Bão số 5 có tên gọi Matmo đổ bộ vào đất liền tối ngày 30/10. Vùng tâm bão đi vào các tỉnh Bình Định - Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 11-12 và gây mưa rất to (200-300mm) cho các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên. Các tỉnh miền Trung cũng ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão đã xảy ra mưa to, gió mạnh trên biển. Trong đó, Bình Định là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất.
Sau khi bão số 5 đi qua, chi nhánh Bình Định đã nhận được sự hỗ trợ để khắc phục hậu quả về hạ tầng. Ảnh nhóm nhân sự INF họp triển khai kế hoạch ngay khi đến đơn vị. |
Do ảnh hưởng của vùng tâm bão, hạ tầng FPT Telecom Bình Định cũng gặp sự cố. Thống kê nhanh sau bão, do một số tuyến cáp bị đứt nên dịch vụ của chi nhánh bị mất kết nối khoảng 30 phút. Thời tiết mưa lớn liên tục và mất điện trên diện rộng nên các POP cũng bị ảnh hưởng. Nhưng nhờ có sự chuẩn bị từ trước về phương án ứng cứu, chi nhánh đã phối hợp với Trung tâm quản lý đường trục và Trung tâm Phát triển và Quản lý hạ tầng miền Nam (INF) giải quyết kịp thời, đảm bảo hạ tầng xuyên suốt sau bão. Phần lớn các POP hoạt động bình thường đến khi có điện với nỗ lực ứng cứu hơn 200% của đội hạ tầng chi nhánh Bình Định.
Tuy nhiên, bão có sức tàn phá lớn làm hàng nghìn cây xanh ở TP Quy Nhơn bị gãy đổ và mất điện diện rộng. Một số sự cố như đứt dây cáp, đứt tuyến cáp trục, POP mất điện, tuyến ring… làm cho lượng lớn khách hàng bị gián đoạn dịch vụ. Để công tác khắc phục được nhanh chóng và an toàn, PGĐ INF miền Nam - anh Lê Minh Hiếu cùng 37 nhân sự Trung tâm Quản lý đối tác phía Nam đã có mặt tại FPT Telecom Bình Định. “Mục tiêu ứng cứu là tốc độ nhanh nhất, ổn định hạ tầng nhanh nhất, khôi phục dịch vụ được nhiều khách hàng nhất và tiết kiệm được nhiều chi phí nhất, đặc biệt chăm sóc và cung cấp dịch vụ cho khách hàng mới”, anh thông tin.
Hiện Phương Nam đã tăng cường nhân sự hạ tầng lành nghề, có kinh nghiệm ứng cứu thông tin và từng ứng cứu sự cố do bão gây ra. Nhân sự kỹ thuật triển khai bảo trì được điều từ các tỉnh lân cận Bình Định như Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Phú Yên, Khánh Hòa… mang theo đầy đủ công cụ, dụng cụ đảm bảo an toàn lao động. Trường hợp có sự cố phát sinh sẽ điều động thêm nguồn lực.
Công tác ứng cứu đang được triển khai trên diện rộng, đòi hỏi tất cả các phòng ban đều phải tham gia để thông suốt dịch vụ cho khách hàng. |
“Ưu tiên quan trọng nhất là xử lý sự cố một số tuyến trục, vận hành metro POP và đảm bảo máy phát điện hoạt động liên tục; duy trì cáp quang ring kết nối các POP với nhau, luôn đảm bảo hoạt động cho POP, tránh mất kết nối POP ảnh hưởng toàn bộ dịch vụ cung cấp cho khách hàng; xử lý nhanh các tuyến cáp quang gốc, tiếp cận thuê bao để xử và ứng cứu nhanh nhất cho khách hàng; nối lại dây thuê bao bị đứt do bão làm như trồng lại cột, tỉa cây xanh...”, anh Hiếu thông tin.
Anh Võ Hùng Phi, Trưởng phòng Kỹ thuật FPT Telecom Bình Định, cho biết chi nhánh đã tuân thủ kịch bản Phòng chống lụt bão đã được đào tạo định kỳ hàng năm, INF chi nhánh đã triển khai nhiều phương án trước, trong và sau bão để hạn chế tối đa thiệt hại về hạ tầng. Các tuyến cáp ngoại vi ảnh hưởng khách hàng tập trung một số khu vực như Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, Diêu Trì, Phú tài, Bồng Sơn. “Từ ngày 31/10 đến 1/11, INF chi nhánh đã phối hợp với INF HO để lên phương án giải quyết những điểm quan trọng nhất và giải quyết thông suốt dịch vụ cho khách hàng. Đến ngày 2/11, chi nhánh tiếp tục nhận sự ứng cứu để giải quyết lượng khách hàng còn lại. Dự kiến mất khoảng 5 ngày để thông suốt tất cả dịch vụ cho khách hàng”, anh thông tin.
GĐ FPT Telecom Bình Định – anh Hoàng Anh thường xuyên túc trực và đi hiện trường để khắc phục sự cố, làm sao để ổn định chất lượng dịch vụ nhanh nhất. Anh cho biết chi nhánh thường xuyên họp và báo cáo kịp thời cho Ban điều hành và ngành dọc để có chỉ đạo và điều động nguồn lực hổ trợ kịp thời.
Chi nhánh cơ bản đã khắc phục được những điểm trọng yếu sau khi bão đi qua. |
Hình thành từ vùng áp thấp gần khu vực Biển Đông ngày 27/10. Sáng 28/10, vùng áp thấp này vượt qua phía bắc Philippines và đi vào Biển Đông, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới chiều cùng ngày. Chiều tối 29/10, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão (cơn bão số 5 năm 2019) và có tên quốc tế là Matmo. Sau khi hình thành, bão số 5 đã di chuyển nhanh, chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng từ 15-25 km/giờ. Tối muộn ngày 30/10, vùng tâm bão đổ bộ vào các tỉnh Bình Định - Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 11-12 và gây mưa rất to (200-300mm) cho các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên.
Tại TP Quy Nhơn, nhiều đoạn kè biển dọc đường Đống Đa đã bị sóng biển làm hư hỏng; cây xanh ở các tuyến đường An Dương Vương, Lê Lợi, Lý Thái Tổ, Vũ Bảo, Nguyễn Thị Định, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học… bị gió bão bẻ gãy hoặc xô bật gốc; hàng loạt trụ điện cao thế, hạ thế bị cây xanh ngã đổ vào làm đứt đường dây. Toàn bộ TP Quy Nhơn bị mất điện, đến trưa 31.10, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố mới được cơ bản phục hồi.
>> FPT Telecom dồn lực khắc phục sau bão Matmo
Việt Nguyễn
Ý kiến
()