Chúng ta

FPT Telecom miền Trung chủ động ứng phó bão Podul

Thứ năm, 29/8/2019 | 10:14 GMT+7

Các chi nhánh từ Đà Nẵng đến Thanh Hóa đang gấp rút kiểm tra hạ tầng, bố trí nguồn lực để ứng phó với bão Podul khi đổ bộ vào đất liền. 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 1h hôm nay (ngày 29/8), vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 113,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 90 km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120 km tính từ tâm bão. Dự kiến, trưa 30/8 hoặc muộn nhất là đêm cùng ngày, bão số 4 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, với sức gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11; đồng thời gây mưa rất to.

bao-so-4-hlsg-1734-1567048037.gif

Bão số 4 dự kiến đi vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình từ trưa đến chiều tối 30/8 với cường độ cấp 8-9, gió giật cấp 10-11.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết kèm theo mưa rất to, các đơn vị FPT Telecom miền Trung như Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa... đang kiểm tra, gia cố và chuẩn bị các phương án ứng phó khi bão đổ bộ. Hầu hết chi nhánh đều đã rà soát hạ tầng, đài trạm tại 100% POP ở khu vực. Bên cạnh đó, vật tư, công cụ, nguồn lực ứng cứu đã sẵn sàng. Lãnh đạo chi nhánh đều thông báo và yêu cầu các bộ phận theo dõi, bám sát tình hình bão, cập nhật thông tin, báo cáo thường xuyên về tình hình của bão.

Được dự báo bão số 4 sẽ đổ bộ trực tiếp, anh Lưu Qúy Phương, Phó phòng Kỹ thuật chi nhánh Quảng Bình, cho biết mọi công tác rà soát đài trạm, nội ngoại vi của chi nhánh đã hoàn tất. Các vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng đến hạ tầng chi nhánh đã xử lý; các cơ sở dữ liệu liên quan đến hạ tầng đã chuẩn bị sẵn sàng; vật tư, nhiên liệu dự phòng đầy đủ. Về nhân sự, chi nhánh cũng đã họp nhanh và trao đổi với toàn bộ nhân sự phòng kỹ thuật để mọi người nắm thông tin về các vấn đề liên quan đến việc xử lý trước bão, trong bão và công tác xử lý sau bão. 

"Trong bão, chi nhánh sẽ cắt cử nhân sự túc trực 24/24 nhằm ứng phó kịp thời khi có sự cố. Phối hợp cùng các bộ phận để nắm thông tin tín hiệu của kênh truyền, theo dõi tình trạng hạ tầng trên trang giám sát. Đặc biệt, cấm tuyệt đối nhân sự không ta ngoài khi bão đổ bộ vào đất liền. Sau bão, chi nhánh sẽ tiến hành rà soát thiệt hại và lên phương án khắc phục nhanh nhất có thể", anh chia sẻ.

Tại Thanh Hóa, anh Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Kỹ thuật, cũng đã lên phương án và sẵn sàng về mặt con người để ứng phó khi bão đổ bộ. "Bên cạnh đảm bảo an toàn hạ tầng cho chi nhánh, tôi cùng anh em đặc biệt quan tâm đến tuyến cáp trục Bắc Nam. Tăng cường nhân sự để rà soát cũng như thay thế một số thiết bị không đảm bảo tại các điểm có nguy cơ bị thiệt hại do bão gây ra. Chi nhánh cũng đã huy động toàn bộ nguồn lực để tham gia công tác ứng phó. Bên cạnh 12 nhân sự cố định, INF còn phối hợp với các bộ phận để xuống tận địa bàn nắm tình hình và thông báo kịp thời khi có sự cố. Nói chung bão rất phức tạp nên trên tinh thần không chủ quan", anh nói.

Tương tự, FPT Telecom Huế và Quảng Trị cũng đã sẵn sàng cho mọi tình huống nếu bão đổ bộ trực tiếp. "Hiện chi nhánh huy động 100% nguồn lực để rà soát hạ tầng và các tuyến cáp có nguy cơ rủi ro nếu bão vào ảnh hưởng trực tiếp. Chuẩn bị vật tư dự phòng đầy đủ để sẵng sáng ứng chiến nếu có sự cố xảy ra, đặc biệt thành lập Ban phòng chống bão lũ tại chi nhánh và tuân thủ kế hoạch nhằm giảm thiểu sự cố thấp nhất. Phương châm 4 tại chỗ được triển khai: lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ", anh Trần Nguyễn Hữu Thế, Phó phòng Kỹ thuật chi nhánh Huế, nói và cho biết đơn vị có 2 POP vùng xa nguy cơ bị cô lập nếu bão kèm theo mưa lớn. Đội ngũ hạ tầng gấp rút kiểm tra độ cao để nâng lên cũng như đo kiểm nhằm đảm bảo vận hành lâu dài.

69538421-2138048959821407-1503-1393-8448

Các chi nhánh miền Trung đang gấp rút triển khai các phương án để đối phó khi bão đổ bộ vào đất liền.

"Chi nhánh không có POP nào bị de dọa, vì đã được nâng và di chuyển lên vị trí cao. Bộ phận INF được phân công vai trò cụ thể từng người. Ban giám đốc chi nhánh cũng đã yêu cầu các đơn vị tham gia hỗ trợ về nhu yếu phẩm, đồ ăn nước uống khi cần thiết", anh Nguyễn Phúc Bảo Huy, Phó phòng Kỹ thuật chi nhánh Quảng Trị, chia sẻ.

Dù được dự báo bão không đổ bộ trực tiếp vào Đà Nẵng và Quảng Nam nhưng hai chi nhánh vẫn gấp rút triển khai những phương án tốt nhất nhằm đối phó với tình huống xấu nhất. Anh Nguyễn Chí Cường, Trưởng phòng INF chi nhánh Đà Nẵng và Quảng Nam, khẳng định không thể chủ quan trước diễn biến của bão số 4 nên mọi phương án đều phải được triển khai. Hai ngày qua, chi nhánh đã chuẩn bị vật tư và rà soát mọi tuyến đường cũng như bố trí nhân sự túc trực.

Bão Podul được hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ở phía đông Philippines vào tối 26/8. Sáng 28/8 bão vào biển Đông, trở thành cơn bão thứ tư ở vùng biển.

Do ảnh hưởng của bão số 4, từ chiều và đêm 29/8 đến ngày 2/9 ở Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị là 250-400mm. Tại Thừa Thiên Huế, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ là 200-300mm. Khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Đà Nẵng là 100-200 mm. Khu vực trung du, vùng núi Bắc Bộ là 50-120 mm;

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, đặc biệt là Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; ngập lụt tại thành phố Hà Nội, các khu đô thị thuộc đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.

>> Kinh doanh của FPT Telecom Đăk Lăk bị ảnh hưởng do mưa lũ

Việt Nguyễn

Ý kiến

()