Chúng ta

FPT kết nối 'tinh hoa' công nghệ đưa Việt Nam vươn ra thế giới

Thứ ba, 21/8/2018 | 11:41 GMT+7

"FPT mong muốn kết nối 100 tinh hoa công nghệ người Việt trên toàn cầu vào các công việc cụ thể, có kết quả rõ ràng để nâng tầm vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực 4.0', Chủ tịch FPT Trương Gia Bình bày tỏ.

Chương trình "Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018" diễn ra tại Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 18-24/8. Chương trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức gồm chuỗi các hoạt động thiết thực như: Gặp gỡ các lãnh đạo cao cấp của Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng khởi nghiệp, trí thức làm khoa học và công nghệ tại Việt Nam; đồng thời trao đổi và làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, tiên phong trong phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, các khu công nghệ cao tại Hà Nội, TP HCM.

IMG-8646-7192-1534816358.jpg

Chương trình là cầu nối giữa 100 tinh hoa công nghệ người Việt trên toàn cầu với 3 tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam là FPT; VNPT và Viettel. Ảnh: Quốc Phú.

Chiều ngày 20/8, chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 đã diễn ra tại phòng Anh Sáu, F-Ville 2 (Hòa Lạc) với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cùng lãnh đạo của 3 tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam gồm FPT; VNPT và Viettel.

Đặc biệt, chương trình còn có sự tham gia của 100 chuyên gia, nhà khoa học là người Việt ở nước ngoài, được đào tạo tại các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và quá trình làm việc chuyên sâu trong các ngành, lĩnh vực công nghệ như: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nền tảng, các ngành công nghiệp chế tạo ứng dụng tự động hóa, robotics... cũng như lĩnh vực phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại mang tính nền tảng (trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, an ninh mạng, Internet of Things…).

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh: "Cái gì Việt Nam chưa có thì mỗi người một chân một tay, cùng về đây làm. CMCN 4.0 sẽ là cuộc chơi lớn, phải làm thật sâu và có tầm ảnh hưởng".

Với mong muốn hơn 100 chuyên gia là tinh hoa công nghệ người Việt có mặt trong buổi gặp gỡ này có thể kết nối cùng FPT cũng như VNPT hay Viettel để nâng tầm vị thế của Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho hay: "Sứ mệnh của Tập đoàn FPT hết sức nặng nề nhưng cũng vô cùng vẻ vang là thay đổi Việt Nam và thế giới. Để thực hiện sứ mệnh ấy thì chúng ta rất cần những tinh hoa công nghệ ở đây".

IMG-8741-2-4682-1534816358.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ về những bài toán lớn trong nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 vào các lĩnh vực chính phủ điện tử, y tế thông minh, giao thông thông minh, tài chính, ngân hàng… Đồng thời, anh Bình bày tỏ mong muốn 100 nhân tài tham gia cùng FPT đưa ra lời giải hiệu quả cho các bài toán này. Ảnh: Quốc Phú.

Người đứng đầu FPT nhấn mạnh rằng 100 tinh hoa công nghệ trong buổi gặp gỡ này là niềm tự hào của Việt Nam. Họ sẽ trở thành đội ngũ cố vấn, tư vấn cho các lực lượng nghiên cứu của Việt Nam có thể cùng sáng tạo, cung cấp các sản phẩm để câc công ty lớn của Việt Nam đem ra thế giới bán.

Trong số 100 chuyên gia công nghệ, nhà khoa học người Việt có mătn trong chương trình này thì có 25 người chuyên nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. "Đội ngũ này sẽ là mối quan tâm hàng đầu của FPT. Tập đoàn sẽ chia sẻ những đề án của mình với họ và xem những đóng góp của họ cho các đề án đó như thế nào, kể cả trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo", anh Bình cho biết thêm.

Các tri thức trẻ người Việt đã được nghe đại diện Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT và Tập đoàn FPT giới thiệu về những công nghệ và sản phẩm tiêu biểu mà các tập đoàn đang nghiên cứu phát triển, cũng như những đề xuất trong hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ và sản phẩm với các chuyên gia công nghệ, nhà khoa học.

Trong phần thảo luận, các chuyên gia công nghệ, nhà khoa học, trí thức trẻ người Việt đã cùng trao đổi, chia sẻ về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nền tảng, các ngành công nghiệp chế tạo ứng dụng tự động hoá, công nghệ trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật... cũng như đề xuất các giải pháp, khả năng hợp tác, kết nối trong nghiên cứu phát triển công nghệ và sản phẩm. Đồng thời, các trí thức trẻ công nghệ cũng muốn đưa thêm những công nghệ mới trên thế giới áp dụng vào phát triển ngành nông nghiệp, vốn là thế mạnh của nước ta.

