Chúng ta

Từ 5 người, FPT APAC thành công ty Việt lớn nhất ở Singapore

Thứ hai, 3/4/2017 | 10:31 GMT+7

Sau 10 năm hoạt động, FPT châu Á Thái Bình Dương (FPT APAC) tại Singapore đã trở thành nhà đầu tư Việt Nam lớn nhất tại đây với số vốn đầu tư 4,5 triệu USD và cũng là công ty CNTT Việt Nam lớn nhất tại Singapore.

“Mặc dù chỉ có duy nhất một khách hàng mà cũng chưa phải là khách hàng chính thức nhưng FPT đã quyết tâm mở công ty tại Singapore”, ông Hoàng Việt Anh, nguyên Giám đốc đầu tiên của FPT APAC, hiện là Tổng Giám đốc FPT Software nhớ lại quyết định liều lĩnh của lãnh đạo FPT 10 năm trước .

Không chỉ liều khi mở công ty mà chưa có một tập khách hàng đủ lớn, FPT cũng đã khá mạo hiểm khi quyết định mở công ty tại một thành phố có chi phí sinh hoạt đắt nhất thế giới và là trung tâm tài chính kinh tế lớn của thế giới.

Singapore là thị trường cạnh tranh khốc liệt với nhiều “cá lớn” và khách hàng có yêu cầu rất cao nhưng với chi phí thấp nhất có thể. Điều này đòi hỏi FPT muốn tồn tại phải hết sức mềm dẻo, linh hoạt.

Nhưng cũng khá may mắn, chỉ trong vòng 3 tháng sau khi khai trương công ty, danh sách khách hàng của FPT đã có thêm một khách hàng. Và sau một năm, lãnh đạo FPT mới dám chắc là FPT tại Singapore có cửa để sống. Hiện, FPT tại Singapore đã có mạng lưới khách hàng rộng lớn với gần 100 khách hàng, trong đó có 40 khách hàng trong khối Chính phủ.

FAPAC-1-1024x768-5975-1491186735.jpg

Văn phòng FPT tại Singapore những ngày đầu tiên.

Chia sẻ về thành quả này, ông Việt Anh cho biết: “Tôi cho rằng đó cũng là minh chứng của tinh thần “cứ máu là xong” của FPT, đã quyết tâm là làm dù biết khó khăn vô cùng”.

Hiện, Singapore là thị trường trọng điểm của FPT trong chiến lược Toàn cầu hóa với mục tiêu 100 triệu USD doanh thu trong thời gian tới. Singapore là thị trường có nhiều cơ hội với chi tiêu cho CNTT khoảng 10 tỷ USD, trong đó 3,6 tỷ USD cho dịch vụ CNTT, các gói thầu gần như được mở hằng ngày; Chính phủ hoạt động minh bạch và hiệu quả như một tổng công ty lớn.

Năm 2016, doanh thu của FPT APAC tăng trưởng 26,3%. Tại đây, FPT cung cấp các dịch vụ như: Phát triển ứng dụng và cung cấp dịch vụ ERP, chuyển đổi số, quản trị hệ thống… Đặc biệt, tập trung phát triển các dịch vụ giải pháp công nghệ mới như IoT, điện toán đám mây (cloud), dữ liệu lớn (big data), công nghệ di động (mobility).

Theo ông Nguyễn Quốc Sử, Giám đốc FPT APAC, “FPT kỳ vọng trở thành công ty dịch vụ công nghệ thông tin toàn diện hàng đầu tại Singapore. Đồng thời sẽ trở thành trung tâm đề mở rộng các hoạt động kinh doanh của FPT tại các quốc gia trong khối ASEAN. Năm 2017, FPT đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 45% tại Singapore và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng trên 30% tại thị trường này trong vòng 3 năm tới”.

33611040102-337c1e8f31-k-8468-1491186735

Ông Đinh Hoàng Linh, Tham tán Công sứ, Phó Đại sứ Việt Nam tại Singapore, cùng lãnh đạo và quản lý FPT trong lễ kỷ niệm 10 năm sinh nhật FPT Asia Pacific diễn ra chiều tối ngày 31/3 tại Intercontinental Singapore, số 80 Middle Road, Singapore. 

10 năm trước, khó khăn của FPT tại thị trường này là tồn tại hay không tồn tại. 10 năm sau, thách thức lớn nhất là tăng trưởng hoặc là “chết”. Tuy nhiên, tại thời điểm này, thị trường Singapore lại rất sẵn sàng thử nghiệm những cái mới nhất và vì thế đây là môi trường lý tưởng để FPT có thể chào bán các dịch vụ chuyển đổi số (Digital Transformation), mảng dịch vụ đã được công ty đầu tư sâu trong 3-4 năm qua.

Minh chứng cụ thể được đưa ra là mối quan hệ đối tác quan trọng bậc nhất về chuyển đổi số trên nền công nghệ của Amazon Web Services (AWS) đã được thiết lập chính từ thị trường Singapore. Hiện FPT đang có khoảng 10 dự án thử nghiệm (POC – Proof of Concept) với AWS cho các khách hàng tại Singapore và các nước trong khu vực ASEAN về chuyển đổi số, những POC này khi được triển khai xong có thể được nhân rộng tại các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.

Năm 2016, thị trường nước ngoài của FPT cũng ghi nhận kết quả khả quan với 6.121 tỷ đồng doanh thu, tăng 26% và 935 tỷ đồng LNTT, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu toàn cầu hóa chủ yếu đến từ mảng xuất khẩu phần mềm - tập trung khai thác tại thị trường phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore... và lĩnh vực giải pháp phần mềm và dịch vụ, tập trung khai thác các thị trường đang phát triển như Campuchia, Bangladesh. 

>> ‘Không chỉ outsourcing, StarHub chọn FPT để triển khai digital transformation’

ICT News

Ý kiến

()