Với những nỗ lực vượt bậc và tinh thần không ngừng chiến đấu ngay cả khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh Phan Phúc Đạt vừa vinh dự được FPT trao tặng danh hiệu “Chiến sĩ áo cam”, nhằm tôn vinh và ghi nhận những cống hiến của anh đối với công ty trong suốt thời gian qua.
‘Đại sứ’ camping nhà Phần mềm
Mỗi lần Đà Nẵng bùng dịch là thêm một lần anh Đạt xếp vội mấy bộ áo quần, kéo cái va-li với đầy đủ chăn, gối lên công ty sẵn sàng ngủ lại. Những ngày phải “camping” - ăn, ngủ và làm việc tại chỗ - của anh thực sự không đếm xuể. Đồng nghiệp vẫn thường trêu, nhìn Đạt cứ như đi du lịch, bởi anh là một trong những người mang va-li quần áo tới công ty nhiều nhất.
Việc này một phần xuất phát từ đặc thù công việc tại Trung tâm Dịch vụ sẻ chia SSC.DN - nơi anh đảm nhận cài đặt, điều phối máy tính và hỗ trợ xử lí sự cố cho toàn bộ nhân viên FPT Software Đà Nẵng. Một phần vì trong bộ phận đa số là các chị em có gia đình và phải chăm con nhỏ, nên khi khẩn cấp, anh Đạt luôn lãnh phần trực chiến.
Anh Phan Phúc Đạt được xem là "Đại sứ camping" khi là một trong những người ăn, ngủ tại công ty nhiều nhất. |
Công việc thoạt trông có vẻ toàn những việc nhỏ nhặt, nhưng thực ra lại cực kỳ khó khăn và cấp thiết. Hơn 3.600 nhân viên của FPT Software Đà Nẵng rất cần bộ phận anh hỗ trợ cấp, đóng thùng mang máy về nhà thực hiện work from home (WFH). Những nhân sự ở lại công ty làm việc, anh Đạt sẽ trực tiếp hỗ trợ sắp xếp vị trí ngồi giãn cách, đấu nối đường dây, lắp đặt máy móc… tất tần tật các khâu để đảm bảo các dự án được vận hành thông suốt.
Xung phong ở lại F-Complex, công việc của anh còn là đi tuần kiểm tra các khoang làm việc, khuôn viên công ty, căn-tin, kiểm tra nơi ăn ngủ, tắm giặt của mọi người xem có gặp vấn đề gì không để hỗ trợ.
Vừa kẹp chiếc điện thoại bên tai để hướng dẫn từ xa, tay anh vừa lướt tay trên bàn phím - giải đáp nhanh chóng những thắc mắc gửi đến từ các nhân viên đang WFH. Nói chưa dứt câu, lại phải chạy đi đóng thùng máy tính, vác thốc trên vai, đặt ngay ngắn trước sảnh, chờ đồng nghiệp khác tới ký nhận.
“Kỳ thực là cuối tuần vẫn phải làm việc. Có cả trăm nghìn thứ phát sinh. Chưa kể những yêu cầu bảo mật nghiêm ngặt của FPT Software khiến không sai sót nhỏ nào được phép xảy ra. Hầu như anh em bộ phận nghe thành phố ra chỉ thị giãn cách là sợ lắm. Lý do là khi camping, việc ập tới, tận khuya cũng chưa xong”, anh nói.
Anh Đạt trong bộ đồ bảo hộ kín mít những ngày dịch bệnh căng thẳng. Ảnh: NVCC |
Công việc quần quật cả ngày nên phần nào giúp anh vơi đi nỗi nhớ nhà. Nhưng đêm đến mới thực sự khiến Đạt trằn trọc. Xa gia đình lại không quen chỗ ngủ, anh chốc chốc lại cầm chiếc điện thoại xem giờ. Canh làm sao đúng 21h30 để gọi về cho vợ, tranh thủ gặp con một lát trước khi trẻ đi ngủ. Rồi hai vợ chồng anh hàn huyên đến tận khuya.
Trong điện thoại, lúc nào anh Đạt cũng mở đầu bằng câu hỏi: “Phường nhà mình hôm nay có ca cộng đồng nào không vợ”. Vừa nói, vừa căng mắt nhìn vào cả dãy danh sách ca nhiễm do thành phố công bố. Chị nhà lập tức động viên: “Thịt cá trong tủ lạnh đủ cả, không đi ra ngoài nên anh cứ yên tâm. Có tiếp xúc với ai đâu mà sợ”.
