Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết chuyển đổi số không hề tốn kém nếu chúng ta làm đúng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Chiều 29/3, Đại hội đồng Cổ đông thường niên FPT năm 2019 đã phê duyệt định hướng phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2019-2021. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của FPT với tầm nhìn trở thành nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu.
Lãnh đạo FPT xác định chuyển đổi số sẽ giúp công ty có bước phát triển đột phá về cả vị thế, năng lực và quy mô tăng trưởng, nâng cao giá trị cạnh tranh trên toàn cầu. FPT sẽ chuyển dịch từ công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thành một tập đoàn cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện, với hai hướng đi mũi nhọn là: chuyển dịch FPT thành “doanh nghiệp số” và phát triển các dịch vụ toàn diện cho chuyển đổi số.
Tập đoàn cũng đặt ra mục tiêu lọt vào Top 50 các công ty dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin trên toàn thế giới.
Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, công nghệ làm thay đổi phương thức sản xuất nên các doanh nghiệp không thể đứng ngoài sự thay đổi. Giờ đây, bất cứ doanh nghiệp nào trên thế giới cũng hiểu được rằng cần phải chuyển đổi số nhưng mới chỉ có rất ít trong số đó thành công.
FPT đặt mục tiêu đến hết năm 2019 sẽ trở thành một trong số ít các tổ chức chuyển đổi số thành công. Đơn vị này tập trung đầu tư vào công nghệ được xác định là xu hướng trong tương lai như Cloud, Mobility, Analytics, Big Data... để đến gần hơn với các tập đoàn lớn. Đến nay, FPT đã trở thành đối tác hàng đầu về cung cấp hạ tầng, nền tảng IoT... của những hãng công nghệ lớn như Amazone, GE, IBM...
Trước đó, FPT đã thành lập Ban chuyển đổi số (FPT Digital - FDX) và Học viện số nhằm quy tụ đội ngũ tư vấn chuyển đổi số và thu hút các chuyên gia công nghệ số để nghiên cứu, phát triển dịch vụ tư vấn chuyển đổi số cho khách hàng.
Dự kiến trong 3 năm tới, FPT sẽ thu hút thêm 10.000 – 20.000 nhân sự để đáp ứng nhu cầu phát triển, triển khai dịch vụ chuyển đổi số của khách hàng trên toàn cầu.
Tập đoàn FPT đã đặt mục tiêu 26.660 tỷ đồng doanh thu trong năm 2019, tăng 15% so với năm 2018. Trong đó, khối Công nghệ đóng góp 57%, khối Viễn thông đóng góp 37%, còn lại khối Giáo dục và Đầu tư mang lại 6% tổng doanh thu. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 16% từ 3.858 tỷ lên 4.460 tỷ đồng.
Trong năm 2019, FPT cũng sẽ tiếp tục tập trung vào mảng Xuất khẩu phần mềm với mục tiêu bán dịch vụ cho các khách hàng lớn, bán chéo giữa các thị trường và bán giải pháp công nghệ của tập đoàn; nâng cao năng lực chuyên sâu trong một số lĩnh vực trọng điểm; tìm kiếm cơ hội M&A tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Tân Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa chính thức ra mắt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Trong chiều 29/3, FPT cũng đã chính thức ra mắt dàn lãnh đạo trẻ bao gồm Tổng Giám đốc, 3 Phó Tổng Giám đốc và 5 Giám đốc nghiệp vụ (gồm Giám đốc Công nghệ, Giám đốc Chuyển đổi số, Giám đốc Công nghệ thông tin, Giám đốc Truyền thông, Giám đốc Chất lượng và Giám đốc Nhân sự).
>> ĐHCĐ 2019: Cổ đông tin vào tương lai FPT
VietnamPlus
Ý kiến
()