Chúng ta

Anh Hoàng Minh Châu: 'Tự thân OKR không tạo sự kỳ diệu'

Thứ năm, 8/11/2018 | 23:11 GMT+7

Cố vấn cao cấp tập đoàn FPT - anh Hoàng Minh Châu cho rằng bản thân OKR không tạo điều kỳ diệu. Sức mạnh cộng hưởng của tập thể để đạt được mục tiêu mới tạo nên sự diệu kỳ. 

Hội nghị lãnh đạo FPT Telecom với hơn 170 đại biểu đến từ Ban điều hành, các đơn vị và chi nhánh vừa khai mạc chiều nay (ngày 8/11) tại VinOasis Phú Quốc, Kiên Giang. Đây là sự kiện thường niên của nhà "Cáo" trong các mùa làm chiến lược. Với năm mới, FPT Telecom sẽ dùng mô hình OKR (Objectives and Key Results, tạm dịch: Mục tiêu và kết quả then chốt) để xây chiến lược năm 2019 và thời gian tới.

Là khách mời đặc biệt, anh Hoàng Minh Châu chia sẻ với hội nghị cách làm thế nào để tạo nên sự kỳ diệu, sự phát triển vượt bậc trong thời gian tới. 

“Tôi "bị" Chủ tịch FPT Telecom - chị Chu Thanh Hà "bắt cóc" từ Hội nghị chiến lược của tập đoàn hồi tháng 10”, anh nói về lý do xuất hiện tại Hội nghị Lãnh đạo FPT Telecom 2019. Anh Châu cho hay khi được đề nghị chia sẻ, anh trăn trở sẽ nói gì trước một tập thể rất mạnh, rất xuất sắc, tập hợp những người trẻ nhiệt huyết, và những thành tích đạt được trong năm qua vô cùng kỳ diệu.   

MG-1599-3213-1541691519.jpg

Anh Hoàng Minh Châu cho rằng tự OKR không thể tạo điều kỳ diệu, mà sức mạnh cộng hưởng của tập thể mới tạo điều kỳ diệu. 

“Với tập thể xuất sắc như vậy, chưa chắc những gì tôi chia sẻ sẽ giúp các bạn tốt hơn. Nhưng xuất phát từ góc độ cá nhân, tôi luôn mong muốn không chỉ FPT Telecom mà toàn FPT với những ước mơ vượt trội sẽ thành hiện thực”, anh chia sẻ và cho biết rất vinh dự được tham gia một hội nghị chiến lược với hình thức OKR vô cùng đặc biệt.

Anh cũng khá tâm đắc với những chia sẻ của Chủ tịch FPT Telecom mở đầu Hội nghị. “Tôi ấn tượng bởi thông điệp năm 2019 là 500.000 thuê bao Internet được mô tả một cách mạch lạc, rất đơn giản và dễ hiểu. Điều đó thể hiện khát khao và mong muốn của người lãnh đạo cao nhất".

Nói về OKR, anh Châu tiết lộ từng phản hồi Chủ tịch FPT - anh Trương Gia Bình rằng "sẽ ủng hộ OKR bằng cách chống lại nó, để cho mình hiểu rõ bản chất OKR là gì. Tự OKR không tạo thành điều kỳ diệu”. 

Anh phân tích, khi đã lên đến đỉnh cao, dù đi đến đâu, đi về hướng nào cũng là đi xuống, để đi lên nữa chỉ còn cách bay lên. Bay lên không thể bằng cách đi cũ, năng lượng cũ; thay vào đó, phải tìm cách thức, phương pháp mới. 

MG-1634.jpg

"Tôi ủng hộ OKR bằng cách chống lại nó", anh Châu nói khiến các cử toạ không khỏi bật cười.

“OKR không giúp chúng ta bay lên, những ước mơ viển vông không tạo điều kỳ diệu. Chỉ khi có sự cộng hưởng sức mạnh của một tập thể mới tạo sự kỳ diệu”. Anh lấy ví dụ thực tế, những dòng đối lưu trong lòng đất với những chuyển động rất nhỏ có thể tạo ra lục địa, dãy núi, động đất… Một viên pin nhỏ lắp vào đèn pin và lazer, thì ánh sáng từ đèn lazer sẽ chiếu được xa hơn. Đó là vì đèn lazer đã làm cho các ánh sáng cùng bước sóng, khi đó các ánh sáng sẽ đi được rất xa. Năm xưa, Việt Nam chiến thắng Mỹ bởi toàn thể quần chúng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt của người đứng đầu. 

"Ở khía cạnh ngược lại, "ông nói gà bà nói vịt", không biết hành động như thế, một người không rõ, nhiều người càng rối, không thể tạo được sự cộng hưởng”, anh Châu nhấn mạnh và khẳng định cộng hưởng sức mạnh vô cùng khó. 

Mục tiêu của phần chia sẻ ngày hôm nay là nêu ra những phương pháp làm thế nào để cộng hưởng sức mạnh trong FPT Telecom, tạo những điều kỳ diệu, để thấy OKR không phải là những giấc mơ viển vông. Nội dung chia sẻ gồm 2 phần: Các nền tảng trong phương pháp tư duy tích cực để tập thể có cùng ngôn ngữ trong suy nghĩ và hành động; Cách lựa chọn chiến lược. 

MG-1609-7768-1541691519.jpg

Hội nghị lãnh đạo FPT Telecom có sự tham gia của 150 đại biểu. 

