100 ngày FPT ‘khơi thông dòng chảy’ HoSE
Từ lời hứa xử lý tình trạng quá tải giao dịch tại HoSE trong 100 ngày đến sáng ngày 5/7 khi sàn HoSE khớp lệnh phiên ATO để xác định giá mở cửa thành công là hành trình thể hiện tinh thần “One FPT” rõ nét.
Sáng 5/7.
Trước 9h, tại phòng vận hành đặt ở tầng 2 tòa nhà Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, cả đội ngũ kỹ thuật FPT và HoSE vẫn khẩn trương, gấp rút hoàn thành những công việc không ngừng nghỉ như suốt 3 tháng qua.
Nhưng trong một khoảnh khắc, trước giờ G, không khí chợt lắng lại. Mấy chục con người trong căn phòng có cùng biểu cảm hồi hộp chờ đợi. Dường như không ai dám thở mạnh.
9h15 phút. Sàn HoSE khớp lệnh phiên ATO xác định giá mở cửa thành công. Dòng chảy đã được khơi thông. Tất cả vỡ oà. Tiếng vỗ tay vang lên.
Chưa kịp định thần, Dương Văn Thuỷ - Phó Giám đốc khối Sản xuất FPT IS, Quản trị dự án HoSE - được bao trọn trong cái ôm của CEO FPT Nguyễn Văn Khoa và chị Đặng Thị Thanh Hương, Giám đốc Hệ thống thông tin (CIO) Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM.
Khoảnh khắc đó, anh Thủy biết, mình và các cộng sự FPT đã hoàn thành sứ mệnh với dự án lịch sử, kéo dài 100 ngày đêm.
“FPT sẽ nhận nhiệm vụ xử lý vấn đề kỹ thuật của thị trường chứng khoán HoSE”, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình nói với Thủ tướng tại “Đối thoại 2045” diễn ra vào tháng 03/2021.
Trong tâm thế cùng chia sẻ khát vọng về một dân tộc hùng cường, đất nước phồn vinh, anh Bình mong muốn Chính phủ hãy tin tưởng vào khối doanh nghiệp tư nhân. Đây là một nhiệm vụ khó nhưng FPT vẫn mạnh dạn nhận về mình, vì trên hết Tập đoàn có khát vọng cũng như năng lực, kinh nghiệm để cùng chung tay giải quyết các vấn đề lớn của quốc gia.
Nhận giải “bài toán danh dự” đó trong nội bộ Tập đoàn là Chủ tịch FPT IS Dương Dũng Triều - người có gần 20 năm kinh nghiệm xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam từ những ngày đầu.
“Đây là một bài toán khó”, anh Triều thừa nhận, “cần giải quyết tổng quan cả hệ thống chứ không đơn thuần là xử lý sự cố kỹ thuật của một phần mềm”.
Thông thường, việc xây dựng một hệ thống có thể xử lý lượng giao dịch lớn được triển khai trong điều kiện không dịch bệnh và áp lực thời gian, thì phải tính đơn vị năm mới hoàn thiện. Nhưng đội dự án chỉ có 100 ngày.
Quy mô dự án không lớn, nhưng khó và nhiều áp lực: khó vì cần có sự phối-kết hợp đồng bộ của nhiều bên, bài toán kỹ thuật cần độ chính xác, an toàn và tính bảo mật cao; áp lực vì thời gian gấp gáp trong điều kiện dịch Covid bùng phát.
Bài toán cần giải là nâng công suất xử lý 3-5 triệu lệnh một ngày, ít nhất gấp 3 lần hiện tại và bỏ cơ chế phân bổ cho các công ty chứng khoán để tránh quá tải cục bộ.
Anh Triều xác định, đây là lúc cần huy động và phát huy các thế mạnh của cả nhà F, trong bối cảnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, HoSE và các bên liên quan để đưa ra lời giải đúng hạn.
Nhìn nhận trước vấn đề, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã triệu tập tất cả “tư lệnh” từ các công ty thành viên để đưa ra cách giải. Các tư lệnh liền chọn những người thiện chiến nhất để cùng “khơi thông” dòng chảy HoSE.
