Chúng ta

Cổ đông lớn nước ngoài giảm tỷ lệ sở hữu FPT Retail

Thứ ba, 28/4/2020 | 08:11 GMT+7

Thành viên nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý vừa giao dịch bán bớt lượng sở hữu cổ phiếu nhà Bán lẻ để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới 16%.

Đại diện nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn của FPT Retail (HoSE: FRT) vừa báo cáo Uỷ ban Chứng khoán, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) và FPT Retail thông tin thay đổi về tỷ lệ sở hữu vượt quá ngưỡng 1%.

Cụ thể, quỹ Vietnam Co-Investment Fund thuộc nhóm quỹ ngoại Dragon Capital đã thực hiện giao dịch bán 246.500 cổ phiếu, khiến số lượng sở hữu giảm từ 356.500 (khoảng 0,45%) còn 110.000 (khoảng 0,14%). Ngày thực hiện giao dịch là 23/4. 

Giao dịch này khiến tổng số lượng cổ phiếu sở hữu của nhóm quỹ ngoại Dragon Capital giảm từ 12.879.625 xuống12.633.125. Tỷ lệ cổ phiếu sở hữu giảm từ 16,3070% xuống 15,9949%. 

Nhóm quỹ do Dragon Capital hiện quản lý gồm: Vietnam Enterprise Investments Limited, Wareham Group Limited, Amersham Industries Limited, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company, KB Vietnam Focus Balanced Fund, Hanoi Investments Holdings Limited và Vietnam Co-Investment Fund. Các thành viên đều nắm giữ FPT Retail, từ hơn 300.000 cổ phiếu đến hơn 3 triệu cổ phiếu.

frt-4651-1587987660.jpg

Giao dịch cổ phiếu FRT của nhóm Dragon Capital.

FPT Retail hiện niêm yết sàn HoSE với gần với gần 79 triệu cổ phiếu. Gần đây cổ phiếu FRT liên tục tăng trần nhiều phiên liên tiếp, gần nhất là tăng 8 phiên liên tiếp trong khoảng thời gian 15/4-24/4.

Mới đây, FPT Retail vừa thông báo dời lịch Đại hội cổ đông thường niên 2020 sang ngày 28/5. Kế hoạch tổ chức sự kiện này là ngày 20/3 nhưng phải hoãn do tình hình dịch Covid-19. Ngày giao dịch không hưởng quyền (ngày giao dịch mà người mua sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền tham dự đại hội cổ đông…) là ngày 7/5.

Trước đó, FPT Retail nhận giấy Đăng ký kinh doanh lần thứ 50 của công ty, thay đổi người đại diện theo pháp luật kể từ 17/3. Theo đó, chị Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị, sẽ chuyển vai trò người đại diện pháp luật sang anh Hoàng Trung Kiên - thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc - được bổ nhiệm từ 7/3.

Năm 2019, FPT Retail đạt doanh thu lũy kế 16.634 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm 2018. Doanh thu online đạt mức 3.899 tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với năm 2018 và chiếm tỷ trọng 23,4% tổng doanh thu của công ty. Kinh doanh phụ kiện và SIM số là điểm sáng khi đạt tốc độ tăng trưởng cao, cụ thể: số lượng phụ kiện và sim số bán ra lần lượt đạt 5,2 triệu và 858.000 sản phẩm, lần lượt tăng 29% và 67% so với năm 2018.

Từ đầu năm 2019 đến nay, FPT Retail thử nghiệm khá nhiều mảng kinh doanh mới. Tháng 5/2019, website của FPT Shop có thêm hạng mục mới - hàng quốc tế nằm ở góc phải màn hình trang chủ. Dự án này do FPT Retail bắt tay với Fado - một doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới với đối tác chính là Amazon - thực hiện.

Từ ngày 13/9/2019, FPT Shop lần lượt khai trương 20 cửa hàng bán mắt kính hàng hiệu tại TP HCM và Hà Nội. Cuối tháng 11 cùng năm, nhà Bán lẻ FPT mở cửa hàng FBeauty chuyên kinh doanh các dòng sản phẩm mỹ phẩm làm đẹp nhập ngoại cao cấp. Tháng 1 vừa qua, FPT Retail khai trương bán các dòng đồng hồ nhập khẩu tại một số cửa hàng FPT Shop trên địa bàn TP HCM và Đà Nẵng. Đầu tháng 2, hơn 600 cửa hàng FPT Shop đã bắt đầu kinh doanh vé máy bay nội địa. FPT Retail đặt mục tiêu trở thành công ty bán lẻ đa ngành hàng đầu Việt Nam.

>> FPT Retail đẩy mạnh bán online, giao tận nhà mùa Covid

Thủy Minh

Ý kiến

()