Chia sẻ bên lề Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN Bloomberg 2016, tổ chức tại Hà Nội ngày 8/12, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho hay, dự kiến mỗi năm FPT sẽ chi 50 triệu USD cho việc M&A.
"FPT muốn có thêm kiến thức chuyên môn trong những lĩnh vực cần cải thiện", người đứng đầu FPT nói với Bloomberg và cho biết, tập đoàn sẽ hướng tới dịch vụ công nghệ thông tin.
Nếu thành công, đây sẽ là bước tiến lớn trong hành trình nhắm đến mục tiêu doanh thu toàn cầu hoá cán mốc 1 tỷ USD vào năm 2020 bằng cả tăng trưởng tự nhiên (khoảng 30% mỗi năm) lẫn M&A. 10 tháng đầu năm nay, doanh thu toàn cầu hoá của FPT đạt hơn 203 triệu USD. "Chúng tôi tìm kiếm các cơ hội M&A khắp thế giới. Chúng tôi muốn thâm nhập sâu rộng hơn", Chủ tịch FPT tự tin.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình (giữa) trong sự kiện M&A quốc tế đầu tiên của FPT hồi năm 2014 tại châu Âu. |
FPT đang mở rộng hoạt động ra nước ngoài để thúc đẩy doanh thu tăng trưởng thông qua các thị trường phát triển hơn. Tháng 6/2014, FPT hoàn tất việc mua lại Công ty RWE IT Slovakia, thuộc Tập đoàn RWE (Đức). Kể từ ngày 1/7, RWE IT Slovakia được đổi tên thành FPT Slovakia, chính thức ghi dấu bước chân của FPT trên nấc thang toàn cầu hóa.
Với thương vụ RWE IT Slovakia, FPT đã mua năng lực công nghệ khi sở hữu 300 chuyên gia. Thương vụ này cũng cho FPT một khách hàng lớn (doanh thu của RWE là 70 tỷ USD, chi tiêu cho IT hằng năm gần 1 tỷ USD) và có cơ hội tham gia cung cấp dịch vụ cho lĩnh vực mới là Utility (hạ tầng gồm điện, nước, gas…) không chỉ tại thị trường châu Âu mà còn ở thị trường khác trên toàn cầu như Mỹ, Nhật.
FPT đang hiện diện tại 19 quốc gia với hơn 1.200 nhân sự là người nước ngoài. Tập đoàn cũng đang có khoảng 400 đối tác nước ngoài, trong đó có 40 hãng nằm trong nhóm Forbes 500 (danh sách 500 công ty hàng đầu tại Mỹ về doanh thu, lợi nhuận, tài sản, vốn hóa và nhân lực).
>> Mỗi ngày FPT thu về gần 16 tỷ đồng từ thị trường nước ngoài
Nguyên Văn
Ý kiến
()