Nói rồi, chị đưa camera hướng về cái bụng đang mang thai 8 tháng ngày một to, vừa cười vừa trêu: “Sắp sinh rồi nhé. Coi về nhanh chứ con quên mặt bố nó rồi”.
Đưa vợ đi sinh, không quên laptop
Đầu tháng 6, bà xã Đạt cận kề ngày trở dạ. Anh xin nghỉ phép, nhanh chóng bàn giao công việc để đưa vợ vào viện.
Lại tay xách nách mang, nào là tã, bỉm, nào là sữa… một tay Đạt làm tất. Khi đỡ được vợ lên xe, anh mới chợt nhớ ra, chạy ù vào nhà nhét thêm cái laptop. “Chồng cầm theo nhỡ có việc gấp cần xử lý”. Bà xã làm vẻ nũng nịu, tính dỗi cho biết mặt nhưng nhìn cái vẻ vội vàng của anh lại bật cười.
“Được cái chăm vợ tốt, lại còn giỏi nịnh nên có muốn giận cũng không được. Với lại tính chất công việc của anh là vậy rồi, mình hiểu và luôn động viên anh cố gắng”, chị Huỳnh Thị Minh Nhạn, bà xã anh Đạt, chia sẻ.
Khoảnh khắc chàng trai "3 đảm" nhà F đưa vợ đi sinh. Ảnh: NVCC |
Đúng như tiên đoán của bà xã, anh Đạt xem phòng bệnh viện như ở nhà. Cũng làm việc quần quật theo kiểu WFH. Sáng mang cháo cho vợ ăn, dọn dẹp, cất đặt mọi thứ xong là bật ngay laptop, tranh thủ xử lý việc công ty. “Mình chỉ xin vợ 30 phút thôi. Rồi ra chăm vợ ngay”. Đó là anh nói thế, chứ điện thoại thì tin nhắn công việc tới liên tục. Nguyên ngày đầu vì phải bàn giao những việc phát sinh, anh mất khá nhiều thời gian. May sao, những ngày sau đó đều được toàn tâm toàn ý chăm vợ.
4 ngày sau bà xã xuất viện. Vừa về đến nhà, đặt cái giỏ đồ xuống giường là Đạt lao ngay vào bếp. Anh bảo: “Để bố nấu cháo cho hai mẹ con rồi đi làm nhé”. “Anh ăn đã rồi hãy đi”, chị nói. “Thôi, anh lên công ty đổi ca luôn. Làm cho xong sớm hết cái đợt này còn về”.
Vì ngày bình thường mới
Nhìn lại cả chặng đường đương đầu với giãn cách mùa dịch, Phan Phúc Đạt thừa nhận, bản thân không phải là người quan trọng, nhưng công việc anh được giao lại cần thiết cho mọi người làm việc.
FPT Software Đà Nẵng có hơn 600 người thực hiện camping như anh. Họ cũng tạm gác chuyện nhà để đến công ty làm việc, đảm bảo vận hành dự án xuyên suốt. Ai cũng có những khó khăn riêng, nhưng chung sự kiên cường, trách nhiệm và luôn nỗ lực không ngừng.
“Hết đợt dịch này đến đợt dịch khác. Con gái đầu cũng đang phải gửi nhờ người thân chăm hộ. Lắm lúc nghĩ thấy có lỗi với gia đình. Nhưng Covid chẳng ai ngờ tới. Nó đảo lộn tất cả mọi thứ và các anh em trong bộ phận mình đang cố gắng hỗ trợ từng ngày, từng giờ… để vận hành công việc mượt mà chờ ngày bình thường mới”, Đạt trải lòng.
Ngày 10/9 vừa qua, Phan Phúc Đạt đã được ăn bữa cơm nhà như anh hằng mong ước, sau ròng rã hơn 1 tháng camping tại công ty. Vừa về tới cổng, cả nhà đã hồ hởi ra đón. Đứa con gái đầu lòng nũng nịu quàng tay ôm lấy bố. Bà xã dọn một mâm cơm với đủ các món ngon đợi sẵn.
“Được bữa cơm nhà nên phải cố tranh thủ ăn thật nhiều. Chưa biết ngày mai có bão lớn hay chỉ thị giãn cách nữa không. Tranh thủ tận hưởng khoảnh khắc hiếm hoi đã”, anh vừa ăn vừa cười.
>> ‘Chiến sĩ áo cam’: Những ngày không ngơi, đêm không nghỉ
Nguyễn Huy
Ý kiến
()