CHT-8859-8341-1534816358.jpg

FPT, VNPT và Viettel đã có buổi triển lãm và demo công nghệ tại chương trình để các chuyên gia công nghệ có cái nhìn tổng thể về những xu hướng công nghệ đang được các tập đoàn lớn phát triển tại Việt Nam. Trong ảnh, anh Vũ Hồng Chiên, PGĐ FSS (FPT Software) đang trình bày về sản phẩm Aka RPA (Robotic Process Automation).

RPA là công nghệ tự động hóa các quy trình thực hiện công việc thông thường bằng robot. Nhờ vậy, các nghiệp vụ tại ngân hàng sẽ được đảm bảo tính bảo mật cao, tránh lộ thông tin khách hàng. Bên cạnh đó, công nghệ này còn giúp cho ngân hàng tiết kiệm thời gian và nhân sự làm việc.

Aka RPA là sản phẩm do đơn vị FSS (FPT Software Services) thực hiện và là sản phẩm có bản quyền đầu tiên FPT Software bán cho ngân hàng thuộc top 3 Nhật Bản, có chi nhánh tại Việt Nam. Ảnh: Ngọc Thắng.

"Tôi làm nhiều dự án trong nông nghiệp tại Australia, nhưng kết nối Internet trên cánh đồng là những điểm yếu mà nước này đang gặp phải, nên tôi muốn đặt hàng ở Việt Nam. Nếu chúng ta làm bây giờ sẽ kịp. Tôi đặt hàng để tạo ra sản phẩm cho nông nghiệp Việt Nam", ông Nguyễn Kỳ Tài, chuyên gia đang làm việc tại Australia, chia sẻ.

Các trí thức trẻ cho rằng, Việt Nam có tiềm năng ứng dụng công nghệ số thời 4.0. Tuy nhiên, cần đầu tư tập trung vào các lĩnh vực: y tế, giao thông, giáo dục, cải cách thủ tục hành chính công cho người dân với các dịch vụ trực tuyến không giấy tờ… Ứng dụng công nghệ bảo mật thông tin là một trong những yếu tố then chốt giúp việc ứng dụng công nghệ hiệu quả.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực đô thị thông minh, anh Lê Hoàng An rất vui mừng khi nhận thấy các lãnh đạo ở Việt Nam đều rất quan tâm đến vấn đề phát triển công nghệ. Tuy nhiên, anh An còn khá băn khoăn về việc truyền thông cho công nghệ smart city bởi không phải ai cũng hiểu rõ vai trò của nó. "Chúng ta cần đào tạo và nâng cao hiểu biết của những người ngoài ngành công nghệ để ai cũng hiểu được Đô thị thông minh là giải pháp cần thiết cho sự phát triển của đất nước, tạo ra cơ hội phát triển cho từng cá nhân chứ không chỉ là thách thức, khó khăn", anh An nhận định.

a.jpg

Các đại biểu cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, nền giáo dục của Việt Nam còn nhiều hạn chế như chưa hội nhập với quốc tế; đào tạo nặng về hàn lâm nên thiếu kỹ sư thực hành... Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ là rào cản lớn nhất hiện nay. Một số chuyên gia cũng đã đặt hàng các tập đoàn nghiên cứu và sản xuất các phần mềm ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục... Ảnh: Ngọc Thắng.

Ấn tượng với mô hình tổ chức và các công nghệ mà FPT đang triển khai, anh Nguyễn Văn Hùng, tập đoàn Dầu khí Việt Nam, từng du học ở Pháp, bày tỏ mong muốn có cơ hội hợp tác với FPT: "Qua hội thảo ngày hôm nay, tôi đã nắm được khá nhiều thông tin về chiến lược rõ ràng của FPT về việc sử dụng AI cũng như đào tạo con người từ bậc tiểu học cho tới thạc sĩ, tiến sĩ. Đồng thời, mình cũng biết được những nhu cầu của FPT để có thể chuẩn bị cho việc hợp tác hoặc làm việc cho FPT trong tương lai".

Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng tiên phong chuyển đổi số của Việt Nam, Việt Nam không thể bỏ lỡ mà cần chủ động nắm bắt. Sự hợp lực của các tinh hoa công nghệ với các doanh nghiệp lớn sẽ tạo nên sức mạnh vô giá để Việt Nam khai thác các cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, trở thành quốc gia tiên phong chuyển đổi số và tham gia chuyển đổi số cho các tập đoàn hàng đầu thế giới, đúng với mong muốn của Thủ tướng và lãnh đạo các tập đoàn lớn tại Việt Nam.

Diệu Anh

Ý kiến

()