Chúng ta

FPT lọt Top 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam

Thứ năm, 15/12/2016 | 15:21 GMT+7

Tập đoàn bị tụt một bậc so với năm ngoái khi ô tô Trường Hải vươn lên vị trí số 1 trong danh sách 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, đẩy Vinamilk xuống vị trí thứ hai.

Ngày 14/12, Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng báo VietnamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn Việt Nam năm 2016. Đây là năm thứ 10 bảng xếp hạng VNR500 được công bố nhằm tôn vinh những doanh nghiệp đã đạt được thành tựu xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm tài chính 2015.

Năm nay, Top 10 doanh nghiệp tư nhân có thay đổi đáng kể. Ô tô Trường Hải, đơn vị nằm vị trí thứ 6 trong Top 10 của bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2015, vươn lên chiếm vị trí đầu tiên năm 2016. Sữa Việt Nam - Vinamilk - mất ngôi đầu bảng xuống vị trí thứ hai. Vàng bạc đá quý DOJI (DOJI), FPT và Vingroup lần lượt giữ vị trí thứ 3, thứ 4 và thứ 5.

DSC-7577-JPG-8652-1481784321.jpg

Người FPT tham gia sự kiện Ngày Vì cộng đồng tại Cần Thơ hồi tháng 3.

Nhóm sau của Top 10 gồm: Masan và Thế giới Di động chiếm vị trí thứ 6 và 8. Hòa Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tụt 2 hạng, lần lượt giữ vị trí thứ 7 và 9. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) đứng thứ 10 sau khi đánh bật Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) ra khỏi Top 10.

Trong bảng xếp hạng 10 doanh nghiệp có quy mô lớn nhất năm 2016 không có nhiều biến động so với năm 2015, hầu hết vẫn thuộc về các doanh nghiệp nhà nước. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp tục thống lĩnh vị trí đầu bảng.

Công ty TNHH Samsung Electronics Vietnam xếp ở vị trí thứ hai. Tiếp theo là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản (Vinacomin), Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn. Đáng chú ý, trong Top 10 doanh nghiệp có quy mô lớn nhất nước có một đại diện là doanh nghiệp FDI - Samsung Việt Nam.

Bảng xếp hạng VNR500 được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập của Vietnam Report có tham khảo mô hình Fortune 500 và chính thức được công bố lần đầu tiên vào năm 2007. Các doanh nghiệp không phải nộp bất kỳ khoản phí nào để được vào VNR500.

Lễ công bố chính thức VNR500 năm 2016 dự kiến được tổ chức vào ngày 19/1/2017, tại Khách sạn Daewoo, Hà Nội.

Theo Vietnam Report, phần lớn doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp 10 tháng đầu năm 2016 đều tăng lên về mọi mặt so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, 16% doanh nghiệp cũng đã có phản hồi doanh thu giảm và 15% doanh nghiệp đánh giá lợi nhuận sau thuế giảm trong giai đoạn vừa qua.

2016-12-15-131431.png

Top 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2015.

Dự báo cho tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2017 là khả quan đối với các mặt doanh thu, lợi nhuận và tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh nói chung và cho rằng các kết quả sẽ tăng lên hoặc ổn định so với cùng kỳ năm 2016. Khi được hỏi về kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp trong 2 năm tới, 76% doanh nghiệp phản hồi sẽ tăng quy mô kinh doanh, 19% có kế hoạch tăng và chỉ có 5% phản hồi giữ nguyên tình hình quy mô hiện tại.

Ngoài ra, trả lời khảo sát, gần 45% doanh nghiệp thể hiện ý định đầu tư ra nước ngoài trong vòng 5 năm tới, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khối ngành công nghiệp/chế tạo và dịch vụ/thương mại. Với các doanh nghiệp VNR500, điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất thuộc về các nước US/NAFTA (3 nước Bắc Mỹ: Canada, Mỹ, Mexico) và đặc biệt là các nước châu Á đang phát triển (Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia...)

Ngoài ra, gần 25% doanh nghiệp phản hồi đã thực hiện và đang trong tiến trình đàm phán mua bán - sáp nhập, liên doanh trong 3 năm qua và 10% doanh nghiệp trả lời đã tìm kiếm và thăm dò về các thương vụ này.

Kết thúc năm 2015, doanh thu toàn Tập đoàn FPT đạt 40.002 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với năm 2014, đạt 101% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) toàn tập đoàn đạt 2.851 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2014, đạt 100% kế hoạch.

Lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn đạt 2.438 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.933 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2014. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 4.369 đồng, tăng 17% so với 2014.

Năm nay, FPT đặt kế hoạch doanh thu dự kiến đạt 45.796 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2015. LNTT dự kiến đạt 3.151 tỷ đồng, tăng 10,5%.

>> FPT dự chi 100 triệu USD cho M&A ở Mỹ và Nhật

>> Chủ tịch FPT: 'Việt Nam sẽ thành Ấn Độ mới trong lĩnh vực công nghệ'

Nguyên Văn

Ý kiến

()