Khách mời của talk Nguy - Cơ số 9 mùa 2 - anh Dương Dũng Triều - Chủ tịch FPT IS đã chia sẻ về hành trình 3 tháng FPT tham gia xử lý quá tải sàn HoSE.
100 ngày xử lý quá tải
Cuối quý IV năm 2020, lượng giao dịch, lượng nhà đầu tư vào chứng khoán tăng đột biến. Hệ thống thỉnh thoảng bị quá tải, không giao dịch được. Điều này phát sinh từ việc hệ thống phần mềm giao dịch của HoSE thời gian qua đã sử dụng giải pháp cũ được Chính phủ Thái Lan tài trợ từ năm 2000. Trong bài toán hệ thống giao dịch đó, tham số là tổng giao dịch lệnh một ngày khoảng 900.000 lệnh.
HoSE tiến hành cơ chế phân bổ số lượng lệnh giao dịch một ngày cho các công ty chứng khoán. Có hai vấn đề xảy ra, thứ nhất là quá tải cục bộ, một số doanh nghiệp lớn như SSI hay VNDirect nếu số lượng lệnh tăng đột biến, chạm ngưỡng giới hạn lệnh thì hệ thống tự dừng, không giao dịch được, không trả kết quả. Thứ hai là tổng giao dịch của thị trường của tất cả công ty chứng khoán đạt đến 90% trong số 900.000 lệnh thì hệ thống tự động chạy chậm.
Hai việc này khiến người dân không gửi lệnh vào giao dịch được, không đọc được kết quả trả về, một số thời điểm nhà đầu tư bị mù thông tin, không biết nên mua hay bán, gây ra tâm lý lo lắng, hỗn loạn trên thị trường.
Ví dụ, trong top 20 công ty chứng khoán hàng đầu, số lượng lệnh giao dịch tăng ít nhất trên 3 lần, bình quân có lên đến 5, 6 lần. Có những ngày, từ sáng 15 phút đầu tiên hệ thống đã nghẽn ở công ty chứng khoán nào đó.
Khi biết hệ thống bị quá tải, anh Triều tiếp xúc với lãnh đạo HoSE và Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán, đề xuất FPT có thể triển khai thay thế hệ thống cũ bằng hệ thống mới. Tuy nhiên, cả hệ thống HoSE lẫn Uỷ ban Chứng khoán đều đang vướng dự án KRX, đã đầu tư rất nhiều tiền và theo nguyên tắc của nhà nước thì không thể đầu tư hai lần trên cùng một dự án.
Sau đó, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đặt vấn đề, đồng ý doanh nghiệp tư nhân sẽ tài trợ cho Bộ Tài chính và HoSE cũng như Uỷ ban chứng khoán thay thế một phần mềm mới, giải quyết vấn đề cơ bản về nguồn vốn đầu tư.
Thời điểm đó, anh Triều tự tin là FPT làm được vì hai bên đã đồng thuận phương án. FPT cũng có kinh nghiệm 30 năm triển khai các phần mềm lớn của quốc gia và đồng hành với ngành chứng khoán từ năm 2000, nên đủ hiểu biết về ngành. Tự tin, song doanh nghiệp cũng gặp áp lực lớn vì đây là hệ thống mà hàng trăm nghìn nhà đầu tư quan tâm.
Để chạy được hệ thống không chỉ là vấn đề phần mềm, mà còn là vấn đề như hạ tầng thiết bị, phần cứng, mạng lưới, bảo mật, cơ chế. Khi thành lập đội dự án, Chủ tịch FPT IS thấy cần có một người đủ khả năng bao quát các vấn đề, nên chọn một nhân sự quản trị dự án nhiều kinh nghiệm. Doanh nghiệp cũng tập hợp các nguồn lực, với khoảng 50 cán bộ từ các đơn vị thành viên của Tập đoàn FPT cũng như một số công ty phần mềm ngoài.
Cuối cùng là cơ chế phối hợp với HoSE để họ giải quyết các vấn đề không phải công nghệ, như làm sao được chấp nhận văn bản của Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán, để họ phối hợp, làm việc với mình đêm ngày để triển khai thành công dự án.
Hệ thống đi vào hoạt động ngày 5/7, nhưng khó khăn mà FPT gặp lại là phần mềm các công ty chứng khoán chất lượng không đồng đều. Hai hôm đầu, số lượng lệnh lớn khiến phần mềm công ty chứng khoán bị sập. Một loạt công ty không lường được lượng người vào tăng động biến nên bị quá tải. Một số công ty đóng cửa giao dịch cả ngày.
Khi đó, doanh nghiệp phải thuyết phục, hướng dẫn, giải thích cho lãnh đạo HoSE và Bộ Tài chính vì sao xảy ra việc đó, đề xuất họ cũng phải truyền thông giải thích không phải do hệ thống khớp lệnh từ sàn HoSE mà là từ công ty chứng khoán.
Từ thực trạng một số công ty không đặt nặng vấn đề chuyển đổi số, anh Dương Dũng Triều mong muốn các công ty chứng khoán nói riêng và toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam nói chung kiểm soát, làm chủ hệ thống phần mềm của mình. "FPT sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc giúp các doanh nghiệp có thể làm chủ, vận hành hệ thống trơn tru".
Mục tiêu mà FPT và Bộ Tài chính đặt ra khi triển khai hệ thống mới là nâng số lượng giao dịch một ngày đến 3-5 triệu lệnh và bỏ cơ chế phân bổ lệnh trong giao dịch cho các công ty chứng khoán, đảm bảo việc không xảy ra quá tải.
