Những ngày cuối cùng của năm cũ, đánh dấu OKR cá nhân với bài review cuốn sách thứ 18 trong năm 2018. Cũng là một mục tiêu rõ ràng, cũng cho ra kết quả then chốt, cũng có những tác động nhiều chiều. Một ví dụ nho nhỏ nhưng đó là ORK tôi đã nghiêm túc thực hiện từ 3 năm nay, từ một-người-rất-lười-đọc-sách…
2018, FPT “phát sốt” với cụm từ OKR (Objectives and Key Results, tạm dịch: Mục tiêu và kết quả then chốt). Những khẩu hiện đầy cảm hứng từ OKR được viết lên đâu đó trong các hội nghị chiến lược các đơn vị, dẫn dắt tổ chức ấy đi theo mục tiêu đã lựa chọn và được đo đếm cụ thể: “Tận lực cho điều kỳ diệu”, “Làm điều quan trọng”… Đó thực sự không phải là điều gì đó quá to tát, vì những thứ na ná như OKR đã tồn tại từ bao nhiêu năm nay: Cách chúng ta đặt mục tiêu và những thước đo cho những mục tiêu ấy. FPT với giá trị thương hiệu công ty 176,2 triệu USD (theo xếp hạng của Forbes Việt Nam năm 2018) hẳn đã có trăm nghìn kết quả then chốt để có chỗ đứng như ngày nay trên bản đồ kinh tế Việt Nam và thế giới, sau 30 năm.
Nhưng tại sao đến năm 2018, FPT mới nhắc đến OKR? Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần một bước chuyển mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết, chúng ta cần một bệ phóng quản trị, thứ đã được kiểm nghiệm bởi Intel, Google, Apple… Họ đã áp dụng OKR và trở thành những gã khổng lồ.
Mô hình OKR do Andy Grove - cựu CEO Intel - đặt nền tảng. Mục tiêu (O) đơn giản là những gì chúng ta muốn đạt được, không hơn không kém. Nó phải có ý nghĩa, rõ ràng, theo hướng hành động được và lý tưởng nhất là tạo cảm giác muốn đạt được. Kết quả then chốt (KRs) sẽ đánh dấu và giám sát cách chúng ta đi đến những mục tiêu đó như thế nào. Những kết quả hữu hiệu phải thể hiện được một cách rõ ràng và có khống chế thời gian, phải có tính công kích nhưng vẫn đảm bảo tính hiện thực… Cách lý giải về cái gọi là “tạo cảm giác muốn đạt được” sẽ thúc đẩy tham vọng, đánh thức “Leng Keng” trong mỗi người.
John Doerr, với kinh nghiệm thực tiễn tại những doanh nghiệp hàng đầu tại Silicon Valley đã mang đến cho chúng ta một cuốn sách “must-read” trong năm 2018. Những câu chuyện thực tiễn sống động được kể lại bởi chính những người triển khai thành công OKR tại những công ty “thay đổi cả thế giới” như Larry Page, Sunder Pichai (Google) hay Susan Wojcicki (CEO Youtube)… thực sự mang lại sự thuyết phục lớn lao. OKR gần gũi trong các tình huống thực tế, dù thành công hay thất bại thì đều nổi bật lên được vai trò các yếu tố bản chất của OKR: Sự tập trung và cam kết với những ưu tiên hàng đầu; Sắp xếp và kết nối công việc nhóm; Theo dõi và tinh thần trách nhiệm; Mở rộng quy mô để bứt phá.
Trong phần 2 của cuốn sách, cùng với OKR, John Doerr đề cập đến CFR (Conversations - Feeback - Recognition, tạm dịch: trao đổi, phản hồi, công nhận) như một “cặp đôi hoàn hảo” trong quản trị doanh nghiệp. CFR là công cụ quản trị nhân sự, cùng với OKR trở thành cách thức quản lý công việc liên tục, thúc đẩy OKR không đi chệch đường băng, hướng đến cái đích của tổ chức: đánh giá cái gì là quan trọng. OKR và CFR khi ấy không chỉ có ý nghĩa với các con số lạnh lùng về tăng trưởng hay lợi nhuận, nó còn mang ý nghĩa rất con người.
Năm 2018, cùng OKR, FPT cũng rất “chuộng” từ “Leng Keng”. Trong thư gửi cho toàn thể CBNV của FPT, Chủ tịch Trương Gia Bình đã chia sẻ về mục tiêu trở thành doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số. Đỉnh cao đó sẽ luôn thúc đẩy và đòi hỏi mỗi người FPT làm việc hăng say, liên tục sáng tạo, đổi mới và có kỷ luật. OKR cần được lan tỏa rộng rãi, đi từ bản thể mỗi cá nhân, đến đội nhóm, phòng ban, và cao hơn là các công ty và tập đoàn.
Nhưng như anh Hoàng Minh Châu từng chia sẻ, “Bản thân OKR không tạo điều kỳ diệu. Sức mạnh cộng hưởng của tập thể để đạt được mục tiêu mới tạo nên sự diệu kỳ”. Sự “cộng hưởng” ấy cần đến từ rất nhiều các yếu tố khác nữa của tổ chức.
>> 'Tự thân OKR không tạo sự kỳ diệu'
Hạnh Hà
Ý kiến
()