Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, kể về những trải nghiệm của cá nhân mình: “14 năm trước, tôi cũng hừng hực khí thế như các anh chị em ở đây, sẵn sàng lao về nước đóng góp nhưng ngay khi về nước cũng phải dần dần thích nghi, bởi chúng ta có những độ vênh nhất định về điều kiện kinh tế, xã hội, khả năng nắm bắt các vấn đề, xu hướng phát triển.
"FPT mong muốn kết nối 100 tinh hoa công nghệ người Việt trên toàn cầu vào các công việc cụ thể, có kết quả rõ ràng để nâng tầm vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực 4.0', Chủ tịch FPT Trương Gia Bình bày tỏ. |
Đến giờ, các điều kiện ở Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều, có thể tạo điều kiện cho sự đóng góp, cống hiến nếu các bạn có nhu cầu làm việc, đóng góp.
Về phía nhà quản lý, chúng tôi mong muốn, các tài năng có thể tập trung là hợp tác đưa những chuyên môn khoa học tới các doanh nghiệp Việt Nam. Xây dựng các định hướng cho Việt Nam, không chỉ nằm ở mức ý tưởng mà bắt tay vào làm thật”.
Ông Duy lấy ví dụ như trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Việt Nam chưa có hạ tầng lưu trữ dữ liệu, chưa có các siêu máy tính chạy được công nghệ “học sâu”…
Các doanh nghiệp như Viettel, FPT đã đưa đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trở thành một trọng tâm. Chẳng hạn, theo chia sẻ của ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel, đầu tư cho lĩnh vực này cho đến nay là trên 5.000 tỷ đồng; còn với FPT 5 năm nay là 5% lợi nhuận trước thuế, ước 400 - 500 tỷ đồng/năm.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT nhấn mạnh, 3 nhân vật đứng đầu của FPT đều đến tham dự sự kiện, vì FPT rất mến mộ các tài năng.
"Trong dòng máu của chúng ta có 2 điểm chung: Đam mê toán học, tin học, khoa học công nghệ và chung 1 khát vọng Việt. Dù các bạn có ở bất cứ đâu, tôi tin rằng, các bạn đều mong muốn có một Việt Nam dân giàu nước mạnh, một Việt Nam vẻ vang đứng trong đội ngũ các quốc gia tiên tiến trên thế giới”, ông Bình nói.
“Chúng tôi đang đặt ra khẩu hiệu tiên phong trong chuyển đổi số. Chúng tôi hiểu rằng cuộc cách mạng này sẽ dẫn đến một nền kinh tế xã hội dựa trên dữ liệu”, ông Bình nói và đưa ra một loạt vấn đề FPT đang mong muốn được giải quyết, những bài toán khó cần những bộ óc siêu việt “xắn tay” vào cùng làm.
Chủ tịch FPT đã đưa ra 4 lời mời cụ thể với 4 cấp độ khiến cả khán phòng chăm chú. Ông Bình nói: "Thứ nhất, như một người Việt, tôi phải xin chụp ảnh với Lê Viết Quốc (hiện đang làm cho Google), vì các bạn dẫu không dính dáng gì với Việt Nam, nhưng làm ra được những sản phẩm tuyệt vời, như vậy là các bạn đã đem đến cho chúng tôi niềm tự hào. Hãy cứ làm ra những điều tuyệt vời hơn thế nữa.
Thứ hai, hợp tác với chúng tôi, chúng tôi cũng có những nhóm nghiên cứu, làm việc ở các nước, các bạn không phải về Việt Nam, mà chỉ cần đôi khi chia sẻ một vài lời “có cánh”, những hướng đi mới nhất, rồi chúng tôi ở nhà cũng cố gắng vượt khó làm theo. Được như vậy, sẽ bớt đi những lầm đường lạc lối và chúng ta có thể theo những định hướng lớn.
Thứ ba, khi chúng tôi làm việc với những tập đoàn lớn trên thế giới, họ có nững bài toán vô cùng khó, nếu các bạn có sẵn một nền tảng nhất định, thì các bạn hãy cùng hợp tác với chúng tôi giải những bài toán lớn của kinh tế giới.
Và cuối cùng, nếu các bạn đã có những lời giải hay, thì chúng tôi có sức bán cho các tập đoàn hàng đầu thế giới. Chúng tôi sẵn sàng bán cho các bạn với niềm tự hào Việt. Hay các bạn làm một phần chúng tôi làm một phần và cùng nhau đi bán”.
Lời mời của ông Bình đã “kích hoạt” liên tục những cánh tay giơ lên với hàng loạt vấn đề được nêu ra và đề nghị được có những bước tiếp theo để biến ý tưởng thành hành động, từ tạo lập cơ sở dữ liệu lớn, đào tạo đội ngũ kỹ sư tinh thông về AI (trí tuệ nhân tạo), nông nghiệp thông minh, y tế thông minh...
Đối đáp thẳng thắn, những chỉ dẫn, địa chỉ có thể hợp tác, tìm đến được đưa ra ngay “tại trận” giữa lãnh đạo các tập đoàn và các cơ quan quản lý nhà nước, khiến cuộc thảo luận tưởng chừng phải kéo dài hơn dự kiến tới 2 tiếng mới ”thỏa mãn”.
Chứng kiến “sự trở về” bước đầu đầy hào hứng như vậy, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du nhận xét, sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 thật vô cùng hữu ích.
Điều quan trọng là đừng để nhiệt huyết sẽ bay đi, mà sẽ biến thành những kế hoạch hành động cụ thể theo hành trang của mỗi tài năng khi họ trở lại công tác ở nước ngoài và sẽ tiếp tục có những chuyến “trở về” đầy giá trị và ý nghĩa.
>> FPT kết nối 'tinh hoa' công nghệ đưa Việt Nam vươn ra thế giới
Đầu tư Chứng khoán
Ý kiến
()