Chúng ta

FPT 'xa cứng, gần mềm'

Thứ sáu, 19/1/2018 | 15:05 GMT+7

Sau khi thoái vốn khỏi mảng phân phối và bán lẻ, FPT đang dồn lực cho mảng công nghệ.

Chỉ riêng nhân sự mảng công nghệ của tập đoàn FPT trong năm 2018 đã chiếm hơn 1/3 tổng nhân sự bổ sung thêm trong giai đoạn 2018-2020, tập trung vào các mảng như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa… Dấu hiệu này cho thấy sau khi thoái vốn khỏi mảng phân phối và bán lẻ, FPT đang dồn lực cho mảng công nghệ.

Về với công nghệ

Từ khi lên sàn vào năm 2006, cổ phiếu của FPT nhanh chóng lọt vào mắt xanh các nhà đầu tư. Ba mảng đóng góp doanh thu chính cho FPT là bán lẻ, gia công phần mềm và viễn thông. Tuy nhiên, mảng bán lẻ dù đóng góp đến 2/3 doanh thu cho Tập đoàn nhưng lợi nhuận lại luôn kém hơn mảng viễn thông và gia công phần mềm.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, với việc thoái vốn khỏi mảng phân phối và bán lẻ, FPT có thể ghi nhận gần 1.000 tỷ đồng lợi nhuận tài chính trong thời gian tới.

Trước đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt dự đoán số tiền thoái vốn từ mảng bán lẻ dự kiến sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động M&A các công ty phần mềm nhưng quan trọng nhất là gia tăng tỉ lệ sở hữu của FPT tại FPT Telecom, đơn vị đóng góp đến 35% lợi nhuận cho Tập đoàn, dù tỷ lệ sở hữu của FPT ở đây chỉ 45,55%.

fpt-japan-4517-1516332200.jpg

Bộ Trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn (phải) trong một lần đến thăm và làm việc tại FPT Japan.

Tuy nhiên, kỳ vọng tăng sở hữu tại FPT Telecom được cho là không khả quan trong 2 năm tới. Theo phân tích gần đây nhất của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đơn vị đang nắm 50% cổ phần ở FPT Telecom, mới đây công bố kế hoạch nắm giữ cổ phiếu của công ty này đến năm 2020. 

Trong 3 thập niên qua, FPT luôn giữ mức tăng trưởng doanh 46%/năm, lợi nhuận trước thuế 54%/năm, do đó để đảm bảo tốc độ này trong thời gian tới, FPT phải tìm động lực tăng trưởng từ các thị trường bên ngoài. Vì thế, không quá khó hiểu khi tập đoàn này đang dồn lực đầu tư vào mảng phần mềm.

Mảng phần mềm chiếm đến 85% doanh thu xuất khẩu của FPT trong năm 2016. Bên cạnh đó, theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường IDC, chi tiêu cho chuyển đổi số trên toàn cầu đến năm 2020 là 2.000 tỷ USD. Trong đó, châu Á - Thái Bình Dương (bao gồm Nhật) là thị trường có mức chi tiêu lớn nhất cho chuyển đổi số, chiếm đến 37%. Đứng thứ hai là Mỹ, chiếm 30% tổng mức chi tiêu.

Ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT, cho biết đây là cũng là hai thị trường đóng góp doanh thu lớn nhất. Đặc biệt là thị trường Nhật khi doanh thu xuất khẩu phần mềm từ thị trường này đang chiếm trên 50% tổng doanh thu xuất khẩu của FPT với mức tăng trưởng hơn 30% mỗi năm. FPT Nhật Bản hiện là đối tác của gần 300 danh nghiệp Nhật và đã tham gia vào các công đoạn quan trọng như nghiên cứu, phát triển và bảo hành các hệ thống cốt lõi.

Đón sóng chuyển đổi số

Làn sóng chuyển đổi số trên thị trường thế giới trong thời gian tới được dự đoán sẽ tập trung vào ba xu hướng là trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và nền tảng công nghệ số. Trong đó, nền tảng số đã được các doanh nghiệp lớn đẩy mạnh vì được xem là bước phát triển của họ trong thời đại mới. Có thể hiểu rõ hơn qua câu chuyện General Electric (GE). Tập đoàn công nghiệp đa quốc gia của Mỹ đã nhận ra rằng các doanh nghiệp nền tảng số như Google, Apple, Amazon hay Facebook nếu không vượt qua họ về giá trị vốn hóa thì cũng đạt được giá trị vốn hóa với thời gian bằng một nửa các tập đoàn công nghiệp như GE đã làm trong quá khứ. 

Do đó, GE đã bước vào lĩnh vực nền tảng công nghệ số bằng cách phát triển Predix, nền tảng kết nối các thiết bị công nghiệp như máy bay phản lực, các nhà máy điện để tính toán thất bại và giảm chi phí vận hành. Ông Ngọc cho biết, FPT Software hiện là đối tác của nền tảng Skywise (Airbus), AWS Cloud (Amazon Web Services), MindShere (Siemens), Predix (GE). 

Còn đối với các dự án tự động hóa, FPT đang phát triển thành công bản thương mại xe 4 chỗ. Các dự án này chủ yếu phục vụ cho quá trình vận chuyển trong kho hàng, vốn có lộ trình không quá phức tạp. FPT Software đang triển khai 150 dự án xe tự lái cho 20 khách hàng ở Nhật, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ.

Song song đó, FPT Software hiện đang mở rộng cung cấp giải pháp đến đối tượng khách hàng là các công ty ô tô lớn, bao gồm cả các nhà sản xuất OEM và nhà cung cấp linh kiện tier-1.

Về mảng trí tuệ nhân tạo, hiện nay FPT phát triển nền tảng trí tuệ nhân tạo phục vụ cho việc hội thoại, cung cấp các chức năng như nhận diện giọng nói tự động, chuyển văn bản sang hội thoại, xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Hiện đã có công ty trong ngành y tế cũa Mỹ, một công ty viễn thông của Singapore ứng dụng nền tảng này để phục vụ cho việc chăm sóc khách hàng, trả lời email.

Hướng mở rộng thứ hai sang thị trường nước ngoài của công ty là triển khai các dịch vụ, giải pháp công nghệ thông tin đã thành công ở Việt Nam sang thị trường các nước đang phát triển như Bangladesh, Myanmar, Indonesia… “Hiện ở Bangladesh, FPT đã có khách hàng ở ngành thuế, điện và gas”, ông Ngọc nói.

Theo phân tích của Rồng Việt, các xu hướng FPT tham gia là khá mới, có thể tạo ra thị trường tiềm năng với tốc độ tăng trưởng kép ít nhất 25% trong 5 năm tới. Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, FPT sẽ chịu nhiều chi phí nghiên cứu và phát triển, ảnh hưởng đến lợi nhuận của mảng công nghệ trong thời gian tới. Tuy nhiên, Rồng Việt vẫn lạc quan với giá cổ phiếu FPT vì tính tập trung cao vào các ngành có dòng tiền ổn định như công nghệ, viễn thông và giáo dục.

>>  Chủ tịch FPT truyền lửa tiên phong đến nhà Phần mềm phía Nam

Nhịp cầu Đầu tư

Ý kiến

()