Tập đoàn truyền thông hàng đầu Nhật Bản - Nikkei Asian Review vừa công bố danh sách 300 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và có giá trị nhất châu Á - Asia300. Theo đó, 5 đại diện của Việt Nam lọt danh sách này gồm: FPT, Vinamilk, Vietcombank, PetroVietnam Gas và Vingroup.
Đại diện Nikkei cho biết, Asia300 cung cấp một cái nhìn tổng quan về những doanh nghiệp có năng lực phát triển nhất tại châu Á trong thế kỷ 21, sẵn sàng thách thức các thương hiệu phương Tây. Lựa chọn của Nikkei dựa trên các tiêu chí đánh giá: mức độ tăng trưởng, khả năng sinh lời, hiệu quả kinh doanh, tính lành mạnh về tài chính.
Việc đánh giá danh hiệu này căn cứ các chỉ số minh bạch của doanh nghiệp trên thị trường, tiềm năng tăng trưởng và có tính đến sự cân bằng địa lý. Thực hiện Bảng xếp hạng này là mạng lưới các văn phòng thống kê và thu thập tin tức của Nikkei trên khắp châu Á, với 140 năm kinh nghiệm và uy tín của tổ chức thông tin độc lập có uy tín nhất châu Á.
CEO FPT ký thỏa thuận hợp tác cùng đối tác. |
Đây là năm thứ 5 liên tiếp FPT có tên trong danh sách Nikkei Asia 300. Trước đó, năm 2014, FPT lọt Top 100 doanh nghiệp có tiềm năng phát triển và vốn hóa lớn trong khu vực ASEAN do Nikkei lựa chọn.
Trung Quốc là quán quân trong danh sách Asia 300 với 81 cái tên được chọn. Lần lượt sau đó gồm: Ấn Độ (44), Hàn Quốc (42), Đài Loan (Trung Quốc, 40), Indonesia và Thái Lan cùng có 25 công ty trong khi Malaysia và Singapore có 20 thương hiệu.
Năm 2018, doanh thu của tập đoàn công nghệ thông tin số 1 Việt Nam đạt 23.214 tỷ đồng, tăng 17,4%. Biên lợi nhuận gộp của công ty đạt 37,8%, tăng mạnh do không còn hợp nhất kết quả từ mảng bán lẻ. Sau khi tái cơ cấu, FPT tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là công nghệ thông tin, viễn thông và giáo dục. Mảng công nghệ giữ vai trò dẫn dắt trong chiến lược toàn cầu hóa của tập đoàn khi đem về doanh thu 13.402 tỷ đồng, chiếm hơn 57%.
Kết thúc 5 tháng đầu năm 2019, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT tăng trưởng 20,2% và 22,1% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 9.961 tỷ đồng và 1.719 tỷ đồng, tương đương 103% và 112% kế hoạch lũy kế.
Mới đây, lần đầu ra mắt giới đầu tư TP HCM ở vị trí CEO FPT trong sự kiện "Chuyển đổi số tại thị trường toàn cầu - cơ hội của FPT" tổ chức đầu tháng 6, anh Nguyễn Văn Khoa lần lượt trình bày về 3 trụ của FPT: nguồn lực, công nghệ và chuyển đổi số; tình hình kinh doanh của các mảng: Viễn thông, Giáo dục và bức tranh tài chính FPT 3 năm tới.
FPT 5 năm liên tiếp lọt Top 300 châu Á. |
TGĐ FPT cho rằng, với nguồn lực hiện có, mảng kinh doanh chuyển đổi số của FPT sẽ đóng góp rất lớn, thậm chí có thể chiếm đến 50% doanh thu của tập đoàn trong 5-10 năm tới. "FPT sẽ đi rất sâu vào công nghệ", người điều hành nhà F khẳng định. Dự kiến khối công nghệ sẽ đạt 1 tỷ USD doanh thu, đóng góp 60% doanh thu của tập đoàn vào năm 2021. Thị trường nước ngoài sẽ chiếm 73% doanh thu khối công nghệ.
Tỷ trọng đóng góp của khối công nghệ từ mức 58% cho giai đoạn 2016-2018 sẽ tăng lên 60% cho giai đoạn 2019 - 2021. Theo lãnh đạo FPT, mặc dù chỉ tăng thêm 2% sau 3 năm nhưng để nâng tỷ trọng đóng góp của mảng này lên đòi hỏi FPT phải chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, và thời gian phải "chín muồi".
Huyền Trang
Ý kiến
()