Ở nội dung thứ nhất, những lý luận được đúc kết trong kinh nghiệm cá nhân của anh Châu. Theo đó, đồng sáng lập FPT chỉ ra vòng tròn có tính quy luật: hành động thực tiễn sẽ sinh ra tri thức, tri thức đúc kết thành lý luận, lý luận dẫn dắt tư duy, tư duy lại lãnh đạo hành động thực tiễn. Do đó, muốn có tư duy tích cực cần có cơ sở lý luận đúng. "Trong những tình huống xấu, góc nhìn lạc quan tích cực sẽ thay đổi tình thế", anh Châu nói về vai trò của tư duy tích cực. 

Sau đó, anh đã chia sẻ 10 cơ sở lý luận dẫn đến tư duy tích cực được bản thân đúc kết từ thực tế: thuận theo tự nhiên, phù hợp bản thân, hướng đến sự cân bằng, tìm góc nhìn lạc quan, không tạo thêm vấn đề, không làm trầm trọng vấn đề, không định kiến, tôn trọng ý kiến khác, tôn trọng bản thân.

Một trong những lời khuyên anh đưa ra trong nội dung này là người lãnh đạo không phải lúc nào cũng chỉ nói mà trên hết phải biết lắng nghe. “Khi có ý kiến phản biện lại những gì chúng ta trình bày, ta lập tức khó chịu. Nhưng tất cả ý kiến đều là thông tin giúp chúng ta có thêm cơ hội nhìn vấn đề nhiều góc”, anh phân tích. 

Ngoài ra, là lãnh đạo cần có góc nhìn lạc quan chọn đúng người giao đúng việc, tìm những điểm tích cực ở nhân viên, hài hòa giữa lợi ích công ty và cộng đồng, giữa cổ đông và nhân viên, cân nhắc lợi hại. Công ty nên chọn làm những việc phù hợp với đơn vị. “Người khác làm được mình cũng làm được là tư duy tai hại. Hãy làm những việc mà người khác làm không được”, anh gợi ý.

MG-1603-4318-1541691519.jpg

Anh Hoàng Minh Châu chia sẻ trên kinh nghiệm cá nhân tích lũy được.

Ở nội dung thứ hai, cách lựa chọn chiến lược phải dựa trên 3 yếu tố: thiên thời - địa lợi - nhân hòa. 

Thời là thời gian - tức làm việc gì cũng phải tự hỏi có sớm quá không có muộn quá không, có đúng thời điểm không. Muốn được vậy, theo anh,  phải có kiến thức, phải hiểu xu thế thị trường, xu thế phát triển, xu thế toàn cầu hóa… Mỗi công việc đều có vòng đời, thời điểm bắt đầu - thịnh vượng - tan rã. 

Lợi là lợi thế - chúng ta có lợi thế gì nếu làm việc này? Nếu không có lợi thế không làm. 

Hòa - không phải đoàn kết mà hướng bên ngoài, hợp tác với bên ngoài. Khi quyết định làm gì, phải cân nhắc có nên hợp tác với đối tượng hay không. 

Kết thúc phần chia sẻ, anh Châu trải lòng: “Những nền tảng trên hy vọng giúp mọi người có phương pháp tư duy tích cực hơn. Khi có cùng ngôn ngữ trong suy nghĩ, sức mạnh cộng hưởng để ai cũng thấm nhuần, đồng lòng, có cùng ước mơ, kế hoạch hành động để biến mục tiêu 500.000 thuê bao Internet trong năm 2019 thành hiện thực” . 

Anh Hoàng Minh Châu là thành viên Hội đồng sáng lập FPT, hiện giữ vai trò cố vấn cao cấp về văn hóa của FPT. Anh từng là giám đốc đầu tiên của chi nhánh FPT TP HCM từ ngày đầu thành lập năm 1990 đến tháng 10/2009. Anh đã xây dựng từ một tổ chức nhỏ bé, lần lượt vượt qua những công ty nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại TP HCM để trở thành một đơn vị hàng đầu tại đây. Anh là nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, nguyên là thành viên và ủy viên Hội đồng các đơn vị thành viên trực thuộc FPT như FPT Retail, FPT IS... Anh được coi là linh hồn của văn hoá doanh nghiệp FPT, một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển con người của tập đoàn.

Mô hình OKR do Andy Grove - cựu CEO Intel - đặt nền tảng, hiện được phần lớn hãng công nghệ hàng đầu thế giới áp dụng. Theo người khởi xướng, mục tiêu là những gì chúng ta muốn đạt được, không hơn không kém. Nó phải có ý nghĩa, rõ ràng, theo hướng khả thi và lý tưởng nhất là tạo cảm giác muốn đạt được.

Trong khi đó, kết quả then chốt sẽ đánh dấu và giám sát cách chúng ta đi đến những mục tiêu đó như thế nào. Những kết quả hữu hiệu phải thể hiện được một cách rõ ràng và có khống chế thời gian, phải có tính công kích nhưng vẫn đảm bảo tính hiện thực. 

OKR dần phổ biến và con số các doanh nghiệp thành công nhờ OKR cũng liên tục tăng. FPT và các công ty thành viên cũng bắt đầu áp dụng OKR cho mùa làm chiến lược mới với kỳ vọng tạo ra những đột phá trong thị trường.

Tại Hội nghị lãnh đạo FPT Telecom, tiếp nối phần chia sẻ của hai người dẫn dắt, lần lượt 5 PTGĐ FPT Telecom và TGĐ FTI sẽ trình bày OKR của các khối Internet, Truyền hình, Dịch vụ, Công nghệ, BO và Viễn thông Quốc tế.

Trong ngày làm việc kế tiếp, 7 nhóm sẽ hiến kế cho FPT Telecom (20 phút trình bày, 10 phút hỏi). Tối ngày 9/11, Hội nghị lãnh đạo FPT Telecom tranh tài Hội thi tuyên truyền viên OKR giỏi.

Xuân Phương - Viết Chung

Ảnh: Đức Thông

Ý kiến

()