Chúng ta

‘Chiến sĩ áo cam’: Những ngày không ngơi, đêm không nghỉ

Thứ ba, 7/9/2021 | 17:41 GMT+7

Sửa chữa hệ thống hạ tầng thâu đêm, bám sát khách hàng mang về nhiều hợp đồng giá trị, hỗ trợ chính sách Covid-19 tới từng cán bộ hay thay người thân chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ cho anh em… Đó là những công việc bộn bề mà thầm lặng của các chiến sĩ nhà F trong bối cảnh “thời chiến”.

Trong điều kiện giãn cách xã hội của toàn thành phố Hà Nội, dù các đơn vị viễn thông đã được cấp giấy ưu tiên nhưng việc đi lại giữa các phường, tổ dân phố vùng xanh vẫn rất khắt khe để đảm bảo an toàn cho người dân. Thế nhưng, sự cố về cháy chập điện thì chẳng bao giờ có thể báo trước. 

Ngay đêm ngày 11/8 vừa qua, trên phố Đê La Thành đã xảy ra một vụ cháy nổ 2 xe máy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống cáp viễn thông trên cột sát hiện trường. Vụ cháy xảy ra tại vị trí có nhiều tuyến cáp cấp tín hiệu cho các nhánh PON. Đặc biệt, 4 sợi cáp bị cháy đứt đã làm mất kết nối gần 400 khách hàng sử dụng dịch vụ internet và truyền hình tại khu vực này. 

Nhận được tin báo, đội BTHT3 - Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Bắc của nhà Viễn thông đã nhanh chóng phân bổ lực lượng và gấp rút lên phương án khắc phục ngay trong đêm. Do tính chất nguy hiểm của sự cố, lực lượng công an và điện lực đã phong tỏa hiện trường để điều tra làm rõ nguyên nhân. Bên cạnh đó, một số dây điện, truyền hình cáp bị chập cháy dẫn đến hở điện chưa được khắc phục nên toàn bộ các đơn vị viễn thông, truyền hình không được tiếp cận ngay hiện trường để xử lý. 

Anh Nguyễn Bá Hoàng - Cán bộ kỹ thuật của đội BTHT3 - đã tìm mọi cách để nắm sát tình hình và đưa ra phương án chi tiết, phù hợp với diễn biến phức tạp tại hiện trường. Anh Hoàng phối hợp với điều hành ca trực, điều động thêm nhân sự, tính toán tổn thất, chuẩn bị vật tư, máy móc để xử lý nhanh nhất và tận dụng triệt để được quãng thời gian cố định mà các lực lượng chức năng phân cho từng đơn vị viễn thông tại hiện trường. 

241500216-534250857868778-2556-5028-7505

Bức thư biểu dương của Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Khoa dành tặng tập thể đội BTHT3 - Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Bắc.

Không chỉ nhanh chóng khắc phục sự cố, các anh em đội BTHT3 luôn đảm bảo quy tắc phòng chống dịch đến tối đa khi không để các nhân sự tiếp xúc trực tiếp với nhau. Cán bộ quản lý chỉ đạo ngoài hiện trường đã phân chia rõ mỗi nhóm 1 đầu và chỉ trao đổi qua điện thoại.

Với sự nỗ lực xuyên đêm ấy, đến 7h40 phút sáng hôm sau, Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Bắc đã ứng cứu xong sự cố và bàn giao nguyên vẹn hiện trường cho phường. Nhờ đó, FPT Telecom là đơn vị viễn thông đầu tiên kết nối lại được hệ thống đường truyền tại khu vực này, đảm bảo khách hàng sử dụng dịch vụ không bị ảnh hưởng trên diện rộng.

Với tinh thần nỗ lực cao nhất đảm bảo nhiệm vụ kinh doanh, sản xuất của Tập đoàn giống các cán bộ kĩ thuật nhà Viễn thông, các cán bộ của đội dự án FPT IS eService TP HCM cũng thể hiện rõ tinh thần “Chiến sĩ áo cam” không quản ngày đêm, bám sát khách hàng để tư vấn và mang về những hợp đồng giá trị giữa mùa dịch. 

Dù chỉ là 1 team nhỏ trực thuộc Trung tâm dịch vụ điện tử - FPT IS FPS, nhưng đội FPS TP HCM đã rất kiên trì, làm việc không ngừng nghỉ trong bối cảnh dịch bệnh ở TP HCM diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong đội cũng đã có người trở thành F1 và nhiều thành viên ở trong khu vực cách ly, phong toả. 

Vượt qua những hạn chế về nhân lực, không gian và thời gian, đội dự án FPT IS eService TP HCM tăng cường làm việc tại chỗ, liên tục chăm sóc các khách hàng quan trọng để triển khai và hỗ trợ khách hàng sử dụng sản phẩm Hóa đơn điện tử. Mỗi sáng, tất cả 8 thành viên trong nhóm đều tham gia Morning Call để trao đổi công việc từ xa cũng như hỏi thăm, động viên tình thần của nhau để cùng giữ nhiệt huyết trong công việc. Không chỉ vậy, đội còn nhanh chóng nắm bắt cơ hội tiếp cận và phát triển khách hàng mới đối với sản phẩm mới là FPT.eContract. 

