Theo đó, GAM (Global Automotive Manufacturing) là cái tên được sáp nhập từ 2 đơn vị FGA và MFG với hàng chục đơn vị thành viên ở cả Việt Nam và Nhật Bản. Đây là sự thay đổi nằm tối ưu hoá hoạt động, nằm trong chiến lược mở rộng lĩnh vực Automotive (công nghệ phần mềm ô tô) của nhà Phần mềm. GAM ra đời với sứ mệnh mở rộng thị trường Automotive toàn cầu, đặt mục tiêu trở thành đối tác chiến lược của 20 công ty sản xuất thuộc Top 100 thế giới từ nay đến cuối năm 2024.
Với việc thành lập đơn vị mới, nhà Phần mềm kiên định việc phát triển theo chiều sâu để tạo ra năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững, tiến tới đẳng cấp toàn cầu. Chủ tịch FPT Software Chu Thanh Hà kỳ vọng, GAM sẽ viết lên những trang sử mới. “GAM là đơn vị hùng hậu bậc nhất. Với tinh thần tập thể, sự dũng cảm và bền bỉ của người FPT Software, tôi tin rằng GAM sẽ đạt được giấc mơ, có những sản phẩm và dịch vụ riêng của mình”, chị Hà khẳng định.
Anh Nguyễn Đức Kính, Giám đốc GAM, đánh giá việc này giúp tập trung năng lực công nghệ/giải pháp được linh hoạt hơn. GAM xây dựng kiến thức nghiệp vụ nằm ở các chuyên gia gần khách hàng; kĩ thuật cũng như các giải pháp công nghệ sẽ tập trung được ở các chuyên gia tại Việt Nam. Như vậy, các hoạt động đầu tư về công nghệ, giải pháp, nguồn lực về trung/dài hạn cũng sẽ được quyết định nhanh và tối ưu hơn.
Xe điện tự lái của FPT Software. Ảnh: Tư liệu |
FPT Software đã gia nhập sân chơi về Automotive được 5 năm. GĐ GAM đánh giá trong sân chơi này, nhà Phần mềm đã trở thành cái tên lớn ở mảng IVI (In-Vehicle Infotainment - tức lĩnh vực phần mềm hướng người dùng ô tô), vượt qua các đối thủ lớn nhất thế giới đến từ Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là tiền đề để FPT nhận được các hợp đồng trực tiếp từ OEM (hãng sản xuất ô tô), giúp FPT dần khẳng định vị thế.
Để tạo sự khác biệt, GAM sẽ tận dụng kinh nghiệm/kiến thức có được từ các dự án với khách hàng truyền thống tới các khách hàng mới cùng ngành trên toàn cầu, để đưa ra giá bán hay mô hình nổi trội. Theo anh Nguyễn Đức Kính, GAM sẽ hoạt động theo định hướng “tiền tuyến” (bộ phận bán hàng, gần khách hàng) tập trung vào khách hàng và xây dựng đội ngũ chuyên sâu về nghiệp vụ, quản lý kỳ vọng của khách hàng. Tất cả các việc khác về cơ bản sẽ được vận hành tập trung tại Việt Nam để đảm bảo tối ưu sức mạnh.
Trước đó, FPT Software chính thức cán mốc doanh thu 500 triệu USD vào ngày 28/12/2020, sau khi ký thành công hợp đồng với một khách hàng Nhật. “Con số nửa tỷ USD là một dấu mốc lớn, đặt niềm tin ngành xuất khẩu dịch vụ phần mềm, công nghệ thông tin Việt Nam sẽ có doanh nghiệp vượt ngưỡng 1 tỷ USD trong 2-3 năm tới. Và chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng, doanh nghiệp đó là FPT Software”, Giám đốc Tài chính nhà Phần mềm Nguyễn Khải Hoàn khẳng định.
So với năm 2019, FPT Software đạt mức tăng trưởng 10% doanh số và 13,5% lợi nhuận. Xét theo tỷ trọng doanh thu, Nhật Bản vẫn là thị trường dẫn đầu với đóng góp 49,5%. Tiếp đến, các thị trường Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương (APAC) và EU chiếm tỷ trọng lần lượt là 24,2%, 18% và 8,3%. Trong đó, thị trường APAC trong năm 2020 đã vượt Mỹ, vươn lên ngôi vị “Quán quân” về mức tăng trưởng doanh số với tốc độ 28%.
>>FPT Software hỗ trợ phát triển nguồn lực công nghệ ô tô cho AGL
Nguyễn Huy
Ý kiến
()