Chúng ta

FPT Telecom là công ty số 1 Việt Nam về triển khai IPv6

Thứ ba, 25/10/2016 | 14:36 GMT+7

Theo thống kê của Akamai, tính đến ngày 25/10, FPT Telecom đang đứng thứ 47 trên thế giới về triển khai IPv6 và xếp vị trí thứ 2 tại Việt Nam, sau Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC).

Trong chuỗi chương trình làm việc với các đơn vị về triển khai IPv6, Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia vừa có buổi làm việc với FPT Telecom (sáng 25/10) và báo điện tử VnExpress/FPT Online (chiều 24/10).

Theo đại diện FPT Telecom, đơn vị chính thức cung cấp IPv6 đến hộ gia đình từ ngày 1/7, và hiện Viễn thông FPT là một trong ba đơn vị dẫn đầu về triển khai IPv6 tại Việt Nam. “Kết quả khá ấn tượng, với gần 600.000 hộ gia đình khách hàng được kích hoạt IPv6. FPT Telecom đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc giúp góp phần tăng trưởng phần trăm người dùng IPv6 tại Việt Nam và mang đến nhiều lợi thế đáng kể cho người sử dụng”, anh Nguyễn Văn Khoa, TGĐ FPT Telecom, báo cáo.

IMG-2227-26-l-JPG-4505-1477378501.jpg

Là một trong những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet lớn tại Việt Nam, FPT Telecom đã chủ động đẩy mạnh hoạt động triển khai IPv6 trên mạng lưới và dịch vụ, góp phần đưa tỷ lệ kết nối IPv6 của Việt Nam được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây.

Ảnh buổi làm việc sáng 25/10 được thực hiện qua hệ thống Telepresence Hà Nội - TP HCM. Ảnh: Thanh Vân

Việc này đến từ việc, FPT Telecom đã tham gia các buổi trao đổi với Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia và các khóa đào tạo IPv6 của VNNIC. Đồng thời triển khai nội bộ, đào tạo cán bộ chuyên sâu, liên tục xây dựng đề án chuyển đổi IPv6 cho mạng FPT Telecom.

Đơn vị này cũng bỏ chi phí để đầu tư thúc đẩy phát triển IPv6. Gần đây, FPT Telecom đã ra mắt ứng dụng Hi FPT dành cho các khách hàng đang sử dụng dịch vụ Internet và Truyền hình FPT trên cả nước, và theo lộ trình sẽ cập nhật tính năng đăng ký chuyển đổi IPv6 trực tiếp trên App.

Ngoài ra, dấu ấn về triển khai IPv6 của FPT Telecom còn thể hiện ở các chi tiết: triển khai thành công IPv6 với hơn 5 loại thiết bị khác nhau của FPT bao gồm thiết bị xPON, xDSL; hệ thống Radius và hệ thống thanh toán cước kích hoạt IPv6 hỗ trợ hiển thị và cấp phát IPv6 cho khách hàng; kích hoạt IPv6 trên hệ thống mạng nội bộ của FPT Telecom; xây dựng hệ thống Proxy IPv6, DNSv6, DHCPv6; hệ thống hỗ trợ tường lửa IPv6; kích hoạt 100% IPv6 tại khu vực Trung tâm dữ liệu của FPT Telecom; hỗ trợ chuyển đổi thành công cho nhiều khách hàng doanh nghiệp lớn…

Bên cạnh đó, 100% các website của FPT Telecom đã hoàn toàn chạy trên IPv6 như fpt.vn; Truyenhinh.fpt.vn; IPv6.fpt.vn; Fshare.vn; Fsend.vn; FPT Play.net; FPT Play.tv; Office365.fpt.vn…

Ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam, Phó Trưởng ban Công tác thúc đẩy IPv6 Quốc gia và đoàn công tác đánh giá cao sự đóng góp tích cực của FPT Telecom trong việc đẩy mạnh vị thế của Việt Nam trên bản đồ IPv6 thế giới. Theo thống kê của Akamai, tính đến ngày 25/10, FPT Telecom hiện đang đứng thứ 47 trên thế giới về triển khai IPv6 và xếp vị trí thứ 2 tại Việt Nam sau VNNIC.

IMG-2235-18-l-JPG-5967-1477378501.jpg

Ông Trần Minh Tân (thứ ba từ trái qua, hàng đầu), Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam, Phó Trưởng Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, kết luận buổi làm việc. Các chuyên gia của Ban công tác cũng đề nghị các trang dịch vụ, nội dung của FPT Telecom đã hỗ trợ IPv6 rồi thì triển khai các hoạt động công nhận, gắn nhãn IPv6 để khách hàng nhận biết. Ảnh: Thanh Vân.

Theo kế hoạch, cuối năm 2016, FPT Telecom sẽ hoàn thành mục tiêu chuyển đổi thành công từ 700.000 - 750.000 hộ gia đình sử dụng IPv6 và phối hợp với VnExpress, báo điện tử lớn nhất Việt Nam, chuyển đổi hệ thống VnExpress sang IPv6.

Năm 2017, FPT Telecom sẽ tiếp tục bổ sung và xây dựng kết nối IPv6 với các Upstream, Peering và Content quan trọng; hoàn thành nâng cấp mạng cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia; hoàn thiện việc chuyển đổi mạng lưới, dịch vụ, ứng dụng, phần mềm và thiết bị trên toàn bộ mạng Internet Việt Nam, đảm bảo cho Internet Việt Nam hoạt động hoàn toàn tương thích, an toàn với IPv6; phấn đấu mục tiêu đạt 30% khách hàng hoạt động trong Trung tâm dữ liệu của FPT Telecom sẽ được kích hoạt lên nền tảng IPv6.

