Chúng ta

Chủ tịch FPT: 'Việt Nam sẽ thành Ấn Độ mới trong lĩnh vực công nghệ'

Thứ sáu, 9/12/2016 | 10:27 GMT+7

Chia sẻ với Bloomberg, anh Trương Gia Bình cho rằng Việt Nam đang có nhiều lợi thế tương tự Ấn Độ trước đây khi phát triển thành quốc gia outsourcing (dịch vụ thuê ngoài) về phần mềm, cụ thể là dân số vàng, giới trẻ đam mê Internet…

Gần đây, Cách mạng công nghiệp thứ 4 được nhắc tới khá nhiều và trở thành một cụm từ khá phổ biến trong nhiều diễn đàn xã hội. Theo GS. Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới được tổ chức đầu năm nay tại Thụy Sĩ, Industry 4.0 hay Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 (FIR), là một thuật ngữ bao gồm một loạt công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo. FIR được định nghĩa là “một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị” đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, Internet của vạn vật và Internet của các dịch vụ.

IMG-2047-JPG-2793-1481250429.jpg

Chủ tịch Trương Gia Bình là diễn giả trong phiên thảo luận chung của ASEAN Business 2016 do Bloomberg tổ chức ngày 8/12. Ảnh: Lan Anh.

So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 phát triển với tốc độ ở cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng. Hơn nữa, nó đang làm biến đổi mọi nền công nghiệp ở mọi quốc gia. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này tạo nên sự biến đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

Chia sẻ trong phiên thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN Bloomberg 2016, diễn ra ngày 8/12 tại Hà Nội, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh cơ hội trong cuộc cách mạng lần thứ 4 khi cho rằng xu hướng này đang mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam để “thành một Ấn Độ mới trong tương lai ở lĩnh vực công nghệ”.

“Việt Nam đang có nhiều lợi thế tương tự Ấn Độ trước đây khi phát triển thành quốc gia outsourcing (dịch vụ thuê ngoài) về phần mềm, cụ thể là lợi thế dân số vàng, giới trẻ đam mê Internet…”, Chủ tịch FPT nói và dẫn chứng trường hợp của Nguyễn Hà Đông, “cha đẻ” Angry Bird, đã rất thành công với những sản phẩm công nghệ trí tuệ.

“Dân số trẻ, yêu thích công nghệ là yếu tố hàng đầu sẽ giúp Việt Nam thâm nhập sâu vào cuộc cách mạng thứ 4”, Chủ tịch FPT nhấn mạnh và cho rằng, muốn trở thành “Ấn Độ thứ hai”, Việt Nam phải đổi mới trong lĩnh vực giáo dục. “Với nguồn nhân lực kỹ sư CNTT khoảng 500.000 người hiện nay phải tăng lên 1 triệu trong 5 năm tới mới có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành công nghệ”.

Để tận dụng cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, theo anh Bình, Việt Nam cần phải thúc đẩy chính sách tạo ra những vườn ươm công nghệ, khuyến khích khởi nghiệp. Quan trọng hơn, cần thay đổi toàn diện giáo dục và đào tạo để Việt Nam có một nguồn nhân lực vừa có tinh thần khởi nghiệp, vừa có năng lực sáng tạo và có dũng khí chấp nhận mạo hiểm khi tham gia cuộc cách mạng này; ứng dụng nhanh nhất những thành tựu mà cuộc cách mạng số tạo ra để nâng cao đột xuất, đột biến cho nền kinh tế đất nước.

“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với tên gọi “cách mạng số” đang diễn ra rất nhanh và sẽ làm thay đổi toàn diện diện mạo, tư duy người chủ - người làm thuê, cũng như cách thức làm việc trước đây của con người”, anh Bình nhận định. “Kinh tế số là cơ hội thay đổi vị thế đất nước cũng như vị thế của ngành CNTT ở Việt Nam”.

