Chúng ta

Chúng ta 'xưa' - quyền năng của kẻ yếu

Thứ ba, 29/12/2015 | 08:55 GMT+7

Nhận được giấy mời dự Chúng ta 20 năm, tôi không khỏi bồi hồi. Và như một lẽ tự nhiên, những kỷ niệm xưa lại trào về, và lan tỏa dần, lan xuống tận các đầu ngón tay, khiến tôi không thể không bật máy tính để cho những dòng hồi ức được chảy tràn trên màn hình.

Ngay lập tức, suy nghĩ đầu tiên của tôi về Chúng ta xưa là tên bài viết của một tác giả khá được yêu thích - Trần Tuấn Việt. Có lẽ cái tên bài “Quyền năng của kẻ yếu” mà Trần Tuấn Việt phác thảo cho những giao dịch, nhưng lại thực sự rất hợp với hình ảnh “Chúng ta xưa”.

Ngày ấy, FPT chưa có phòng truyền thông riêng mà được xếp vào tổ Trợ lý Ban TGĐ, mảng báo chí. Chỉ có hai chị em, chị Hải và tôi, làm cả PR đối ngoại lẫn truyền thông nội bộ nên chị em tôi cứ quay như chong chóng.  

Tự xác định là “kẻ yếu” nên “Chúng ta xưa” luôn có nhiều bạn. Điểm thuận lợi tiếp là sức hút từ cá nhân chị Hải. Chị như một thanh nam châm đầy ma lực, hút hết tất cả “dân chơi” của FPT - những người mà bây giờ được gọi là dẫn đắt đám đông (opinion leader), từ già đến trẻ, từ mới đến cũ, quy tụ xung quanh. Mọi người hồi ấy nhìn vào, toàn thấy chị Hải “đi chơi”. Nhưng chính nhờ “chất chơi” đó của chị mà “Chúng ta xưa” trở thành một cái 'Cổng' (Hub) thông tin, nắm mọi thâm cung bí sử của FPT, từ những lời đồn vỉa hè tới tin chính thống còn chưa ráo mực.

Chuyên mục “hot” nhất của “Chúng ta xưa” là Tin Vịt. Vì là mục Tin Vịt, không phải đảm bảo về tính chính xác, nên chuyên mục có thể thoải mái khai thác những chủ đề khá “nhạy cảm”, thậm chí cả chuyện “thâm cung” mà không sợ bị “tuýt còi”. Các tin được viết theo phong cách “truyện cười Lê Quang”, tức là có đến trên 90% là sự thật, chỉ có 1-2 tình tiết là… bịa và được bịa rất hóm hỉnh, mang tính giải trí cao, khiến ai đọc cũng bật cười. Nhưng ẩn sau những tiếng cười đó là nhiều nguyện vọng được đề xuất một cách “truyền cảm” hoặc những thói xấu được “phê phán một cách tinh tế” nên rất hợp lòng “dân”.

Cây bút chính của mục này là anh SơnTT, tức Thái Thanh Sơn, một “giang hồ” nổi tiếng ở FPT về độ chua ngoa và sắc sảo, cả miệng lẫn… ngón tay. Anh viết rất tốt và rất sâu sắc, đặc biệt là có thể viết “theo đơn đặt hàng” cũng hay như viết theo cảm hứng, có thể làm dịch vụ viết thuê từ sử ký cho đến báo cáo, thuyết trình, thơ phúng… Và “nguồn cảm hứng” để anh sáng tác ra các Tin Vịt không ai khác, chính là Tổng biên tập Vũ Thanh Hải. Hằng tuần, cứ vào trưa thứ Năm, hai anh chị rúc rích bàn luận, khiến chúng tôi cứ phải giỏng hết tai lên để nghe ngóng. Có hôm, hai anh chị bất đồng quan điểm, anh Sơn bỏ dở giữa chừng… Thế nhưng cuối ngày, tôi vẫn nhận được đầy đủ “Tin Vịt” từ chị Hải gửi đến, đúng giọng của anh Sơn. Sau này ngồi ngẫm lại, tôi mới cảm hết “chất” PR chuyên nghiệp của chị Hải. Dù anh Sơn có bỏ dở giữa chừng thì bằng cách này hay cách khác, chị vẫn “bắt” được anh hoàn thành chuyên mục theo đúng ý đồ của chị.

Chất truyền thông chuyên nghiệp của chị còn thể hiện ở chỗ, chị quy tụ được những diễn viên, cây bút giỏi nhất, dàn dựng cho họ những kịch bản hay nhất, rồi chấp nhận đứng trong hậu trường, điều hành mọi việc trơn tru để các diễn viên được tỏa sáng, được ca tụng. Còn mình mãi trong bóng tối. Đó là tính cách của một PR chuyên nghiệp, đặc biệt cần thiết với các PR làm hình ảnh cho lãnh đạo, nhưng thời nay rất ít PR làm được điều này.

Những người nhiệt tình nhất với “Chúng ta xưa” gồm rất nhiều lãnh đạo. Và cũng thông qua “Chúng ta xưa” mà rất nhiều lãnh đạo, nhân viên đã trở nên nổi tiếng và được yêu thích. Anh Thành Nam được coi là “cây bút lãng tử” nhất FPT. Cách anh viết rất phóng khoáng, rất gần gũi và có một chút giang hồ, lãng tử đầy ma mị. Từ phương Nam nắng nóng, anh Hoàng Minh Châu vẫn được nhiều thần dân FPT Hà Nội biết đến và ngưỡng mộ như một “cây bút hàn lâm hóm hỉnh” nhất vì chất sâu sắc nhưng lại hài hước, dễ hiểu. Anh Đỗ Cao Bảo không viết nhiều nhưng mỗi bài viết của anh là cả một sự đầu tư, đúc rút từ chính gan ruột, khiến cho độc giả cảm nhận được mọi câu chữ từ tâm của anh.