Giải pháp đưa ra là mọi xử lý phải thực hiện chính xác tuyệt đối với thời gian tính bằng mili giây và không được phép để hệ thống ngừng hoạt động dù chỉ một giây. Mọi thay đổi hay giải pháp đưa ra đều phải thực hiện tại dự án, đảm bảo không làm ảnh hưởng, không điều chỉnh bất cứ điều gì liên quan đến các thành viên thị trường.
“Chúng ta phải đề xuất những gì tốt nhất có thể”, với vai trò review hệ thống và điều động lực lượng xử lý triệt để những tồn đọng khiến hệ thống chưa vận hành tốt, CTO Vũ Anh Tú nhấn mạnh.
“FPT đã chuẩn bị mọi phương án triển khai, sẵn sàng trong mọi trường hợp”, anh Triều tự tin “vào trận”.
Khi Chủ tịch nhà Hệ thống giao chỉ huy “trận chiến trăm ngày”, anh Dương Văn Thủy nhận nhiệm vụ không chút do dự, vì “đây là dự án thú vị, phức tạp và rất quan trọng với FPT”.
Trước đó, “vị tướng chiến trận” thuộc Ban Quản lý sản xuất FPT IS đã có kinh nghiệm triển khai nhiều dự án phức tạp, như hệ thống cho các ngân hàng lớn bậc nhất Việt Nam. Anh Triều đánh giá “chiến tướng” Thủy cực kỳ phù hợp với “dự án triển khai trong thời gian ngắn, yêu cầu độ chính xác và tính bao quát cao” như lần này.
50 chuyên gia tinh nhuệ, có nhiều năm kinh nghiệm về nghiệp vụ tài chính chứng khoán, các kỹ sư hàng đầu về công nghệ phần mềm, hạ tầng… được quy tụ khẩn trương nhất có thể.
Đầu tháng 5, những nhân sự cốt lõi đầu tiên vào Sài Gòn để khảo sát, đánh giá trước khi bắt tay vào công việc.
Không chỉ từ nhà Hệ thống (nòng cốt là Khối ngành Ngân hàng - FPT IS Bank và Trung tâm Giải pháp và Dịch vụ hạ tầng Công nghệ thông tin - FPT IS ISS) mà lực lượng được triệu tập từ các CTTV khác như FPT Telecom (Trung tâm điều hành mạng - NOC và Trung tâm An ninh mạng - CSOC); FPT Software (đơn vị chuyên về bảo mật Cyber Security Assurance Service (SAS), Đơn vị Phần mềm Chuyên ngành Năng lượng - Customization Energy Platform (CEP).
Các “chiến binh” mau chóng nhập vào các cánh quân, tiến thần tốc trên mặt trận của mình. Không một ai ngần ngại dù biết sẽ bước vào chuỗi ngày đầy thách thức, thậm chí có thể kiệt sức vì khối lượng và áp lực công việc khổng lồ.
“Chiến tướng” Dương Văn Thủy cùng các chiến binh trong team dự án ngồi trực chiến trong 2 căn phòng nhỏ luôn căng như dây đàn tại HoSE. Các cánh quân khác làm việc online, kết nối 24/7, luôn sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu từ “tiền tuyến”.
“Với sự cam kết, đồng lòng tại FPT, nhất quyết phải về đích dự án đúng hạn, đồng thời đảm bảo chất lượng. Tất cả những gì ngăn cản điều này phải được tháo gỡ ngay”, anh Thủy thể hiện ý chí sắt đá.
Kế hoạch 100 ngày được chia làm 5 giai đoạn kín kẽ gồm khảo sát; phát triển hệ thống; giao HoSE kiểm tra tính đúng đắn; kiểm thử diện hẹp tại 24 công ty chứng khoán hàng đầu và mở ra kiểm thử diện rộng tại 73 thành viên toàn thị trường đồng thời giả lập trên hệ thống.
“Để hệ thống hoạt động tốt nhất, toàn đội xác định cần đáp ứng hai yếu tố chính: phần mềm đảm bảo về khối lượng lệnh đặt, lệnh khớp; thời gian phản hồi lệnh đặt, lệnh khớp và thời gian phản hồi của hệ thống xử lý lúc cao điểm. Về hệ thống hạ tầng cần duy trì ổn định, hoạt động trơn tru suốt quá trình vận hành”, anh Trần Thành Trung, cán bộ chủ chốt nhóm Core - Gateway, giải thích.