Trong cuộc phỏng vấn bên lề sự kiện với Bloomberg, anh Trương Gia Bình cũng chia sẻ quan điểm về tăng trưởng của công ty, định hướng M&A cũng như thách thức, cơ hội với kinh tế Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của biên tập viên Bloomberg về đánh giá của anh trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn cải tổ mạnh mẽ và tập đoàn đang có hoạt động kinh doanh trên khắp Việt Nam, Chủ tịch FPT tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. "GDP Việt Nam đã tăng với tốc độ trung bình 6,6% và năm 2017 dự đoán là 6,3%. FPT hoạt động trong mảng phần mềm, lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần", anh Bình nói.

1x-1_1481189799.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ bên lề sự kiện. Ảnh: Bloomberg

Người đứng đầu FPT thông tin thêm, FPT đã mở rộng ra quốc tế từ năm 1991 và nay đã hiện diện tại 19 quốc gia với hơn 1.200 CBNV là người nước ngoài. "Chúng tôi đã vững chân tại Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Hiện FPT có khoảng 30.000 CBNV và doanh thu 2 tỷ USD".

Chia sẻ về chiến lược mua bán - sáp nhập (M&A), anh Bình khẳng định FPT đang hướng đến mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD ở thị trường toàn cầu bằng cả hai cách là tăng trưởng tự nhiên (khoảng 30% mỗi năm) lẫn M&A. "FPT đang xem xét các thương vụ ở Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. Tập đoàn muốn gia tăng kiến thức chuyên môn trong những lĩnh vực cần cải thiện", Chủ tịch FPT cho biết và tiết lộ hướng M&A vẫn sẽ là dịch vụ CNTT - thế mạnh và là một trong những hướng chính của tập đoàn.

Khi được hỏi về khả năng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đổ vỡ, Chủ tịch FPT cảm thấy “rất đáng tiếc”. “Lý do bởi Việt Nam gần như là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Hiệp định không chỉ về thương mại tự do, mà còn là những cam kết cải tổ”. anh Bình nói. "Tuy nhiên, nếu không có TPP, Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển, mở cửa, tự do thương mại, tự do di chuyển con người, kỹ năng. Đó là cuộc chơi không ai dừng lại được, song có thể không có TPP thì sẽ chậm lại".

Chia sẻ với Bloomberg, anh cho biết FPT đang có khoảng 400 đối tác nước ngoài, trong đó có 40 đối tác thuộc Forbes 500 - danh sách 500 công ty hàng đầu tại Mỹ về doanh thu, lợi nhuận, tài sản, vốn hóa và nhân lực. “FPT đang hợp tác rất chặt chẽ với các nhà cung cấp nền tảng IoT (Internet of Things - Internet kết nối vạn vật), như GE với công nghệ Predix, IBM với Watson, Microsoft với Azure và Amazon với AWS.

“Vậy đối tác tương lai của FPT sẽ là những ai?”, biên tập viên Bloomberg đặt câu hỏi. “Tôi cho rằng họ sẽ là những người lãnh đạo thế giới. Ngày nay, các hãng lớn đều đang chuyển sang kỹ thuật số”, anh Bình nhấn mạnh. “Và FPT cũng đang tập trung vào ngành kinh doanh số”.

Video phỏng vấn bằng tiếng Anh:

Tháng 6/2014, FPT hoàn tất việc mua lại Công ty RWE IT Slovakia, thuộc Tập đoàn RWE (Đức). Kể từ ngày 1/7, RWE IT Slovakia được đổi tên thành FPT Slovakia, chính thức ghi dấu bước chân của FPT trên nấc thang toàn cầu hóa.

Với thương vụ RWE IT Slovakia, FPT đã mua năng lực công nghệ khi sở hữu 300 chuyên gia. Thương vụ này cũng cho FPT một khách hàng lớn (doanh thu của RWE là 70 tỷ USD, chi tiêu cho IT hằng năm gần 1 tỷ USD) và có cơ hội tham gia cung cấp dịch vụ cho lĩnh vực mới là Utility (hạ tầng gồm điện, nước, gas…) không chỉ tại thị trường châu Âu mà còn ở thị trường khác trên toàn cầu như Mỹ, Nhật.

>> FPT dự chi 100 triệu USD cho M&A ở Mỹ và Nhật

Chi Vy 

Video: Bloomberg

Ý kiến

()