Chúng ta

FPT là thương hiệu Công nghệ giá trị nhất Việt Nam

Thứ hai, 29/7/2019 | 16:50 GMT+7

Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 50 thương hiệu dẫn đầu trong các lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam. FPT là thương hiệu Công nghệ duy nhất trong Top 10 và tăng 43 triệu USD so với năm ngoái.

Tổng giá trị thương hiệu của danh sách 2019 đạt hơn 9,3 tỷ USD, tăng 1,2 tỷ USD so với danh sách lần thứ ba. Trong đó, 10 thương hiệu dẫn đầu gồm các tên tuổi quen thuộc là Vinamilk, Viettel, Sabeco, Vinhomes, Masan Consumer, MobiFone, VinaPhone, Vietcombank, FPT và Vincom Retail, với tổng giá trị hơn 6,9 tỷ USD.

2019-07-29-163223-6723-1564393594.png

Top 10 thương hiệu giá trị nhất năm 2019 của Forbes Việt Nam.

Đứng đầu danh sách năm nay là Vinamilk, với giá trị thương hiệu hơn 2,2 tỷ USD, tiếp theo sau là Viettel (2,1 tỷ USD). Vinamilk và Viettel cũng là 2 thương hiệu có giá trị vượt trội so với phần còn lại, trong đó Viettel là thương hiệu có giá trị thăng tiến nhanh nhất, từ 1,397 tỷ USD năm ngoái lên 2,163 tỷ USD năm nay.

Top 50 có 2 thương hiệu công nghệ gồm FPT (vị trí thứ 9, trị giá 215,2 triệu USD) và VNG (vị trí 26, trị giá 59,6 triệu USD). So với báo cáo năm 2018, thương hiệu FPT tăng hơn 43 triệu USD, từ mức 169 triệu USD năm ngoái lên 215,2 triệu USD năm nay.

Theo thống kê, có 20 thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam có giá trị trên 100 triệu USD. Xét theo lĩnh vực, nhóm ngành hàng thực phẩm và đồ uống có 10 đại diện, chiếm tỷ trọng nhiều nhất xét theo số lượng. Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, ngân hàng, viễn thông, bất động sản, bán lẻ chiếm tỷ trọng cao xét theo giá trị. Các ngành phụ trợ nông nghiệp, chứng khoán, du lịch và dịch vụ lưu trú chỉ có một đại diện.

Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này theo phương pháp đánh giá của Forbes (Mỹ), tính toán vai trò đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Những thương hiệu giá trị nhất là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong các ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo.

Sau khi lập danh sách sơ bộ hơn 100 công ty có thương hiệu mạnh, sản phẩm có độ phủ và mức độ nhận biết cao với người tiêu dùng, Forbes Việt Nam tính toán thu nhập trước thuế và lãi vay, sau đó xác định giá trị đóng góp của tài sản vô hình. Việc thu thập số liệu của các doanh nghiệp dựa trên báo cáo tài chính của các công ty. Một số công ty chưa niêm yết đồng ý cung cấp dữ liệu tài chính, một số công ty kiểm định qua các nguồn độc lập, tin cậy để tính toán.

Thu nhập thương hiệu mang lại cho doanh nghiệp được xác định từ giá trị đóng góp của tài sản vô hình sau khi đã áp thuế thu nhập doanh nghiệp và phân bổ tùy theo mức độ đóng góp của thương hiệu trong từng ngành. Giá trị thương hiệu chung cuộc được xác định dựa trên chỉ số P/E trung bình ngành trong khu vực. Với công ty chưa niêm yết, Forbes Việt Nam áp dụng phương pháp so sánh với công ty cùng ngành, cùng quy mô đã niêm yết để xác định giá trị thương hiệu.

Do phương pháp tính toán đòi hỏi dựa trên các số liệu tài chính, nên danh sách vắng bóng thương hiệu của một số doanh nghiệp nhà nước lớn không công bố số liệu tài chính hoặc các công ty tư nhân lớn không hợp tác cung cấp số liệu.

Kết thúc nửa đầu năm 2019, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT tăng 22,2% và 26,8% so cùng kỳ, lần lượt đạt 12.492 tỷ đồng và 2.139 tỷ đồng, tương đương 104% và 111% kế hoạch lũy kế.

Lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lần lượt đạt 1.780 tỷ đồng và 1.418 tỷ đồng, tăng 26,1% và 28,5% so cùng kỳ năm 2018. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 2.097 đồng, tăng 28,0%. Bên cạnh đó, tỉ suất lợi nhuận tiếp tục được cải thiện, đạt 17,1% (6 tháng đầu năm 2018 đạt 16,5%).

Đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính của FPT, khối công nghệ ghi nhận doanhthu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt lần lượt 6.964 tỷ đồng và 855 tỷ đồng, tăng tương ứng 27,6% và 44,4% so với cùng kỳ, tương đương 104% và 109% kế hoạch lũy kế. Trong đó, doanh thu tại thị trường nước ngoài của khối này đạt 4.932 tỷ đồng, tăng 37,8%; lợi nhuận trước thuế đạt 742 tỷ đồng, tăng 39,5%. Tất cả các thị trường nước ngoài đều có mức tăng trưởng doanh thu tốt trên 26%, trong đó thị trường Mỹ đạt mức tăng trưởng doanh thu cao nhất, tăng 85,8% so với cùng kỳ.

Với chiến lược tập trung vào chuyển đổi số, doanh thu mảng dịch vụ này mang lại 1.654 tỷ đồng cho FPT, tăng 40,9% so với cùng kỳ, đóng góp 34% tổng doanh thu của khối công nghệ tại thị trường nước ngoài (tỉ trọng này trong 6 tháng đầu năm 2018 là 33%).

Khối viễn thông đạt 4.922 tỷ đồng doanh thu, tăng 17,4%, đạt 103% kế hoạch lũy kế, LNTT đạt 822 tỷ đồng, tăng 13,0%, tương đương 107% kế hoạch lũy kế. Trong đó, doanh thu và LNTT của mảng dịch vụ Viễn thông lần lượt đạt 4.650 tỷ đồng và 684 tỷ đồng, tăng lần lượt 17,7% và 15,5% so với cùng kỳ.

Sau nửa đầu năm 2019, thị trường nước ngoài mang về cho FPT 5.208 tỷ đồng doanh thu, tăng 34,0% và 802 tỷ đồng LNTT, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng doanh thu và LNTT thị trường nước ngoài đóng góp vào kết quả hợp nhất của Tập đoàn lần lượt đạt 42% và 38% (6 tháng đầu năm 2018 lần lượt là 38% và 35%).

>> FPT tìm kiếm Under 35 mùa thứ tư

Hà An

Ý kiến

()