Tiếp nối lịch trình chuyến thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của người đồng cấp Kishida Fumio từ 22-25/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng nay gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản tại Chiyoda-ku, Tokyo, bàn về “Hợp tác phát triển chuyển đổi số”.
Toàn cảnh sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản. |
Sự kiện “cầu nối” giữa doanh nghiệp hai nước do Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp FPT và FPT Japan tổ chức. 20 doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản thuộc Top Fortune Global 500 như Hitachi, SBI, Sony, Daiwa Securities, SCSK, Dai Nippon Printing Co., KDDI… đã có cuộc gặp mặt, trực tiếp đặt câu hỏi và đưa ra kiến nghị tới người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, các bộ ngành liên quan về mục tiêu hợp tác chuyển đổi số giữa hai nước.
Phát biểu mở đầu chương trình, Thủ tướng nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế của thế giới, cùng với chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh… Riêng Việt Nam có chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, trong đó gồm 3 trụ cột là kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, với mục tiêu đến 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP.
Theo Thủ tướng, Việt Nam có nhiều thuận lợi để đẩy nhanh chuyển đổi số, như dân số vàng, nền tảng công nghệ thông tin, viễn thông, nền kinh tế có độ mở cao với 17 hiệp định tự do đã ký kết. Ông cũng nhấn mạnh sự hỗ trợ, ủng hộ của các nước bạn, bên cạnh nội lực để biến chuyển đổi số “vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác công tư khi nguồn lực nhà nước là có hạn với vai trò dẫn dắt, kích hoạt cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển. |
Đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đến định hướng thúc đẩy Chính phủ số, kinh tế số tại Việt Nam, đặc biệt là đề án chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 với các mục tiêu cụ thể ở từng lĩnh vực. “Vậy các doanh nghiệp Nhật Bản có thể hợp tác như thế nào thông qua chương trình này?”, đại diện SCSK đặt câu hỏi.
Theo Thứ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, Việt Nam có 5 nhóm lĩnh vực quan tâm, mong muốn hợp tác để khai thác thế mạnh của hai nước, gồm hạ tầng số, thiết bị IoT, phát triển nền tảng công nghệ số như AI, blockchain, hợp tác phát triển công nghệ mới, phát triển nhân lực về kỹ năng số.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đặt ra nhiều câu hỏi cụ thể trong từng lĩnh vực, vấn đề nổi bật trong mục tiêu thực hiện Chính phủ số, Kinh tế số. Nguồn lực con người được tập đoàn Sony đánh giá tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của thị trường Việt Nam, với “nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và trình độ phát triển công nghệ kỹ thuật cao”.
Đại diện các tập đoàn lớn trong lĩnh vực chuyển đổi số của Nhật Bản tại cuộc gặp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Dữ liệu số cũng được các doanh nghiệp Nhật quan tâm như một mô hình kinh tế mới, với các biện pháp thúc đẩy từ Chính phủ Việt Nam. Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam coi dữ liệu là tài nguyên mới, với nhiều sáng kiến, thể lệ, chính sách nhằm thúc đẩy nguồn tài nguyên này. Trong đó có phát triển cổng dữ liệu quốc gia, cung cấp dữ liệu mở của các cơ quan nhà nước. Việt Nam đặt mục tiêu lọt vào top 50 quốc gia về dữ liệu mở vào năm 2025.
Đại diện tập đoàn Hitachi nêu vấn đề chính sách hỗ trợ Chính phủ với doanh nghiệp công nghệ. Theo Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam có riêng một chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt, nhằm tăng tốc năng lực công nghệ và sức cạnh tranh. Mục tiêu đến năm 2025, 100% doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận chương trình này, trong đó 100.000 doanh nghiệp đã nhận hỗ trợ, và 100 doanh nghiệp hỗ trợ chuyển đổi thành công.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình tại sự kiện. |
“Các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tham gia hỗ trợ ở khâu cung cấp sản phẩm dịch vụ đầu vào, với các nền tảng số từ các tập đoàn có trình độ công nghệ cao. Bên cạnh đó là nguồn lực hỗ trợ trong chuyển đổi số, nâng cao trình độ năng lực, tham gia chuỗi giá trị”, Bộ trưởng bày tỏ.
Tổng kết, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp trước hết phải đến từ hoàn thiện thể chế, với thước đo sát sườn từ thực tiễn. Thứ hai là nguồn lực con người, bắt đầu từ nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số, các chương trình phải lấy con người - doanh nghiệp là trung tâm. Thứ ba, nguồn lực tài chính phải phù hợp, hiệu quả, khoa học. Thứ tư là đầu tư cho quản lý.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác công tư khi nguồn lực nhà nước là có hạn với vai trò dẫn dắt, kích hoạt cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển.
Sau cuộc gặp gỡ, đối thoại này, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida, hội kiến Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản, dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, chứng kiến việc ký kết văn kiện hợp tác của các doanh nghiệp hai nước.
Đoàn Chính phủ Việt Nam chụp hình lưu niệm với đại diện các doanh nghiệp Nhật. |
Đóng vai trò là đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện, đại diện FPT cho biết đây là bước tiến lớn trong mục tiêu hợp tác phát triển chuyển đổi số giữa hai nước, xúc tiến các hoạt động mũi nhọn nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế số, xã hội số, chính phủ số trong tương lai.
Trước đó, năm 2020, FPT là công ty công nghệ thông tin đầu tiên của Việt Nam gia nhập Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren), một trong những tổ chức có ảnh hưởng nhất về kinh tế đối ngoại và chính sách phát triển kinh tế Nhật Bản. Sự kiện đánh dấu mối quan hệ hợp tác sâu rộng giữa doanh nghiệp hai nước, khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt tại thị trường Nhật Bản.
Là công ty CNTT nước ngoài lớn nhất tại Nhật Bản, FPT đã tham gia và tích cực kết nối Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp tại quốc gia này. Gần nhất, FPT cũng tổ chức sự kiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp lãnh đạo 30 doanh nghiệp hàng đầu tại Nhật Bản hồi tháng 6/2019.
Sau 16 năm bước chân vào thị trường Nhật Bản, hiện FPT là doanh nghiệp CNTT nước ngoài có quy mô nhân sự lớn nhất tại đây. Với quy mô nhân sự hơn 1.700 người làm việc tại 12 văn phòng, chi nhánh ở Nhật Bản, FPT là cầu nối quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam Nhật Bản. |
Ý kiến
()