Theo anh Nguyễn Thành Công - Chuyên gia an ninh mạng CSOC (FPT Telecom), thực tế các vấn đề dự án này cũng đã gặp phải trong các bài toán dữ liệu lớn ở FPT Telecom. Tuy nhiên, việc áp dụng vào hệ thống của HoSE gặp nhiều khó khăn do những yêu cầu đặc thù của sàn chứng khoán. Mỗi vấn đề phải xây dựng 3-4 phương án khác nhau và tùy theo tình hình thực tế để loại trừ dần.
Câu chuyện đáng nhớ với nhiều thành viên dự án là việc khắc phục một lỗi thiết kế ban đầu. “Đó là lỗi rất khó, thậm chí cấu hình, tính năng tương tự ở Việt Nam rất ít được dùng, khiến ngay cả hãng lớn như Cisco cũng lúng túng”, anh Nguyễn Thành Đạt - Trưởng phòng NOC.IP, FPT Telecom - cho hay.
Sau 2 tuần, lỗi được xử lý. Đội nhà Viễn thông tiếp tục hỗ trợ FPT IS rà soát lại toàn bộ phần hạ tầng mạng của dự án. Đồng thời phối hợp các nhóm phần mềm, kỹ thuật của HoSE để kiểm tra tải của hệ thống một cách toàn trình.
Trong những ngày “thần tốc” đó, các cánh quân không chỉ duy trì mà còn được bổ sung lực lượng ngay khi có yêu cầu phát sinh.
Như anh Trần Quốc Ngữ (đơn vị Đơn vị Phần mềm Chuyên ngành Năng lượng – CEP, FPT Software), đang miệt mài với sản phẩm mới thì nhận được lời nhắn của sếp: mang tool kiểm thử ART của CEP hỗ trợ dự án HoSE. “Tôi rất vui khi sản phẩm có thể hỗ trợ công việc quan trọng của Tập đoàn”, anh Ngữ hào hứng. Tool này do anh em kỹ sư FPT Software tự phát triển trong quá trình làm dự án cho đối tác dầu khí. Để phù hợp công việc kiểm thử HoSE, nhóm đã bổ sung ngay một số chức năng mới.
Được triệu tập muộn nhất, đơn vị chuyên về bảo mật Cyber Security Assurance Service (SAS) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi nâng cao khả năng bảo mật của hệ thống. “SAS đã thần tốc lên kế hoạch và thực hiện công việc trong vòng 2 tuần với tinh thần chuyên nghiệp, nhanh chóng và cực kỳ chính xác” - “tướng” Thủy không tiếc lời khen ngợi cánh quân này.
Đầu tháng 5.
Tình hình dịch Covid-19 tại TP HCM trở nên phức tạp với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cả quân, cả tướng đều có những ngày không có thời gian để thở. Khối lượng công việc, sự căng thẳng gần như vắt kiệt sức họ. Nhiều việc chỉ đêm mới có thể làm, khi nhà đầu tư ngon giấc, khi giấy tờ hồ sơ tạm đóng lại…
Vì vậy, anh em cùng nhau bò ra, tranh thủ thử, tải, chia nhau trực. Khi được tập đoàn tạo điều kiện tiêm vaccine Covid-19, họ cũng chia thành 2 nhóm tiêm cách ngày để đảm bảo công việc và sức khỏe. “Bị sốt do phản ứng sau tiêm, cơ thể mệt mỏi nhưng thành viên trong team vẫn làm việc đến 2h sáng”, anh Trung cảm kích nhớ lại.
Trong khi trên “chiến tuyến”, các kỹ sư, chuyên gia làm việc “ngày trộn đêm”, thì tại đầu não nhà F, “Bộ tổng tham mưu” cũng có những cuộc họp kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Vì như lời Chủ tịch Trương Gia Bình: “Chúng ta gấp đến mức tưởng như không có thời gian để bàn, nhưng vẫn phải họp. Họp để đưa ra các quyết định cực kỳ kịp thời và chính xác”.
“Tuy khiến người trong cuộc khá stress, nhưng đó là việc cần thiết. Tất cả vì cái đích chung là cùng nhau tìm kiếm các giải pháp an toàn, tiết kiệm nguồn lực nhất, chạy đua với thời gian” - “tư lệnh” Dương Dũng Triều đúc kết.