Dự kiến cũng trong năm sau, hơn 1.000.000 hộ gia đình sử dụng dịch vụ băng thông (broadband) của FPT Telecomđược kích hoạt IPv6 và tự động hóa chuyển đổi hoàn toàn lên nền tảng IPv6 khi đăng ký mới dịch vụ.

Ông Trần Minh Tân, cho rằng, nhờ nắm bắt được xu thế và nhận định đúng đắn về hướng đi của sự phát triển IPv6 toàn cầu và trong nước, FPT Telecom đã trở thành đơn vị tiên phong của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi IPv6. “Nỗ lực của FPT Telecom không chỉ giúp giải quyết các vấn đề về không gian địa chỉ Internet mà còn sẽ tác động đến các vấn đề về công nghệ và đời sống”, ông Tân nói.

Trước đó, ngày 24/10, đoàn Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã có buổi làm việc với báo điện tử VnExpress/FPT Online. 

Theo anh Nguyễn Văn Ngọc, đại diện Khối nội dung FPT Online, “VnExpress có lượng truy cập trung bình hơn 2 tỷ page view/tháng. Sản phẩm được chạy trên rất nhiều nền tảng khác nhau như máy tính để bàn, mobile, máy tính bảng…”. Anh Ngọc cho biết lượng truy cập từ Việt Nam chiếm khoảng 85% tổng lưu lượng truy cập vào báo. Hệ thống mạng của báo được chia làm nhiều CDN (Content Delivery Network, tạm dịch  mạng lưới cung cấp nội dung) với hệ thống các máy chủ được đặt tại 3 khu vực chính là Hà Nội, TP HCM và Hong Kong giúp tối ưu tốc độ website cho người truy cập, giúp người đọc truy cập nhanh hơn.

Bắt đầu từ 2012 - 2013, FPT Online xin cấp IPv6 và chủ động tham gia các khóa đào tạo. Đơn vị bắt đầu khởi động IPv6 trong ba năm 2013 - 2015 và thử nghiệm các trang nội bộ, trong đó có trang web FPT Online chạy trên nền tảng IPv6. 

Năm 2016 là năm đầu tiên trong lộ trình chuyển đổi IPv6 2016 - 2020. Theo đó, trong giai đoạn này mỗi năm báo chuyển đổi một số trang chuyên đề sang IPv6 và cuối cùng sẽ chuyển đổi toàn bộ báo VnExpress vào năm 2020.

Tuy nhiên, theo anh Ngọc, “lộ trình được FPT Online chủ động rút ngắn rất nhiều”. Cụ thể, từ giữa năm 2016, đơn vị đã chuyển đổi sang IPv6 4 trang gồm: iOne.vnexpress, shop.vnexpres.net, pay.vnexpress.net, raovat.vnexpress.net. “Chủ trương của FPT Online từ năm 2016 trở đi các dịch vụ mới khi khai trương  đều được cung cấp trên nền IPv6”, anh Ngọc khẳng định.

2016-10-25-104902-3698-1477379843.png

Trang Shop.vnexpress.net, một trong các sản phẩm mới của VnExpress, được cung cấp trên nền IPv6. 

Theo kế hoạch ban đầu, đến năm 2019 trang Ngoisao.net mới được tiến hành chuyển đổi. Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi 4 trang trên, đơn vị tự tin có thể đẩy nhanh tiến độ hơn nữa. Báo cáo với đoàn Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, đại diện FPT Online tiết lộ quý I/2017 đơn vị sẽ đưa trang Ngoisao.net và các trang: Kinh doanh, Du lịch, Sức khỏe, Gia đình, Thể thao, Số hóa, Video… chạy trên nền tảng IPv6. FPT Online kỳ vọng cuối năm 2018 sẽ hoàn thiện việc chuyển đổi IPv6, rút ngắn kế hoạch chuyển đổi sớm hơn 1 - 1,5 năm so với ban đầu.

Anh Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng hạ tầng FPT Online, tiết lộ số người dùng Việt Nam truy cập 4G mặc định IPv6 đã có sự gia tăng. Đây là một bất ngờ đối với báo và FPT Online. “Trước khi public,  FPT Online chỉ kiểm thử (test) nội bộ. Khi mở cho cộng đồng, tuy là sản phẩm nhỏ nhưng có lượng truy cập lớn nên chúng tôi hơi bất ngở. Nhận thấy có lượng truy cập từ độc giả bên ngoài vào VnExpress với hệ thống IPv6 nên FPT Online quyết định đẩy nhanh tiến độ triển khai”, anh Sơn cho hay.

Kết luận buổi làm việc, ông Trần Minh Tân đánh giá cao những kết quả, bước tiến rõ ràng mà FPT Online/VnExpress đã đạt được. “Lượng người xem, khách hàng truy cập vào các trang có IPv6 đã tăng cho thấy việc chuyển đổi IPv6 của đơn vị là đúng xu hướng, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng không chỉ từ nước ngoài mà ngay cả trong nước”, ông Tân nói.

"VnExpress cần tiếp tục giữ vững vai trò tiên phong và giữ đúng cam kết chuyển đổi IPv6 theo Chương trình hành động quốc gia IPv6. FPT Online cần tiếp tục triển khai chuyển đổi IPv6 tốt trong thời gian tới để không chỉ phục vụ cho khách hàng của đơn vị mà còn vì phát triển chung của Internet Việt Nam và thị trường IPv6 Việt Nam", đại diện Trung tâm Internet Việt Nam nhận định.

>> VnExpress chuyển đổi toàn hệ thống sang IPv6 vào giữa năm 2017

Nguyên Văn

Ý kiến

()