Ngay phòng bên cạnh, anh Hoàng Nam Tiến là nguồn cảm hứng, động viên lớn nhất đối với Ban biên tập Chúng ta. Mỗi chiều thứ Sáu, trước ngày báo ra, anh luôn lượn lờ “Xong báo chưa? Đưa anh đọc morass cho”. Dẫu biết anh khó có thể tìm ra lỗi chính tả nhưng chỉ cần câu hỏi đó cũng đủ làm ấm lòng. Sự quan tâm của anh thường kéo theo cả mấy trai trẻ của phòng Kế hoạch Kinh doanh khi đó như Trần Tuấn Việt, Lê Hoàng Hải, Trần Quốc Bình… tham gia viết bài, bình luận.

Với hai Phó TGĐ khi ấy là anh Lê Quang Tiến và anh Bùi Quang Ngọc, tôi lại có những kỷ niệm rất rất đáng nhớ. Lần đó, để truyền thông cho văn hóa FPT, anh Bình yêu cầu tôi phỏng vấn anh Lê Quang Tiến. Khi đó, kinh nghiệm làm báo của tôi còn hạn chế, trong khi anh Tiến luôn được tôi coi là "Bố già" (The God Father), lạnh lùng và uy nghiêm, nên tôi sợ lắm. Rụt rè đặt lịch rồi ngập ngừng bước vào đối diện với anh, tôi chỉ dám hỏi những câu hỏi được chuẩn bị, rời rạc và nông choèn. Anh Tiến trả lời khá ngắn gọn làm tôi không biết hỏi tiếp thế nào. Tôi đành phải chào ra về thì bị anh gọi lại và “sạc” cho một trận.

Anh bảo: "Tối qua em có xem Lary King phỏng vấn bố của Lewinsky không. Khi Lary King đẩy cảm xúc của bố Lewinsky lên cao trào, để cho ông bày tỏ sự ngậm ngùi trước cảnh con gái mới lớn, còn chưa chính thức bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, làm sao có thể chống đỡ trước người đàn ông từng trải, lọc lõi, đầy quyền lực… thì Lary King giả bộ ngập ngừng đưa ra một bức ảnh chụp ông đi cùng thư ký vào một nhà nghỉ. Điều đó khiến bố của Lewinsky sựng người, không biết trả lời thế nào…". Chốt lại, anh nói: "Phỏng vấn là phải như thế, phải có những tình tiết lật ngược lại câu chuyện, những tranh luận về quan điểm… thì mới có thể hấp dẫn độc giả". Mắng xong, buổi trưa anh lại điện thoại lên gọi đi ăn, đưa đến hẳn khách sạn Hà Nội, cùng cả anh Trương Đình Anh nữa. Nhờ được anh dạy dỗ như vậy mà sau này, tôi đã tự tin phỏng vấn hầu hết đội ngũ lãnh đạo các cấp của FPT.

Với anh Bùi Quang Ngọc, kỷ niệm cũng bắt đầu từ một lần bị mắng. Hôm đó, khi chúng tôi đang họp giao ban Tổng hội, anh đã xông vào mắng tôi vì không chịu ra sân cỏ, không chịu tăng trang Chúng ta. Trời ạ, chúng tôi đã có một loạt phóng viên thể thao sừng sỏ như Phan Thanh Toàn, Lương Công Hiếu, Đặng Trần Tình… rồi còn gì, sao cứ bắt tôi ra sân. Mà sao lại phải tăng trang chỉ vì một trận thể thao cuối tuần? Hóa ra, trận bóng hôm trước anh đã ghi bàn. Vì thế, hai trang thể thao không bao giờ thỏa mãn “cơn khát” của anh. Anh muốn ít nhất nửa tờ Chúng ta số ấy chỉ nói về trận đá bóng đó thôi. Một khi anh đã ghi bàn thì giấy tờ gì anh cũng ký hết, cớ sao không chịu tăng thêm mấy trang thể thao cho anh. Mắng như thế đấy, nhưng khi phóng viên Minh Phương đến phỏng vấn anh cho chuỗi bài về giáo dục trên VietNamNet, biết Minh Phương từng làm cho Chúng ta, anh bảo: "Đội Chúng ta từ trước đến nay, cái Huệ là sắc nét nhất". Sau đó tôi được Phương kể lại.

Kỷ niệm với “Chúng ta xưa”, giờ ngồi ôn lại, cả tháng cũng không hết. Chỉ riêng chuyện truyền thông cho liveshow của anh Nguyễn Khắc Thành cũng có thể kể cả tuần, từ chuyện ngồi viết trong tưởng tượng đến việc rủ em Phạm Mỹ Ngọc làm phóng viên chiến trường đến 2h sáng, suýt bị chồng bỏ… Rồi bao nhiêu tâm tình của các cán bộ đi công tác, các cán bộ vùng miền, mỗi khi nhớ về Hà Nội đều điện thoại cho Chúng ta.

Với vị thế của một “kẻ yếu”, “Chúng ta xưa” đã có được một lượng bạn bè khổng lồ. Nếu không  sự góp sức của rất nhiều cây bút, cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo FPT, đặc biệt là sự bao dung của anh Bình, sự tận tình của anh Nam… thì Chúng ta đã không thể vượt mọi “sóng gió” để sống tới ngày hôm nay.

>> Chúng ta ở tuổi thanh xuân rực rỡ

Thu Huệ

Ý kiến

()