Cách hạn Go-live 1 tuần. Không khí nóng hơn bao giờ hết.
Kết quả thử nghiệm nhích dần từng mốc một. 70%, rồi đến 73%, có lúc lại rớt xuống hơn 60%... Nhịp tim và tâm trạng các thành viên dự án cứ phập phồng theo số liệu.
“Ghê răng phết, như có cả triệu người theo dõi”, đến một người lăn lộn với thị trường chứng khoán nhiều năm như anh Triều còn cảm thấy rõ như thế. “Bạn bè, rồi ngay cả những người ít liên lạc cũng nhắn tin, hỏi han về hệ thống, tôi cảm thấy sức ép ngày càng tăng”.
Anh Hoàng Thăng Hùng, cán bộ Công nghệ Hạ tầng ứng dụng, tâm sự: “Anh em không có ngày nghỉ cuối tuần. Đặc biệt, trong thời gian chuyển đổi, mọi người đều ở lại chỗ làm tới 3-4h sáng, sau đó chỉ nghỉ ngơi chốc lát rồi tiếp tục trận chiến”.
“Nhưng người F phải làm và chắc chắn thành công”, anh Nguyễn Thành Đạt như nói thay cho quyết tâm của toàn dân F.
Thời điểm này, CEO Nguyễn Văn Khoa thấu hiểu những vất vả của các cộng sự. Anh xuất hiện thường xuyên trong 2 căn phòng nhỏ tại HoSE để động viên, thăm hỏi anh em dự án và sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.
Tại “Đại bản doanh” dự án đặt ở HoSE. Anh em đều sẵn sàng. Một vài gương mặt hốc hác do thiếu ngủ, nhưng không giấu được sự kỳ vọng vào thời điểm then chốt này. Hệ thống được cả HoSE và FPT kiểm tra lần cuối. Mạng chạy ro ro.
7:00 Hệ thống chạy ổn định. Các chuyên gia của FPT vẫn túc trực để xử lý những sự cố nếu có. Không có lỗi lớn nào xảy ra. Những lỗi nhỏ được phát hiện kịp thời và xử lý nhanh gọn.
8:00 65/73 công ty chứng khoán kết nối thành công vào hệ thống mới.
8:15 Con số kết nối thành công nhảy lên 70/73 công ty chứng khoán. Những khoảnh khắc cuối cùng của hành trình 100 ngày giờ đây chỉ còn được tính bằng giờ, bằng phút.
9:15 Cả thị trường hào hứng. Hệ thống mượt mà. Tất cả thở phào, như trút được tảng đá đè nặng lồng ngực bấy lâu.
Chị Đặng Thị Thanh Hương - Giám đốc Hệ thống thông tin HoSE - hài lòng thốt lên: “Team dự án FPT là những người tinh nhuệ nhất mà tôi từng làm việc”.
“Tư lệnh” Triều vui mừng nhưng rất bình tĩnh chia sẻ về chặng đường còn gian nan phía trước. “Theo cam kết FPT tiếp tục hỗ trợ vận hành hệ thống. Rất cảm ơn và mong rằng, các bạn dự án sẽ tiếp tục duy trì tinh thần “One FPT” như hiện tại, để đáp ứng kỳ vọng các bên liên quan và thị trường”, anh Triều nhắn nhủ.
Khẩn cấp, căng thẳng đến nghẹt thở. Cuộc chiến lần này gợi liên tưởng đến bộ phim chiến tranh sử thi có ảnh hưởng bậc nhất tại Hollywood “Saving Private Ryan” của đạo diễn Steven Spielberg. Đem được Ryan trở về tức là giành lại niềm hy vọng cuối cùng của một bà mẹ, trên tất cả là cứu lấy danh dự của một quốc gia. Với FPT, khơi thông thành công dòng chảy HoSE cũng chính là khẳng định lời hứa danh dự của một công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Như lời khẳng định của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: “100 ngày khắc phục quá tải HoSE là cuộc chiến đấu vì màu cờ sắc áo, vì danh dự. Càng khó khăn thì người FPT sẽ càng tỏa sáng”.
Nội dung: An Thảo My
Thiết kế: Chúng ta
Ý kiến
()