng.

Amazon hiện đang bán các mẫu quảng cáo xuất hiện bên phần kết quả tìm kiếm sản phẩm trên trang web của mình. Theo comScore, đã có đến 6,7 tỉ lượt xem quảng cáo trên trang Amazon.com trong quý III/2012, hơn gấp 3 lần cùng kỳ năm 2011.

Theo chuyên gia phân tích Ben Schachter của Macquarie Research, thành công ban đầu này là một mối quan ngại lớn đối với Google vì hoạt động kinh doanh của nó phụ thuộc rất nhiều vào mảng tìm kiếm sản phẩm và các mẫu quảng cáo tìm kiếm sản phẩm.

Vì thế, gần đây Google đã tiến hành một thay đổi nhỏ đối với dịch vụ tìm kiếm sản phẩm Google Shopping. Theo đó, các nhà bán lẻ và các nhà kinh doanh thương mại trực tuyến phải trả một khoản phí để được xuất hiện trong các kết quả tìm kiếm.

Đụng độ trên lĩnh vực di động và điện toán đám mây

Một lợi thế của Google là hệ điều hành Android đang được sử dụng rất rộng rãi trên các thiết bị di động (ngay cả Amazon cũng dùng hệ điều hành Android cho thiết bị của mình). Tuy nhiên, đến bây giờ, Google vẫn chưa tìm ra được cách nào có thể kiếm tiền hiệu quả từ các mẫu quảng cáo tìm kiếm trên thiết bị di động và bán các hàng hóa kỹ thuật số như trò chơi, âm nhạc, ứng dụng, video, ứng dụng.

“Nếu họ có thể tìm ra cách để khai thác các mẫu quảng cáo di động thì đó sẽ là chiến công rất lớn của Google”, chuyên gia phân tích Sucharita Mulpuru của hãng nghiên cứu Forrester, nhận xét.

Trong khi đó, Amazon đã phản công lại Google vào năm 2011 khi tạo ra phiên bản riêng Android cho chiếc máy tính bảng Kindle Fire, cho phép Amazon thay thế các dịch vụ hái ra tiền của Google (như âm nhạc kỹ thuật số và kho ứng dụng) bằng dịch vụ riêng của mình.

d

Gã khổng lồ tìm kiếm bị cuốn vào cuộc chiến với Amazon trên các mặt trận quảng cáo, nội dung số và điện toán đám mây. Ảnh: S.T.

Cũng giống như Apple, “Amazon muốn kiểm soát những trải nghiệm khách hàng trên thiết bị của họ. Điều đó khiến cho Google cảm thấy rất khó chịu”, Oren Etzioni, Giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Washington, nhận xét.

Cả hai cũng đang đụng độ ở mảng phần mềm điện toán đám mây. Amazon đã khai sinh ra mảng điện toán đám mây cách đây hơn 6 năm, cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu và các dịch vụ công nghệ khác cho khách hàng. Còn Google chỉ mới tung ra dịch vụ điện toán đám mây trong năm nay. Nhưng theo ông Etzioni, thị trường điện toán đám mây đang tăng trưởng nhanh đến nỗi vẫn còn chỗ để Google chen chân vào.

Tuy nhiên, ông Etzioni cũng cho rằng, thiết bị di động và điện toán đám mây vẫn chỉ là các lĩnh vực kinh doanh rất nhỏ bé nếu so với cơ hội to lớn mà mảng quảng cáo và thương mại trực tuyến mang lại với doanh thu lên tới hàng tỉ USD.

Đó là lý do gần đây, Google đã mua lại BufferBox, một công ty chuyên cung cấp cho người mua sắm các tủ giao hàng tạm thời để nhận hàng từ các nhà bán lẻ thương mại điện tử trực tuyến. Google cũng đang thử nghiệm dịch vụ giao hàng trong cùng ngày tại San Francisco, nhằm thâm nhập sâu hơn thị trường bán lẻ trực tuyến.

Mặc dù Google không tiết lộ kế hoạch cụ thể cho lĩnh vực bán lẻ nhưng theo một số chuyên gia phân tích, các tính năng mới như giao hàng trong cùng ngày hoặc tủ giao hàng cũng có thể mang lại sức hấp dẫn lớn hơn cho dịch vụ quảng cáo trực tuyến của Google.

“Nếu làm chủ được cả khâu tìm kiếm lẫn giao hàng thì Google sẽ có thể cung cấp cùng trải nghiệm như của Amazon. Đây là một mô hình có biên lợi nhuận cao hơn và hiệu quả hơn”, ông Chien, Kleiner Perkins Caufield & Byers, nhận xét. 

Nguyên Văn (theo NCĐT/Reuters)

Ý kiến

()