Clip động viên đội ngũ bác sĩ tuyến đầu do chính các thành viên của đội FPT IS FPS TP HCM thực hiện khi làm việc tại nhà đợt dịch vừa qua. 

Nhờ sự nỗ lực đó, đội đã hoàn thành dự án với hàng loạt khách hàng lớn như: Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet, Công ty cổ phần VNG, Công ty TNHH Điện tử Samsung, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam, Tập đoàn bất động sản An Gia Group,… Đặc biệt, đội dự án FPT IS eService TP HCM cũng đã triển khai Hóa đơn điện tử cho nhiều cơ sở y tế như: Bệnh viện Nhi Đồng tỉnh Đồng Nai, Bệnh viên Nhi tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện Cầu Ngang… giúp quy trình xuất hóa đơn cho bệnh nhân nhanh chóng, thuận tiện hơn giữa dịch.

Không phải là tuyến đầu trực tiếp đương đầu với bệnh dịch nhưng những cá nhân, cán bộ tại khối văn phòng hậu phương cũng đang từng ngày triển khai các chính sách, hỗ trợ cho tiền phương yên tâm công tác. Đó cũng chính là câu chuyện hàng ngày của chị Dương Thị Cẩm Tú - cán bộ triển khai chính sách của FPT Long Châu trong đợt dịch Covid-19 lần này.

Khi dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp cũng là lúc nhân sự nhà Bán lẻ được điều động kiêm nhiệm nhiều công việc để san sẻ bớt gánh nặng. Vốn là một cán bộ nhân sự, lúc này chị Cẩm Tú đã phụ trách cả chính sách đến hậu cần cho anh em Long Châu trong suốt thời gian vừa qua.

Vừa hoàn thành tốt công việc chuyên môn, vừa cập nhật, liên hệ từng phút để nắm chắc tình hình, chị Cẩm Tú luôn là người đề xuất và giải quyết các chế độ hỗ trợ cán bộ nhân viên bị ảnh hưởng bởi Covid-19 một cách nhanh chóng và chính xác bất kể ngày đêm. Từ đó, chị Cẩm Tú đã góp phần không nhỏ để các chính sách của nhà Bán lẻ được hoạt động hiệu quả, chăm sóc CBNV được chu đáo.

U35-leader-thoughts-3776-1631008986.png
 

Cũng giống như chị Cẩm Tú, vợ chồng chị Bùi Thị Kim Vân và anh Lương Tuấn Tú - hai cán bộ “hậu phương” của FPT Software cũng không quản ngày đêm để đảm bảo đời sống cho các cán bộ nhà Phần mềm. 

Là Cán bộ Phụ trách quản lý vận hành tòa nhà, chị Kim Vân nhận được thông báo về việc thực hiện chính sách camping "3 tại chỗ" sẽ bắt đầu vào ngày 29/7 chỉ vào ngay đêm hôm trước - 28/7. Vậy là nội trong ngày 29/7, Đội quản lý vận hành tòa nhà - FID và Trung tâm dịch vụ sẻ chia - SSC đã phải thần tốc hoàn thành tổ chức tiêm vaccine cho hơn 250 người theo đúng kế hoạch, đồng thời chuẩn bị camping và test Covid-19 cho 550 cán bộ sẽ tham gia camping. Trở ngại càng chồng chất khi lệnh giãn cách toàn thành phố đang được áp dụng khiến việc di chuyển, mua trang thiết bị phục vụ 3 tại chỗ cho anh em khó khăn hơn bao giờ hết. 

Toàn bộ 39 nhân sự của ban hậu cần cũng ở lại camping và làm tăng ca đến quá nửa đêm. Cứ như vậy từ việc giặt giũ mỗi ngày, ăn uống ngày 3 bữa đến giấc ngủ của từng cán bộ được chị Vân và chồng là anh Tú - trưởng nhóm camping của SSC cùng các cộng sự trong team chia nhau gánh vác. 

Anh Tú cũng Camping nên chị Vân phải làm việc tại nhà và chăm sóc 2 con nhỏ. 

240702254-2997858450497146-396-9983-4538

Gia đình nhỏ của anh Tú và chị Vân.

Là đầu mối camping ở Hòa Lạc nên anh Tú đã xa nhà đến nay cũng được hơn 1 tháng. Ngày nào cũng vậy, làm việc đến gần nửa đêm anh mới có chút thời gian nghỉ ngơi, gọi điện về cho chị Vân và ngắm hai con ngủ say giấc. Sau đó, anh Tú cùng các anh em trong đội ngả lưng cuối ngày trên mấy miếng xốp mua vội hay những chiếc túi ngủ mỏng manh. Ấy vậy mà cũng “lịm đi ngon lành”.

“Về sau quen việc rồi mới có thời gian gọi, còn 2 tuần đầu là gần như mất hút luôn vì quá bận. Đây đúng là một trong những khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong đời” - anh Tú kể lại.

4 mẩu chuyện nhỏ ghi vội tại 4 công ty thành viên, nhưng đã cho thấy những mảnh ghép “thời chiến” nóng bỏng của nhà F. Mà trong đó, các “Chiến sĩ áo cam” FPT đang căng mình mỗi ngày, cống hiến thầm lặng để mong chờ những ngày “bình thường mới” giản dị.

My An

Ảnh: NVCC

Ý kiến

()