Tuy nhiên, nếu thị trường tiếp tục bùng nổ và số lượng lệnh có thể tăng lên, với việc làm chủ công nghệ của FPT cũng như các doanh nghiệp trong nước thì có thể dự đoán, ví dụ tháng tới hệ thống lên cao hơn mức này, phải tăng phần cứng lên, chỉnh sửa đảm bảo khi hệ thống tăng không xảy ra sự cố quá tải như trước.
Để giải được bài toán lớn đó, FPT phải hiểu biết về nghiệp vụ, công nghệ, có cái nhìn tổng quát để biết yếu tố nào là rủi ro, yếu tố nào ảnh hưởng đến việc vận hành hệ thống, quản trị. Có người phải bao quát hết các luồng thông tin, để đạt đúng tiến độ, đó là cái kinh nghiệm hun đúc của FPT trong việc triển khai các dự án lớn của đất nước trong 30 năm vừa qua.
Cơ hội cho đội ngũ Việt Nam
Phần mềm nước ngoài có một điểm quan trọng là họ triển khai số lượng khách hàng nhiều hơn. Tức là họ làm cho cả thế giới chứ không riêng một nước, phần mềm họ viết ra giải quyết tổng quát hơn và mềm dẻo hơn hoặc đáp ứng được tương lai. Nhưng khi triển khai vào một nước cụ thể như Việt Nam gặp khó khăn vì có một số đặc thù. Khi đó công ty Việt Nam có lợi thế để giải quyết cơ chế đặc thù, ông Triều nói.
Với việc thành công triển khai ở Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, vị thuyền trưởng của FPT IS tin việc công ty trong nước có thể tiếp nhận và triển khai những giải pháp tương tự nước ngoài, tận dụng những đặc thù của Việt Nam, đảm bảo hệ thống tốt hơn cho khách hàng Việt Nam.
Hiện nay, doanh nghiệp lớn nhỏ đều có vấn đề khi triển khai chuyển đổi số. Vấn đề doanh nghiệp lớn có nguồn lực, sẵn sàng chi tiền nhưng quan trọng là lãnh đạo có quyết tâm hay không. Trong khi doanh nghiệp nhỏ thích chuyển đổi nhưng không đủ nguồn lực.
Ảnh cắt từ talkshow Nguy - Cơ số 9 mùa 2. |
Để triển khai được, FPT có phương pháp luận gọi là FPT Kaizen cho việc tư vấn và chuyển đổi số. Phương pháp đúc rút từ kinh nghiệm của FPT và sự tư vấn của các chuyên gia hàng đầu thế giới.
Cách FPT tư vấn cho các doanh nghiệp hiện nay: một là, vẽ ra ước mơ lớn về chuyển đổi số, công nghệ số, chiến lược kinh doanh nhưng sẽ bắt đầu khởi động từ việc nhỏ để thành công nhanh. Sau đó làm sao có kỹ năng phát triển mở rộng nhanh cho doanh nghiệp mình.
FPT gọi đấy là 3S: thứ nhất là Strategic nghĩ lớn, thứ hai là Smart khởi động một cách thông minh, thứ ba là Scale phát triển rất nhanh.
"Với tư duy như thế, phần mềm Việt Nam lại thành ưu điểm. Ví dụ vừa rồi tập đoàn này mua Base - startup tập trung định hướng vào thị trường phù hợp, quy mô nhỏ. Cách họ làm rất bài bản, tăng trưởng nhanh, là điển hình cho việc doanh nghiệp Việt có thể thành công, cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, bằng cách thay đổi tư duy đầu tư và triển khai phần mềm", anh Triều nói.
Theo anh Triều, một kiến trúc công nghệ thông tin của doanh nghiệp có sơ đồ để nhìn được lộ trình triển khai phần mềm cái nào trước, cái nào sau và tích hợp với nhau như nào.
Cách tiếp cận theo kiểu 3S của FPT sẽ giải quyết vấn đề doanh nghiệp không phải đầu tư quá lớn trong khi chưa có nhu cầu sử dụng, thay vào đó là làm hệ thống nhỏ, giải quyết bài toán nhỏ trước, mà doanh nghiệp gọi là các vấn đề nhức nhối trước và thành công nhanh sau đó mới tiếp tục. "Tôi nghĩ doanh nghiệp Việt Nam có thể có kiến trúc tổng thể đấy và xây dựng được ứng dụng triển khai chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam", Chủ tịch FIS nói thêm.
Để đảm bảo hệ thống vận hành trơn tru trong tình hình Covid-19, trong vòng 30 ngày tới, FPT sẽ hỗ trợ HoSE ba việc. Thứ nhất, lập 2 trung tâm vận hành dự phòng, 1 trung tâm ngay trong khuôn viên HoSE nhưng ở toà nhà khác. Thứ hai là một trung tâm ở khu Công nghệ Phần mềm Quang Trung để trong trường hợp tòa nhà ở HoSE bị phong toả vận hành được hệ thống ở Phần mềm Quang Trung. FPT chuẩn bị nguồn lực để trong trường hợp người bị cách ly hết vẫn có cơ chế hỗ trợ cho HoSE. Thứ 3 là lập cơ chế làm sao để ở Hà Nội vẫn có thể vận hành được.
Anh Triều khẳng định rằng với việc triển khai hệ thống phần mềm mới, việc quá tải là việc không xảy ra nữa. Trong tương lai bất cứ vấn đề quá tải gì, thậm chí thay đổi quản lý của hệ thống, ví dụ sắp tới là chuyển từ lô 100 về lô 10, FPT và HoSE có thể làm chủ được mà không cần gọi các chuyên gia nước ngoài, đảm bảo hệ thống tiếp tục vận hành thông suốt.
>> Giám đốc dự án HoSE: ‘Tôi nhận lời vì dự án khó, phức tạp’
VnExpress
Ý kiến
()